Tin mới

Phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ tập thể, tâm huyết của nhân dân để hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

10:58, 01/11/2023

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6 khóa XV. Từ cuối năm 2022, hoạt động lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là một trong những hoạt động kinh tế, xã hội sôi nổi nhất, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp bởi đây là dự án luật có vai trò, tác động vô cùng lớn tới nhiều mặt của đời sống nhân dân.

Tiếp thu, hoàn thiện sửa đổi trước khi ban hành

Trong quá trình tổng kết, xây dựng dự thảo Luật Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện đúng theo quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, các đối tượng chịu sự tác động của chính sách; đặc biệt Bộ đã nghiêm túc trong thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng, đảm bảo sự ổn định, kế thừa của hệ thống pháp luật đất đai; phát triển các quy định đã được thực tiễn chứng minh là đúng, vận hành thông suốt; sửa đổi, bổ sung các quy định chưa phù hợp với thực tiễn đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật. Các nội dung của dự thảo Luật Đất đai đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của Nhân dân, người dân rất phấn khởi khi được tham gia góp ý đối với dự thảo Luật. Với trên 12 triệu lượt ý kiến góp ý của Nhân dân, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của Nhân Dân; mời các cơ quan có liên quan của Quốc hội và tổ chức làm việc trực tiếp với các Bộ, ngành để rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật. Tại Kỳ họp thứ 5, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Nhân dân, dự thảo đã được tiếp tục hoàn thiện, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đánh giá chất lượng của dự thảo Luật đã ngày càng được nâng cao và bám sát thực tiễn.

Ngay sau khi Kỳ họp thứ 5 kết thúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Chính phủ, cơ quan thẩm tra, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã tổ chức làm việc tập trung, rà soát từng điều, khoản cụ thể để có được một dự thảo Luật có chất lượng tốt nhất. Quá trình soạn thảo, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Lãnh đạo Chính phủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã 2 lần cho ý kiến, các đồng chí Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã nhiều lần cho ý kiến chỉ đạo việc tiếp thu, giải trình đối với dự thảo Luật này. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến hai lần tại kỳ 4 và kỳ 5, sau mỗi lần nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý, dự thảo Luật đã ngày càng được hoàn thiện hơn.

Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận, đến thời điểm này, chất lượng dự án Luật được nâng lên một cách cơ bản, bảo đảm chất lượng khá tốt và đi đúng hướng, có đủ điều kiện để tiến hành các quy trình tiếp theo để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Hiện nay, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tiếp thu giải trình ý kiến của các Đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6.

Dự thảo Luật và sự cần thiết thông qua

Quá trình tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương về “tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, cũng như tổng kết Luật Đất đai năm 2013 đã nhận diện được những tồn tại, bất cập từ thực tiễn, những vẫn đề phát sinh trong quá trình tổ chức, thi hành Luật như: Quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo tính đồng bộ, tổng thể, hệ thống, chất lượng chưa cao, thiếu tầm nhìn dài hạn; Nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững; Việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân còn bất cập; Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có nơi chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân; Cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; Tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường; Vi phạm pháp luật về đất đai còn nhiều nhưng việc xử lý còn hạn chế; Còn có sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật có liên quan đến đất đai làm cho quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai bị hạn chế, một số nội dung phát sinh mới trong thực tiễn nhưng pháp luật chưa có quy định điều chỉnh.

Trên cơ sở những hạn chế, bất cập từ thực tiễn và để thể chế hóa chủ trương chính sách của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tập trung thể chế hóa chính sách của Đảng thành quy định của pháp luật và giải quyết được nhiều vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn công tác quản lý, sử dụng đất.

Thứ nhất, đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua đổi mới nội dung, phương pháp, quy trình tổ chức lập, điều chỉnh và phê duyệt, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, tăng cường công khai, minh bạch, sự tham gia của người dân trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân trong rà soát, xử lý và công bố công khai việc hủy bỏ, thu hồi đất, chuyển mục đích đối với đất đã được ghi trong kế hoạch sử dụng đất.... sẽ là nền tảng đưa nguồn lực đất đai làm đầu vào cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo đúng tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW.

Thứ hai, tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản thủ tục hành chính, bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai trong dự thảo Luật đã góp phần minh bạch trong việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt dự thảo đã quy định rõ các trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, các trường hợp giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất, các trường hợp cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê… đã giúp cho việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân được minh bạch hơn.

Thứ ba, quy định rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, quy định cụ thể trình tự thực hiện bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư và trách nhiệm của các cấp chính quyền, cơ quan ở từng bước công việc. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư, để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Người có đất bị thu hồi được bồi thường thiệt hại về đất, tài sản gắn liền với đất, chi phí đầu tư vào đất, thiệt hại do ngừng sản xuất, kinh doanh; được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm, hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở. Giá đất bồi thường là giá đất cụ thể của loại đất thu hồi tại thời điểm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ theo quy hoạch chi tiết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi; khu tái định cư có thể bố trí cho một hoặc nhiều dự án. Quy định rõ về việc phối hợp giữa Ủy ban nhân dân cấp xã và đơn vị, tổ chức trực tiếp thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; xác định rõ thời điểm ban hành quyết định thu hồi đất và việc xử lý đối với trường hợp người có đất bị thu hồi không đồng ý hoặc không phối hợp khi tổ chức việc thu hồi đất.

Thứ tư, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai, giá đất, quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo nguyên tắc thị trường; tuân thủ đúng phương pháp, trình tự, thủ tục định giá đất; bảo đảm trung thực khách quan, công khai, minh bạch; bảo đảm tính độc lập giữa tổ chức tư vấn, Hội đồng thẩm định bảng giá đất, Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể và cơ quan hoặc người có thẩm quyền quyết định giá đất; …Những đổi mới trong các quy định về tài chính đất đai, giá đất sẽ là nền tảng khai thác nguồn lực đất đai hiệu quả, hỗ trợ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Thứ năm, dự thảo Luật đã sửa đổi các thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cung cấp thông tin đất đai … theo hướng cải cách giảm bớt thủ tục hành hành chính, giảm thời gian, nguồn nhân lực, thủ tục giấy tờ liên quan, phân rõ trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính nhằm đáp ứng yêu cầu của người dân và doanh nghiệp trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Các quy định nói trên sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện việc minh bạch, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo tiền đề để hiện đại hóa việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai cho người dân và doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội chung của cả nước, đảm bảo thể chế hóa được quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Ban chấp hành trung ương Đảng về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai” và nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về đất đai.

Thứ sáu, dự thảo Luật cũng đã sửa các luật có liên quan đến đất đai nhằm xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các luật, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, tại Kỳ họp lần thứ 6 này, Quốc hội cũng xem xét thông qua một số đạo luật có liên quan trực tiếp đến đất đai như dự thảo Luật Nhà ở, dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản….Cùng với dự thảo Luật Đất đai và các đạo luật này sẽ góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, giúp cho các địa phương thuận lợi trong việc áp dụng, triển khai thực hiện.

Trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc trong việc thể chế các chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật về đất đai, tiếp thu ý kiến của Nhân Dân, các Đại biểu Quốc hội, Với kỳ vọng vào dự thảo Luật Đất đai được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, góp phần minh bạch, cụ thể hóa các quy định, nhất là các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, tài chính đất đai, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư … bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, khơi thông nguồn lực đất đai để phát triển đất nước, bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và cải cách hành chính, bỏ các khâu trung gian, tạo thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức khi thực hiện quyền và bảo vệ lợi ích của mình.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc