Tin mới

Xây dựng lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn

14:56, 25/01/2024

Để thực hiện kinh tế tuần hoàn (KTTH) theo lộ trình Chính phủ đã đề ra, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và nhận được sự hỗ trợ của chuyên gia Nhật Bản trong việc lựa chọn các ngành, lĩnh vực trọng tâm thực hiện kinh tế tuần hoàn.

Những mục tiêu tham vọng về phát triển kinh tế tuần hoàn

Ở Việt Nam, phát triển KTTH đã được xác định là một trong những mô hình kinh tế ưu tiên để thực hiện định hướng quản lý chất thải, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

So với mô hình kinh tế tuyến tính, mô hình KTTH mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, doanh nghiệp và cộng đồng

Việt Nam đã ban hành các chủ trương, định hướng phát triển KTTH trong hệ thống chính sách và văn bản pháp luật. Điển hình như Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có Điều 142 quy định về KTTH và nhiều điều, khoản khác có vai trò thúc đẩy thực hiện KTTH như: phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, tính giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng hoặc thể tích; trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất và nhập khẩu - EPR; tái chế, tái sử dụng chất thải, phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, tín dụng xanh, trái phiếu xanh. Đồng thời cụ thể hóa nhiệm vụ xây dựng lộ trình thực hiện KTTH trong Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đã giao Bộ TN&MT xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH.

Ông Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết: Với sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức quốc tế, cùng sự tham gia và đóng góp của các nhà khoa học trong nước, quốc tế, các hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đến nay, Viện đã hoàn thành dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH với đầy đủ nội dung, khá tương đồng với xu hướng quốc tế. Dự thảo kế hoạch đã đề xuất 5 nhóm quan điểm, mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể phân kỳ theo 2 giai đoạn đến 2025 và đến 2030, 16 chỉ tiêu cụ thể; 5 chủ đề, 15 nhóm nhiệm vụ và 45 hoạt động.

Ông Kubo Yoshimoto - Phó trưởng đại diện Văn phòng JICA Việt Nam chia sẻ: Cùng với sự phát triển kinh tế, lượng chất thải phát sinh ở Việt Nam cũng tăng lên đáng kể, chính vì vậy, việc quản lý chất thải rắn trở thành nhiệm vụ rất quan trọng. Những năm qua, Việt Nam và Nhật Bản luôn hợp tác chặt chẽ và hiệu quả trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong khuôn khổ hợp tác, JICA đã phối hợp với Viện thực hiện các nghiên cứu để thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới KTTH tại Việt Nam. Các chuyên gia từ Nhật bản đã đồng hành chia sẻ kinh nghiệm, giúp tính toán và đề xuất lựa chọn các ngành, lĩnh vực trọng tâm của Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH.

Chia sẻ về dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH tại Việt Nam, ông Lại Văn Mạnh - đại diện Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT cho biết: Kế hoạch có mục tiêu hình thành hệ thống cơ cấu sản xuất, tiêu dùng bền vững, sử dụng hiệu quả giá trị tài nguyên thiên nhiên, tận dụng tối đa nguyên liệu, vật liệu đã qua sử dụng, hạn chế chất thải phát sinh và giảm tác động xấu đến môi trường. Phát triển mạnh các mô hình sản xuất, kinh doanh áp dụng KTTH, gắn với thực hành tốt, tạo dựng văn hóa bền vững trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, tiến tới hình thành xã hội tuần hoàn vật chất.

Dự thảo Kế hoạch cũng đề ra một số chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 như khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh bình quân người dân (kg/người/ngày) giảm dần theo các năm. Tỷ lệ rác thải hữu cơ được tái chế, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn đến năm 2030 đạt 100% ở đô thị, 70% ở nông thôn. Tỷ lệ rác thải hữu cơ ở nông thôn được tái chế đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thông qua các mô hình KTTH đến năm 2030 đạt trên 70%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp giảm 10% - 15% so với năm 2020.

Đồng thời, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng tăng dần theo các năm. Tỷ lệ chất thải rắn công nghiệp thông thường được tái sử dụng, tái chế làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng và san lấp mặt bằng theo quy định tăng dần theo các năm. Tỷ lệ xử lý và tái sử dụng nước thải ra môi trường lưu vực các sông đến năm 2030 đạt trên 70%.

8 ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện KTTH

Để đạt được các chỉ tiêu trên, dự thảo Kế hoạch cũng đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện như triển khai các hoạt động liên quan đến nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và phát triển các thực hành tốt về thực hiện KTTH; Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về thực hiện KTTH; Hỗ trợ thúc đẩy áp dụng KTTH trong sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng; Quản lý chất thải để thực hiện KTTH; Tăng cường liên kết, hợp tác, giám sát, đánh giá thực hiện KTTH.

Các ngành lĩnh vực ưu tiên thực hiện KTTH, bao gồm: Nông - Lâm - Ngư nghiệp; Năng lượng; Khai thác khoáng sản và chế biến khoáng sản; Công nghiệp chế biến, chế tạo; Hóa chất; Xây dựng và giao thông vận tải; Quản lý chất thải gồm chất thải rắn, nước thải và khí thải; Lĩnh vực trung gian, cộng sinh như thương mại dịch vụ, du lịch.

Theo chuyên gia Nhật Bản, để đạt được mục tiêu chung như dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện KTTH đề ra, đòi hỏi Việt Nam phải giải quyết nhiều thách thức về thể chế, hạ tầng, công nghệ và văn hóa để mỗi người dân, doanh nghiệp phải thực sự xem chất thải là tài nguyên, sẵn sàng nói không với việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm gây hại cho môi trường. Để thúc đẩy quản lý chất thải hướng tới KTTH, thời gian với, Việt Nam cần chia sẻ và công bố thông tin dựa trên Kế hoạch hành động quốc gia về KTTH. Cùng với đó, thiết lập nhóm công tác giám sát KTTH và tổ chức họp thường xuyên giữa các bên liên quan, các bên tham gia. Xây dựng báo cáo môi trường KTTH và thực hiện thử nghiệm phát triển hệ thống KTTH.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc