Tin mới

Việt Nam có nhiều lợi thế sản xuất tín chỉ các-bon chất lượng cao

14:25, 20/12/2023

Ông Patrick Suckling từng đảm nhiệm vai trò xây dựng chính sách quốc tế cho hai đời Thủ tướng Australia, bao gồm các cuộc đàm phán trong khuôn khổ Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và sự ứng phó của G20 đối với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Ông hiện là lãnh đạo Pollination Group - một trong những công ty tư vấn và đầu tư khí hậu quốc tế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực vốn tự nhiên (natural capital). Ông đóng vai trò dẫn dắt các chiến lược, giải pháp chuyển đổi và đầu tư tại các thị trường trọng điểm ở châu Á như Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Pollination Group đang mở rộng hoạt động trên khắp Đông Nam Á và các khu vực khác.

 

PV: Thưa ông, qua chuyến thăm Việt Nam vào cuối tháng 11/2023 vừa qua, đứng từ góc độ là người đã có nhiều kinh nghiệm tư vấn triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu dựa vào thiên nhiên tại nhiều quốc gia, ông đánh giá Việt Nam có thế mạnh gì?

Ông Patrick Suckling: Việt Nam có những tiềm lực nổi bật để đi đầu trong việc ứng dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, như cách các bạn đã làm trong nông nghiệp và các lĩnh vực khác suốt 20 năm qua.

Việt Nam là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học giàu có nhất trên Trái đất, với diện tích rừng rộng lớn và mức độ đa dạng sinh học biển cao nhất thế giới. Việt Nam cũng sở hữu các khu rừng ngập mặn và thảm cỏ biển rộng lớn, đặc biệt phù hợp với các dự án giải pháp NBS có tác động cao. Những loại dự án “carbon xanh” này giúp lưu trữ carbon nhanh hơn 40 lần so với trồng rừng và thời gian lưu trữ carbon cũng lâu hơn.

Điều đó có nghĩa là Việt Nam có tiềm năng rất lớn để triển khai các giải pháp dựa vào thiên nhiên (NBS) để thu về tín chỉ carbon, một công cụ đang được các công ty quốc tế và khu vực như Singapore, Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực phát triển để đáp ứng yêu cầu của thế giới. Chúng tôi ghi nhận Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên ký Biên bản ghi nhớ (MOU) với Singapore về việc phối hợp phát triển các dự án tín chỉ carbon.

Lịch sử đã cho thấy, nông dân có thể thích nghi nhanh chóng và nắm lấy cơ hội với những loại cây trồng và phương thức canh tác mới. Các giải pháp NBS có thể xem là sự mở rộng của hoạt động này – đó là chuyển đổi sử dụng đất theo hướng cắt giảm/loại bỏ/lưu trữ phát thải khí nhà kính để tạo ra doanh thu từ tín chỉ carbon. Bên cạnh đó, Việt Nam có nhu cầu bảo tồn đa dạng sinh học cao do là một trong những khu vực có tỷ lệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới.

Trong những thập kỷ tới, thế giới có xu hướng đảm bảo nguồn tài chính toàn cầu nhằm tạo ra tác động tối đa giúp đẩy nhanh quá trình khử các-bon và đảo chiều đà suy giảm đa dạng sinh học. Việt Nam có cả 2 điều kiện này. Những việc cần làm trong giai đoạn tới là đảm bảo các công ty và Chính phủ Việt Nam có thể nhận được sự tư vấn và hỗ trợ về mặt chuyên môn, qua đó họ có thể nắm bắt các cơ hội.

PV: Hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu cần phải đồng thời tạo ra động lực phát triển kinh tế, phục vụ các mục tiêu phát triển chung của quốc gia, ngành kinh tế hay các doanh nghiệp. Các giải pháp dựa vào thiên nhiên đáp ứng những yêu cầu này như thế nào, thưa ông?

Ông Patrick Suckling: Áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên sẽ giúp Việt Nam và các quốc gia khác trong khu vực xây dựng một nền kinh tế hướng tới tương lai. Nghĩa là vừa đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng bền vững vừa bắt kịp xu thế toàn cầu theo hướng hướng phát thải ròng bằng “0” và thân thiện với thiên nhiên.

Khi quá trình khử carbon tăng tốc trên toàn cầu, Việt Nam cũng sẽ phải chú trọng chuyển đổi nền kinh tế rời xa từ các hoạt động phát thải cao. Hệ thống năng lượng Việt Nam cũng cần khử carbon nếu muốn duy trì khả năng cạnh tranh toàn cầu với tư cách là một quốc gia sản xuất năng lượng.

Trong tương lai, các khoản đầu tư sẽ đi kèm yêu cầu về việc tăng cường các giải pháp thân thiện với khí hậu và thiên nhiên. Đây cũng sẽ là lĩnh vực mới mà nhiều công ty và nhà đầu tư lớn tìm kiếm. Sự điều chỉnh để có các điều kiện phù hợp cho khai thác đầu tư phụ thuộc vào cách Việt Nam thiết lập thị trường các-bon đầu tiên để tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ quốc tế (dự kiến vận hành chính thức từ năm 2028). Bên cạnh đó là cách thức Việt Nam thực hiện điều 6 của Thỏa thuận Paris. Quy định này đang định hình cách các nước tiếp cận với các công ty gây phát thải, để đảm bảo hai bên đều đáp ứng các cam kết giảm phát thải khí nhà kính và tạo cơ hội xuất khẩu tín chỉ các-bon, tránh việc tính trùng lặp kết quả giảm phát thải.

Việc chú trọng sản xuất tín chỉ chất lượng cao rất quan trọng, vì yếu tố không thể thiếu của những dự án dạng này là mang lại tác động dài hạn với cộng đồng địa phương. Lợi ích từ các dự án này sẽ tiếp tục ở lại Việt Nam, dưới dạng cơ sở hạ tầng, tăng cường năng lực hoặc doanh thu mới, ngay cả khi tín chỉ các-bon từ dự án được được xuất khẩu ra nước ngoài.

Các giải pháp dựa vào thiên nhiên có thể cung cấp việc làm và kỹ năng mới, liên kết với các hoạt động đổi mới sáng tạo đang phát triển mạnh tại Việt Nam, thu hút ứng dụng công nghệ mới và nguồn lực từ các nhà tài trợ quốc tế mới vào Việt Nam. Từ đó, thiết lập các mối quan hệ để có dòng chảy đa chiều với các tác động khác nhau.

PV: Dù là giải pháp dựa vào thiên nhiên nhưng vẫn cần có sự can thiệp ở mức độ nhất định của con người. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm tại các quốc gia khác mà ông cảm thấy phù hợp với Việt Nam?

Ông Patrick Suckling: Các giải pháp dựa vào thiên nhiên cung cấp một loạt các hành động để bảo vệ, quản lý và khôi phục hệ sinh thái nhằm giải quyết các vấn đề xã hội khác. Cốt lõi của các giải pháp dựa vào thiên nhiên là lợi ích đối với sức khỏe con người và đa dạng sinh học. Đây cũng là nền tảng để xác định khái niệm NBS của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) và khái niệm này hiện đã trở nên phổ biến.

“Nếu một giải pháp chỉ thúc đẩy các hoạt động có lợi cho thiên nhiên nhưng gây thiệt hại cho con người, hoặc ngược lại, một giải pháp khuyến khích lợi ích con người và gây thiệt hại cho thiên nhiên đều không phù hợp với những tiêu chí đã xác định về NBS.

Sự can thiệp và các hoạt động của con người trong thực hiện giải pháp NBS đóng vai trò rất quan trọng cần lên kế hoạch kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp, sự can thiệp này liên quan đến việc điều chỉnh môi trường lý sinh theo từng địa điểm, thông qua hoạt động quản lý cảnh quan thiên nhiên, cảnh biển và thành phố của con người. Đặc điểm của phần lớn giải pháp đa dạng được đưa vào NBS là lấy con người làm trung tâm, từ hoạt động trồng cây và khôi phục vùng đất ngập nước đến bảo tồn các rạn san hô và sông bằng cách xây dựng rào chắn, nâng cao nhận thức và thúc đẩy giáo dục, nâng cao kiến thức của chính quyền địa phương và cộng đồng.

Con người đóng vai trò then chốt trong NBS. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm trong nhiều dự án ở châu Á và trên toàn cầu, Pollination xác định các yếu tố cần quan tâm khi triển khai NBS là thời điểm và cách thức tham gia của các bên liên quan, cũng như xác định giải pháp nào cần có sự can thiệp của con người. Sự tham gia từ sớm và liên tục của cộng đồng địa phương giúp dự án phục hồi dễ thành công hơn, đảm bảo phục hồi hiện trạng thiên nhiên tốt nhất và những mục tiêu NBS đang nỗ lực để đạt được trong tương lai.

Chính các bên liên quan ở địa phương là những người luôn gắn kết với thiên nhiên và có thẩm quyền tốt nhất để quyết định NBS nào phù hợp với một địa điểm cụ thể, dù ở Việt Nam hay nơi nào khác.

Việt Nam là quốc gia có số lượng lớn các hộ nông dân nhỏ và lao động nông thôn. Việc huy động lực lượng người này là một thách thức nhưng đồng thời cũng mang lại cơ hội lớn. Pollination từng ghi nhận các điều kiện tương tự khi tham gia triển khai dự án carbon xanh ở khu vực Đồng bằng sông Ấn tại Pakistan. Dự án này có sự tham gia của hàng nghìn người dân địa phương vào quá trình trồng trọt, giám sát và chăm sóc cho các khu rừng ngập mặt. Qua đó, giúp giảm thải 250 triệu tấn CO2 trong thời gian 60 năm và tạo ra 21.000 việc làm. Dự án này cũng tạo ra tín chỉ carbon chất lượng cao đang được các công ty quốc tế như Microsoft và Respira thu mua.

PV: Thưa ông, Việt Nam cần làm gì ngay từ bây giờ để chuẩn bị sẵn sàng thực hiện các giải pháp dựa vào thiên nhiên?

Ông Patrick Suckling: Các giải pháp dựa vào thiên nhiên đòi hỏi chủ thể triển khai có năng lực quản lý bền vững và sử dụng công cụ tự nhiên, cũng như quy trình đối phó với hàng loạt vấn đề môi trường – xã hội như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, ô nhiễm nguồn nước, an ninh lương thực, sức khoẻ con người và mất đa dạng sinh học.

Việc nhận thức toàn bộ tiềm năng của NBS sẽ phụ thuộc vào cách Việt Nam và các nước láng giềng thiết lập khung chính sách để quản lý và định hình các thị trường môi trường mới nổi. Ví dụ, Singapore ban hành quy định cho phép các công ty trong nước sử dụng tín chỉ từ các dự án các-bon nước ngoài để giảm thuế các-bon phải nộp tại nước này.

Thông qua việc tăng cường tham gia vào các dự án tín chỉ các-bon, Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt được các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris nhanh hơn, đồng thời cũng có thể xuất khẩu tín chỉ carbon sang các nước đang có nhu cầu mua như Singapore.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng có tiềm năng đầu tư vào các dự án như vậy để giảm phát thải trong các ngành công nghiệp chủ chốt, đồng thời đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra một cách bền vững. Nếu nhìn vào các ngành mà Việt Nam có thế mạnh, chẳng hạn như sản xuất và nông nghiệp, chúng ta đều nhận thấy cần phải có sự thay đổi trong quy trình và mô hình kinh doanh trong tương lai.

Mặc dù việc khử cacbon trong các lĩnh vực này là hoàn toàn cần thiết để tạo ra động lực kinh tế mang tính cạnh tranh quốc tế, nhưng chi phí thực hiện không nhỏ. Thị trường các-bon sẽ là một nguồn doanh thu mới có thể giúp làm dịu quá trình chuyển đổi đó. Hơn thế nữa, đây còn là cơ hội để Việt Nam giành vị trí dẫn đầu trong một thị trường đang phát triển nhanh chóng. Theo ước tính, thị trường các-bon tự nguyện toàn cầu nói riêng sẽ tăng quy mô lên gấp 5 lần vào năm 2030, đạt tổng giá trị 40 tỷ USD/năm.

Ở Việt Nam cũng như các nước láng giềng, chúng ta cần hiểu rõ hơn về cách quản lý xuất khẩu tín chỉ carbon. Cần lưu ý rằng các khoản tín chỉ xuất khẩu này không được “tính hai lần”, nghĩa là khi các khoản tín chỉ được giao dịch ở nước ngoài không được tính cho mục tiêu giảm phát thải mà Việt Nam cam kết khi tham gia Thỏa thuận Paris.

Việt Nam là một trong nhiều quốc gia toàn cầu có tiềm năng đóng góp lớn cho lĩnh vực giải pháp dựa trên thiên nhiên, tuy nhiên sẽ cần có cơ chế phù hợp để đảm bảo khuyến khích đầu tư nước ngoài vào các dự án, đồng thời đảm bảo doanh thu và lợi nhuận vẫn ở Việt Nam, giúp thúc đẩy nền kinh tế, đời sống của người dân và môi trường Việt Nam.

Các nước phát triển hiện đang tính toán về vấn đề này. Nếu quốc gia muốn thu về quá nhiều từ các dự án như vậy, điều này có thể khiến các nhà đầu tư chuyển sang những nơi khác. Nhưng nếu thu lại quá ít, việc xuất khẩu tín chỉ carbon sẽ mang lại nguồn lợi lớn cho các nhà phát triển quốc tế nhưng mang lại ít lợi ích hơn cho Việt Nam.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc