Tin mới

Đại biểu Quốc hội mong muốn Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được thông qua để đáp ứng được yêu cầu rất cấp thiết của thực tiễn

16:17, 03/11/2023

Sáng 3/11, tại phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đảm bảo cho ba nội hàm: công tác quản lý của Nhà nước, quyền lợi của Nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp. Các đại biểu đề nghị đánh giá kỹ nhưng cũng kỳ vọng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật đất đai (sửa đổi)

Đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận tại tổ, tại Hội trường ở Kỳ họp thứ 4, Kỳ họp thứ 5. Dự thảo luật cũng được lấy ý kiến rộng rãi cử tri và nhân dân trên cả nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nhiều lần cho ý kiến về dự án luật, tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về dự án luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật đồ sộ, khó, phức tạp, là nhiệm vụ lập pháp quan trọng của cả nhiệm kỳ. Việc sửa đổi luật huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, mọi tầng lớp nhân dân. Quy định của luật ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống kinh tế xã hội, quyền và lợi ích của người dân. Chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học, thực tiễn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung cho ý kiến vào các vấn đề trọng tâm trong báo cáo, đặc biệt là các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, các nội dung dự thảo luật đang thiết kế theo 2 phương án. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội thẳng thắn, trách nhiệm nêu ý kiến để hoàn thiện dự thảo luật, đánh giá chất lượng dự án luật và bày tỏ chính kiến của mình.

Tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu và giả trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đảm bảo cho ba nội hàm: công tác quản lý của nhà nước, quyền lợi của Nhân dân; trách nhiệm và lợi ích của các tổ chức và doanh nghiệp. Các đại biểu kỳ vọng rằng dự thảo luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trao đổi với đại biểu bên hành lang Quốc hội sáng ngày 3/11

Mong muốn dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sớm được Quốc hội thông qua

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội bày tỏ sự thống nhất cao với bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phát biểu tại hội trường, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm - Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội bày tỏ sự thống nhất cao với bản dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mà Ban soạn thảo đã lấy ý kiến cử tri, nhân dân qua các cuộc họp, hội thảo, từ cơ quan địa phương đến Trung ương, các cơ quan truyền thông thông tin đến đại chúng cũng như ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong nhiều phiên họp để luật trình Quốc hội hôm nay. Đồng thời thống nhất cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh tại Phiên thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sáng 3/11/2023.

Qua nghiên cứu, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm thấy rằng, sự thống nhất ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp rất chặt chẽ, nghiên cứu, rà soát để chất lượng dự thảo Luật được tốt nhất. Đại biểu cũng kỳ vọng rằng dự thảo Luật sẽ được Quốc hội thông qua với kết quả đồng tình cao nhất của các đại biểu Quốc hội.

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang cho biết, qua dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật cho thấy Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã tổng hợp, nghiên cứu tiếp thu tối đa, có giải trình ý kiến của ĐBQH, nhất là nêu được rõ nhiều vấn đề và cũng giải trình được nhiều vấn đề đã nêu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật để trình tại Kỳ họp này.

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang: Dự thảo Luật cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, song cần thông qua kịp thời

Với tính chất của Luật Đất đai có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, tác động lớn đến đời sống nhân dân và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nội dung có liên quan chặt chẽ với nhiều luật khác trình thông qua tại Kỳ họp này như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Do đó, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà cho rằng dự thảo luật cần chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, đảm bảo chất lượng tốt nhất. Bên cạnh đó cũng rất cần phải được xem xét thông qua kịp thời để đảm bảo hoàn thiện thể chế, pháp luật về đất đai cũng như các lĩnh vực có liên quan và nhất là đáp ứng được yêu cầu rất cấp thiết của thực tiễn.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH Bắc Ninh cho biết, dự thảo Luật trình Kỳ họp thứ 6 cơ bản đã được sửa đổi và bổ sung theo hướng phù hợp hơn so với thực tiễn trên cơ sở rà soát, tiếp thu các ý kiến của các đại biểu, các chuyên gia và toàn thể nhân dân.

Đại biểu Trần Thị Vân - Đoàn ĐBQH Bắc Ninh đề nghị tập trung khẩn trương để tiếp thu với tinh thần và quyết tâm cao nhất để làm sao hoàn thiện được dự thảo luật, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và khả thi để làm sao mà dự thảo Luật đất đai với cái mong muốn là sớm được Quốc hội thông qua.

Dự thảo Luật thể hiện rõ hơn vai trò của đất đai trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nguyện vọng của cử tri đối với một dự án luật quan trọng của đất nước. Đại biểu kỳ vọng, dự thảo luật khi được Quốc hội thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều vấn đề đang đặt ra cho công tác quản lý, sử dụng đất hiện nay....

Tuy nhiên, với cái tinh thần trách nhiệm của các đại biểu thì sẽ tiếp tục nghiên cứu, đóng góp ý kiến cũng như là Ban soạn thảo thì tập trung khẩn trương để tiếp thu với tinh thần và quyết tâm cao nhất để làm sao hoàn thiện được dự thảo Luật, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và khả thi để làm sao mà dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với mong muốn là sớm được Quốc hội thông qua.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và các thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong Phiên họp toàn thể tại Hội trường Quốc hội sáng 3/11

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Luận - Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái, đại biểu cơ bản đồng tình nhất trí cao với dự thảo Luật đất đai do Chính phủ trình Kỳ họp thứ sáu của Quốc hội và Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. “Tôi cho rằng dự thảo luật đã cơ bản đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.” – đại biểu Nguyễn Quốc Luận nhấn mạnh.

Nhiều ý kiến thảo luận về nội dung thu hồi đất

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ quan tâm đến quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gia, công cộng...

Theo Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định, Khoản 32 Điều 79 quy định trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng không thuộc các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 31 của Điều này thì Quốc hội sửa đổi, bổ sung về các trường hợp thu hồi đất của Luật này theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Nội dung về thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đảm bảo phù hợp

Đại biểu Nguyễn Hải Dũng cho rằng quy định như thảo Luật lần này đã đảm bảo phù hợp với Điều 54 của Hiến pháp, đó là Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết và do luật định thì báo cáo với Quốc hội.

Theo đại biểu, quy định này đã khắc phục được tình trạng quy định chung chung và không rõ ràng như dự thảo Luật trước đây.

Quan tâm góp ý về quy định thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng tại Điều 79, đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị làm rõ các trường hợp thu hồi đất là trường hợp gì và những cơ quan nào sẽ quyết định bởi Luật thì phải rõ ràng, khách quan, minh bạch, nhất là trường hợp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho rằng, trường hợp mà chưa làm rõ được thì thì sẽ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ sung sau theo thủ tục rút gọn. Vì vậy, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các khoản 1 đến khoản 31 Điều này.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân tham dự phiên thảo luận sáng ngày 3/11 tại Hội trường Quốc hội

Nêu vấn đề đang đặt ra từ thực tiễn đòi hỏi cần được giải quyết triệt để hơn thông qua việc sửa luật lần này, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị tại Điều 79 quy định về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã liệt kê 31 trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu còn băn khoăn, băn khoăn việc liệt kê các trường hợp cụ thể như vậy có thể sẽ chưa bao quát hết.

Đại biểu cho rằng, quy định như vậy vẫn chưa thể giải quyết triệt để. Vì vậy, đại biểu đề xuất với Quốc hội xem xét chỉnh sửa, bổ sung điều chỉnh các điều khoản liên quan trong dự thảo luật theo hướng Nhà nước thu hồi đất đối với các trường hợp thực hiện dự án phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thu hồi để chuyển đổi mục đích sử dụng thực hiện dự án.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương phát biểu

Tranh luận về thu hồi đất nhà ở thương mại, đại biểu Nguyễn Quang Huân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đồng tình với quan điểm cần phải kiểm soát địa tổ chênh lêch nhưng cần làm rõ nội dung cần kiểm soát là giá trị thặng dư siêu ngạch – được tạo ra sau khi có đầu tư của nhà đầu tư. Nếu kiểm soát chặt quá thì không khuyến khích và thu hút được nhà đầu tư, không phát triển được kinh tế xã hội. Nhưng nếu buông lỏng thì một số lợi ích siêu ngạch lại phục vụ lợi ích thiểu sổ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng kiểm soát tốt nhất là thực hiện đấu thầu. Để đấu thầu được thì Nhà nước phải thu hồi đất. Đồng thời đền bù do Nhà nước thực hiện. Khi đó sẽ tiếp cận được giá thị trường. Người sử dụng đất khi được đền bù sẽ được tiệm cận giá thị trường trước khi đầu tư. Như vậy công bằng cho cả nhà đầu tư, người bị thu hồi đất và Nhà nước không bị thất thoát.

Với những thay đổi mạnh mẽ từ Luật Đất đai sẽ mở đường cho các thay đổi khác có liên quan, Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng – Đoàn ĐBQH Quảng Trị đề nghị Quốc hội thông qua Luật Đất đai tại kỳ họp này.

Phát biểu tranh luận liên quan đến quy định Nhà nước đứng ra thu hồi đất, Đại biểu Trần Văn Lâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nêu rõ Nghị quyết 18-NQ/TW nêu ra yêu cầu bảo đảm nguyên tắc thỏa thuận trong thu hồi đất. Do đó cần làm rõ khi nào thỏa thuận và thỏa thuận ra sao. Đại biểu lưu ý cần phân biệt đất thu hồi cho dự án nhà ở thương mại, nếu là đất ở thực hiện hai bên thỏa thuận. Nhưng nếu là đất nông nghiệp thì Nhà nước đứng ra thu hồi và chuyển mục đích sử dụng đất và chuyển do doanh nghiệp thông qua đấu giá. Đối với đất nông nghiệp để chuyển cho dự án sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thỏa thuận.

Toàn cảnh phiên họp sáng ngày 3/11

Không nên quy định cứng điều kiện tái định cư trong dự thảo Luật

Đại biểu góp ý về điều kiện về khu tái định cư, đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho biết dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục.., phù hợp vơi điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…. Đại cho rằng với những quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong luật thì vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Không nên quy định cứng điều kiện tái định cư trong dự thảo Luật

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng cho rằng việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng. Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa “tái định cư” trong dự thảo luật, khái niệm về “người không có chỗ ở nào khác”.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang cho biết, nhiều cử tri quan tâm đến nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh- tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Dự thảo Luật đã quy định cụ thể các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế- xã hội vì lợi ích quốc phòng đảm bảo phù hợp với quy định của Hiến pháp. Theo đại biểu, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang: việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Với mong muốn của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước, Đại biểu Vương Thị Hương trân trọng đề nghị Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp này để luật sớm có hiệu lực thi hành, khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quản lý đất đai từ trước đến nay, đồng thời cũng là cơ sở để sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật cũng như phát huy nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh phát biểu thảo luận tại Hội trường

Tham gia phát biểu tại hội trường, Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang xây dựng về Điều 87 quy định trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, dự án quốc gia công cộng, đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng, tại điểm d khoản 2 Điều này, quy định thời gian vận động chỉ có 10 ngày là chưa đủ. Đồng thời thực tiễn xét xử cho các vụ kiện hành chính có liên quan đến quyết định thu hồi đất, quyết định bồi thường, quyết định cưỡng chế thì luôn đòi hỏi phải có xác định rõ số lần vận động và phải lập biên bản. Do đó, đại biểu Trình Lam Sinh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định tăng thêm thời gian vận động trên 15 ngày và vận động 3 lần, sau đó mới ban hành quyết định.

Phát biểu kết thúc phiên thảo luận sáng 03/11, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi và chất lượng, có 23 đại biểu phát biểu, 9 đại biểu tranh luận, còn 109 đại biểu đăng ký phát biểu. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị phiên làm việc chiều 3/11, đại biểu phát biểu tập trung vào các vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật Đất đại (sửa đổi). Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc