Tin mới

DIỄN ĐÀN KINH TẾ TUẦN HOÀN VIỆT NAM 2023: Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Kinh tế tuần hoàn

17:43, 16/11/2023
 

Ngày 16 tháng 11 năm 2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức “Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023: Xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) thực hiện Kinh tế tuần hoàn” với sự tham gia của Lãnh đạo Chính phủ, Trưởng đại diện các đối tác phát triển, Đại sứ, đại diện các doanh nghiệp lớn, các tổ chức phi chính phủ (NGO), các trường đại học, Viện nghiên cứu và các chuyên gia đầu ngành về kinh tế tuần hoàn (KTTH).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chụp ảnh cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn Việt Nam 2023

Trong thời gian qua, vấn đề môi trường, khí hậu luôn được đặt ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình Nghị sự, kế hoạch phát triển của đất nước với mục tiêu bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”.

Tại Diễn đàn, các đối tác trong nước và quốc tế cùng nhau thảo luận về  Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia (KHHĐQG) thực hiện KTTH và lộ trình triển khai. Diễn đàn là cơ hội để trao đổi và thảo luận về cách tiếp cận phù hợp và cơ chế tài chính để thúc đẩy KTTH tại các ngành, lĩnh vực từ cấp trung ương đến địa phương nhằm đảm bảo thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về biến đổi khí hậu, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, giảm ô nhiễm môi trường. Các hình KTTH được triển khai trong thực tiễn thông qua cách tiếp cận Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) là những điển hình cụ thể minh chứng tính hiệu quả trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu Việt Nam đang phải đối mặt. Tại Diễn đàn, các cơ chế tài chính như thúc đẩy thị trường các-bon, nguồn tài chính đổi mới cho đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái cũng như huy động sự tham gia của tư nhân trong hoạt động quản lý chất thải được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để thực hiện KTTH trong thời gian tới.

Tại Diễn đàn, trong phiên toàn thể diễn ra vào buổi sáng ngày 16/11/2023, các nhà lãnh đạo, đối tác trong nước và quốc tế thảo luận về Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn và lộ trình triển khai.

Trong phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân đã có bài phát biểu nhấn mạnh vai trò của KTTH trong hướng tới phát triển bền vững và đề nghị các đại biểu chia sẻ, gợi ý bài học kinh nghiệm để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo KHHĐQG thực hiện KTTH, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN thiết lập một khung thể chế, pháp luật       toàn diện cho KTTH. Thứ trưởng cho biết: Trong gần 40 năm qua, phát triển dựa vào các nguồn tài nguyên, lao động giá rẻ đã giúp Việt Nam đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, cũng như các quốc gia khác, Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng về cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm, suy thoái môi trường và biến đổi khí hậu.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khai mạc Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn 2023.

Với những vấn đề đặt ra ở trên, được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang tích cực nghiên cứu, thể chế hóa mục tiêu phát triển KTTH trong hệ thống pháp luật và thực tiễn để giải quyết những vấn đề đặt ra như: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất” trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030; trong các Nghị quyết của Đảng về các lĩnh vực năng lượng, CNH, HĐH, đô thị hóa, nông nghiệp, nông thôn, nông dân, phát triển các vùng...

Luật Bảo vệ môi trường định nghĩa KTTH là mô hình kinh tế mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm thiểu khai thác nguyên vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và loại bỏ các tác động tiêu cực tới môi trường”. Luật cũng đã giao trách nhiệm cho các Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện KTTH. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường cũng đã có hướng dẫn chi tiết về tiêu chí, biện pháp, trách nhiệm và lộ trình, các cơ chế khuyến khích thực hiện KTTH.

Diễn đàn cũng đã được lắng nghe các báo cáo tham luận rất sâu sắc, tâm huyết của đại diện Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Ellen MacArthur Foundation, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Tập đoàn SCG, Tập đoàn đoàn Unilever, Ngân hàng Thương mại cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank). Diễn đàn đã dành thời gian thảo luận chuyên sâu về thúc đẩy KTTH trong các ngành/lĩnh vực, địa phương và doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn

Tại Diễn đàn cũng vinh dự được lắng nghe phát biểu chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng đã đề nghị: “Để thúc đẩy KTTH, cần phải có một kế hoạch rõ ràng, các mục tiêu cụ thể và có sự đồng thuận lớn của toàn xã hội; đồng thời, cần phải có một hành lang pháp lý cho việc hình thành, phát triển các mô hình KTTH gắn với trách nhiệm của các thành phần trong nền kinh tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, doanh nghiệp là động lực trung tâm, các tổ chức và từng người dân tham gia thực hiện. Những chính sách cụ thể sẽ là bệ đỡ, bệ phóng cho các doanh nghiệp, khu công nghiệp thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất.”

Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đối với sự quan tâm, ủng hộ của Lãnh đạo Chính phủ; đồng thời đánh giá cao chia sẻ quý báu của các đại biểu tại Diễn đàn. Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá việc xây dựng KHHĐQG sẽ cung cấp một chiến lược cụ thể trong giai đoạn ngắn hạn, cũng như dài hạn để chuyển đổi sang hình KTTH, hướng tới phát triển bền vững.

Ông Đặng Quốc Khánh, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên & Môi trường

Trong buổi chiều, Diễn đàn tiếp tục được chia thành 03 phiên chuyên đề tập trung vào các nội dung: Chuyên đề 1: Lộ trình triển khai KHHĐQG về thực hiện KTTH; Chuyên đề 2: Phương pháp tiếp cận ESG để thực hiện KTTH trong doanh nghiệp và chuyên đề 3: Cơ chế tài chính cho KTTH.

Tại Diễn đàn, gần 20 gian hàng triển lãm trình diễn về các hình, giải thúc đẩy KTTH nhằm hướng tới bảo vệ môi trường và phát triển bền vững được giới thiệu đến các đại biểu tham dự.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc