Với 468 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm tỷ lệ 94,74 %), Quốc hội đã chính thức thông qua dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Ngày 27/11, trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Luật gồm 10 Chương, 86 Điều được ban hành kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước (TNN), đảm bảo an ninh TNN quốc gia.
“Điều 85. Hiệu lực thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này.
2. Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 08/2017/QH14, Luật số 35/2018/QH14, Luật số 72/2020/QH14 (sau đây gọi là Luật số 17/2012/QH13) hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại các khoản 1, 3 và 5 Điều 86 của Luật này.
3. Việc tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cấp cho sinh hoạt theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2025.
4. Việc kê khai khai thác nước dưới đất của hộ gia đình quy định tại khoản 4 Điều 52 của Luật này được thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2026.
Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang tham gia biểu quyết tán thành thông qua dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). |
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về nội dung bảo vệ TNN và phục hồi nguồn nước (Chương III), tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quản lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các quy định mang tính kỹ thuật như: phòng, chống ô nhiễm nước biển tại Điều 33; khai thác TNN cho sinh hoạt tại Điều 43; thu gom, xử lý nước đã qua sử dụng trong sản xuất công nghiệp, khai thác và chế biến khoáng sản tại Điều 47; phòng, chống xâm nhập mặn tại Điều 64; phòng, chống sụt, lún đất tại Điều 65; phòng, chống sạt, lở lòng, bờ, bãi sông, hồ tại Điều 66.
Có ý kiến đề nghị xác định rõ cơ sở pháp lý để xác định dòng chảy tối thiểu, về nội dung này, UBTVQH cho rằng, việc quy định dòng chảy tối thiểu trong dự thảo Luật được kế thừa từ Luật Tài nguyên nước năm 2012, Nghị quyết số 62/2013/QH13 ngày 27/11/2013 của Quốc hội về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thuỷ điện và được triển khai thực hiện ổn định nhiều năm qua. Do đó, đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn cho việc quy định về dòng chảy tối thiểu.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu |
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy khẳng định, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, bổ sung, chỉnh lý quy định về ưu tiên đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác nguồn nước, tích trữ nước; có chính sách ưu đãi đối với các dự án đầu tư khai thác nước cho sinh hoạt, sản xuất cho người dân các vùng khan hiếm nước ngọt, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo (khoản 2 Điều 4); khuyến khích thực hiện các hoạt động tích trữ nước (khoản 4 Điều 4); ứng dụng và phát triển công nghệ trong tích trữ nước (điểm h khoản 1 Điều 6); ưu tiên đầu tư, xây dựng các công trình tích trữ nước kết hợp bổ sung nhân tạo nước dưới đất tại các hải đảo, vùng khan hiếm nước (khoản 1 Điều 39); khuyến khích các tổ chức, cá nhân nghiên cứu giải pháp và thực hiện việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 1 Điều 39), đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể việc bổ sung nhân tạo nước dưới đất (khoản 3 Điều 39).
Về khai thác, sử dụng TNN (Mục 2, Chương IV), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định liên quan đến lượng nước được cấp phép để có thể linh động hơn trong điều kiện bình thường và bất thường như tại điểm h khoản 2 Điều 42 vì giấy phép khai thác nước chỉ quy định một giá trị lưu lượng trong điều kiện khai thác bình thường. UBTVQH nhận thấy, việc điều chỉnh lưu lượng khai thác trong điều kiện bình thường đã được thể hiện trong giấy phép thông qua hạn ngạch khai thác nước được quy định điểm d khoản 1 Điều 41 và điều kiện bất thường thông qua phương án điều hoà, phân phối tài nguyên nước khi xảy ra hạn hán thiếu nước quy định tại điểm h khoản 2 Điều 42. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.
Về ý kiến đề nghị rà soát các quy định liên quan để quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt. Đồng thời, giao Chính phủ quy định cụ thể về thông số quan trắc tự động, tần suất, thông số quan trắc định kỳ để giám sát chặt chẽ biến động chất lượng nguồn nước trước khi đưa vào công trình khai thác nước cho sinh hoạt. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý quy định chặt chẽ trách nhiệm trong khai thác nước cho sinh hoạt của các cơ quan tại khoản 3, 4 Điều 43 về khai thác tài nguyên nước cho sinh hoạt; về quan trắc, giám sát khai thác tài nguyên nước tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 và giao Chính phủ quy định chi tiết tại khoản 3 Điều 51.
Tiếp thu, giải trình quy định về kê khai, đăng ký, cấp phép về TNN (Mục 3, Chương IV), tiếp thu ý kiến ĐBQH, khoản 5 Điều 53 dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục kê khai, đăng ký, cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước. Đồng thời, quy định chuyển tiếp việc hoàn thành thủ tục đăng ký, cấp phép khai thác TNN cho các công trình thuỷ lợi chậm nhất là ngày 30/6/2027, quy định tại khoản 6 Điều 86 dự thảo Luật.
Về sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả (Mục 4, Chương IV), có ý kiến đề nghị cần xác định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng cho từng dự án cụ thể để tăng cường trách nhiệm của chủ dự án khi lựa chọn áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất và xử lý nước thải. UBTVQH nhận thấy, để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, Điều 59 dự thảo Luật đã quy định sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo 3 cấp độ; Đồng thời, khoản 4 Điều 59 dự thảo Luật đã quy định giao UBND cấp tỉnh có kế hoạch, lộ trình quy định các loại dự án phải có phương án tái sử dụng nước đối với các khu vực thường xuyên xảy ra hạn hán, thiếu nước và các hình thức ưu đãi theo quy định của pháp luật. Theo đó, UBND cấp tỉnh sẽ xem xét, quyết định tỷ lệ nước phải tuần hoàn, tái sử dụng đối với từng dự án. Do đó, xin được giữ như dự thảo Luật.
Toàn cảnh phiên họp |
Về công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho TNN (Chương VI), có ý kiến đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định thêm các nguồn kinh phí hợp pháp khác ngoài ngân sách Nhà nước để thực hiện hoạt động quy định tại Điều 72 và Điều 74 dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MTcủa Quốc hội cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý, bổ sung quy định về đảm bảo cơ chế chính sách về tài chính cho các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm: (1) Kinh phí phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm được bố trí từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp môi trường, đầu tư phát triển, quỹ bảo vệ môi trường, nguồn chi trả của đối tượng gây suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước, nguồn đóng góp khác của tổ chức, cá nhân tại khoản 5 Điều 34; (2) khuyến khích các tổ chức tài chính phát triển tín dụng xanh, trái phiếu xanh và các sản phẩm tài chính để hỗ trợ cho hoạt động phục hồi nguồn nước tại khoản 4 Điều 72; (3) xã hội hóa hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm tại điểm a khoản 1 Điều 74 thông qua ưu đãi đầu tư và kêu gọi sự tham gia của xã hội thông qua việc bổ sung quy định về phục hồi nguồn nước theo hình thức đối tác công tư.
Đồng thời, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 34 Chương Bảo vệ và phục hồi nguồn nước bổ sung quy định về xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; ưu tiên phục hồi “dòng sông chết” nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường sinh thái, trong đó kèm theo chương trình, đề án, dự án ưu tiên làm sống lại các dòng sông (như đang được bắt đầu với sông Bắc Hưng Hải, Nhuệ, Đáy thông qua xây dựng các đập dâng để tạo dòng chảy).
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc