Hội nghị COP15-CBD (12/2022), đã thông qua Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh – Montreal, nhằm đảo ngược quá trình mất ĐDSH đang diễn ra nhanh chóng trên toàn cầu trong vài thập kỷ qua. Mục tiêu tổng quát của Khung là hướng đến sự toàn vẹn, kết nối và phục hồi các hệ sinh thái; chấm dứt sự tuyệt chủng gây ra bởi con người đến các loài nguy cấp; duy trì sự đa dạng của các nguồn gen. Đồng thời ĐDSH phải được sử dụng, quản lý và đảm bảo đóng góp của thiên nhiên cho con người không chỉ hiện tại mà trong cả tương lai. Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh- Montreal được thông qua với 23 mục tiêu khẩn cấp đến năm 2030.
Giảm thiểu các mối hiểm họa đối với ĐDSH
Khung ĐDSH toàn cầu, đặt mục tiêu đến năm 2030 ít nhất 30% diện tích các hệ sinh thái trên cạn, nước nội địa, ven biển được phục hồi hiệu quả; ít nhất 30% diện tích đất liền, nước nội địa, vùng biển và ven biển, đặc biệt là các khu vực có tầm quan trọng với ĐDSH được bảo tồn.
Để ngăn chặn sự tuyệt chủng của các loài, cần các hành động quản lý khẩn cấp, cũng như duy trì và khôi phục sự đa dạng di truyền của loài bản địa, các loài hoang dã và đã được thuần hóa. Đảm bảo việc sử dụng, khai thác và buôn bán các loài hoang dã bền vững, an toàn, hợp pháp; ngăn chặn khai thác quá mức và giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh; tôn trọng, bảo vệ và sử dụng bền vững ĐDSH theo phong tục của người dân bản địa và cộng đồng địa phương.
Loại bỏ, giảm tối đa, giảm thiểu hoặc giảm nhẹ tác động của các loài ngoại lai xâm lấn đối với ĐDSH và các dịch vụ hệ sinh thái, bằng cách xác định, quản lý các con đường du nhập của loài ngoại lai; ngăn chặn việc du nhập, loại bỏ hoặc kiểm soát các loài ngoại lai xâm lấn, đặc biệt là ở các đảo.
Giảm rủi ro và tác động tiêu cực của ô nhiễm xuống mức không gây hại cho ĐDSH và các chức năng, dịch vụ của hệ sinh thái. Đến năm 2030, giảm ít nhất một nửa lượng chất dinh dưỡng dư thừa bị thất thoát ra môi trường; giảm ít nhất một nửa rủi ro chung do thuốc trừ sâu và các hóa chất có tính độc hại cao; đồng thời ngăn ngừa, giảm thiểu và hướng tới loại bỏ ô nhiễm nhựa.
Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, axit hóa đại dương đối với ĐDSH và tăng cường khả năng phục hồi của nó thông qua các hành động giảm nhẹ, thích ứng dựa vào thiên nhiên hoặc các phương pháp tiếp cận dựa vào hệ sinh thái; và thúc đẩy tác động tích cực của hành động khí hậu về ĐDSH.
Chia sẻ lợi ích giữa con người và thiên nhiên
Việc quản lý và sử dụng các loài hoang dã đảm bảo tính bền vững, qua đó mang lại lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường cho con người. Đặc biệt là những người trong hoàn cảnh dễ bị tổn thương và những người phụ thuộc nhiều nhất vào ĐDSH. Bảo vệ và khuyến khích sử dụng bền vững ĐDSH theo phong tục của người dân bản địa và cộng đồng địa phương. Các khu vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, ngư nghiệp và lâm nghiệp quản lý bền vững bằng thực hành thân thiện với ĐDSH: thâm canh bền vững, sinh thái nông nghiệp và các phương pháp tiếp cận sáng tạo khác…
Khôi phục, duy trì và nâng cao những đóng góp của thiên nhiên cho con người, bao gồm các chức năng và dịch vụ của hệ sinh thái, chẳng hạn như: điều hòa không khí, nước, khí hậu, sức khỏe của đất, thụ phấn, giảm rủi ro bệnh tật, cũng như bảo vệ khỏi các hiểm họa, thảm họa thiên nhiên,… dựa trên cơ sở và cách tiếp cận hệ sinh thái, vì lợi ích của con người và thiên nhiên.
Tăng đáng kể diện tích, chất lượng, khả năng kết nối và hưởng lợi từ không gian xanh, không gian xanh trong đô thị, các khu vực đông dân cư một cách bền vững, bằng cách lồng ghép việc bảo tồn, sử dụng bền vững ĐDSH. Tăng cường ĐDSH bản địa, kết nối tính toàn vẹn sinh thái, cải thiện sức khỏe, hạnh phúc của con người, góp phần vào quá trình đô thị hóa toàn diện.
Thực hiện các biện pháp hành chính, pháp lý và xây dựng năng lực hiệu quả ở tất cả các cấp, để đảm bảo chia sẻ công bằng, hợp lý các lợi ích phát sinh từ việc sử dụng nguồn gen: thông tin kỹ thuật số về nguồn gen, kiến thức truyền thống về nguồn gen. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận nguồn gen một cách phù hợp, tang cường lợi ích được chia sẻ.
Công ước, công nhận quyền bình đẳng của người dân bản địa và cộng đồng địa phương; tôn trọng nền văn hóa và quyền của họ đối với đất đai, lãnh thổ, tài nguyên, tri thức truyền thống; cũng như của phụ nữ, trẻ em gái, trẻ em và thanh niên, người khuyết tật, đảm bảo tiếp cận đất đai, tài nguyên thiên nhiên và sự tham gia ra quyết định liên quan đến ĐDSH. Có thể nói, Khung ĐDSH toàn cầu Côn Minh - Montreal được thông qua đánh dấu sự tiến bộ trong giải quyết vấn đề mất ĐDSH. Các quốc gia đã đưa ra thỏa thuận quốc tế để bảo vệ thiên nhiên ở quy mô lớn. Thỏa thuận này sẽ là cam kết lớn nhất thế giới về bảo tồn ĐDSH nhằm ngăn chặn sự mất mát của ĐDSH hiện nay.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc