Sáng 17/10/2023, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam và Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên – WWF Việt Nam tổ chức Toạ đàm "Xã hội hoá công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam: nhu cầu và giải pháp", thuộc Dự án "Cùng lên tiếng Bảo vệ các Hệ sinh thái vì Thiên nhiên và Con người".
Toàn cảnh Tọa đàm |
Tọa đàm được tổ chức theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến, với sự tham dự của Đại biểu Quốc hội, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Sở/ban/ngành liên quan; WWF Việt Nam; Đại diện Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức NGO trong nước và quốc tế; Các doanh nghiệp, vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên; Các trung tâm và các viện nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học; Các chuyên gia và các cơ quan truyền thông đại chúng trung ương và địa phương.
Phát biểu tại Tọa đàm, Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT cho biết: Là một trong những nỗ lực của Việt Nam trong bảo tồn đa dạng sinh học, đến năm 2021, Việt Nam đã thành lập 181 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 34 vườn quốc gia, 60 khu dự trữ thiên nhiên, 22 khu bảo tồn loài và sinh cảnh và 65 khu bảo vệ cảnh quan, với tổng diện tích hơn 2,64 triệu héc-ta. Ngoài ra, cả nước có chín khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới và có hơn 20 địa phương phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố.
Ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT phát biểu khai mạc Tọa đàm |
Tuy nhiên, để duy trì và vận hành một cách bền vững các khu vực này, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho cư dân địa phương, sự chung tay hơn nữa của toàn xã hội là không thể thiếu.
Tọa đàm nhằm thúc đẩy và phát huy vai trò của các cơ quan chính quyền trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, tổ chức và mỗi cá nhân, trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, góp phần giảm nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã và các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã; đồng thời nhận diện các rào cản, thách thức và đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách khuyến khích để thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong và ngoài nước tham gia thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học.
Tại Tọa đàm các đại biểu, khách mời đã trao đổi thông tin về nhu cầu xã hội hoá công tác bảo tồn, nhằm xây dựng cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp cư dân trong xã hội, tăng cường sự tự nguyện tham gia công tác bảo tồn đa dạng sinh học, thông qua đó để có thể thu hút các nguồn lực, các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tham gia bảo tồn đa dạng sinh học, thực hiện Chiến lược quốc gia về ĐDSH và Công ước Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh - Montreal;
Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm |
Tọa đàm cũng trao đổi về các hoạt động trong bảo tồn đa dạng sinh học cần đẩy mạnh xã hội hoá; Trao đổi thông tin về các mô hình bảo tồn đa dạng sinh học thành công có sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cộng đồng ở Việt Nam; Các chính sách khuyến khích cần thiết để đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo tồn đa dạng sinh học; Cơ hội cho OECM (biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác) và Chia sẻ lợi ích trong Phục hồi và Bảo tồn đa dạng sinh học; đồng thời chia sẻ thông tin về các rào cản, thách thức và định hướng, đề xuất giải pháp/ hành động của từng bên liên quan để đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Trung tâm Truyền thông TNMT
Ý kiến bạn đọc