Bộ TN&MT hiện đang phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội góp ý vào Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để hoàn thiện Dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 tới đây. Đó là chia sẻ của ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Tổ trưởng Tổ Biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) về hoàn thiện dự án Luật.
Ông Đào Trung Chính - Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất. Ảnh: Khương Trung |
PV: Sau kỳ họp thứ 5, Bộ TN&MT, nhất là Tổ biên tập dự án Luật đã phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trong việc hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) ra sao, thưa ông?
Ông Đào Trung Chính: Ngay sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ TN&MT chủ động phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để tổng hợp, hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Theo đó, Bộ TN&MT với tư cách là cơ quan soạn thảo dự án Luật có trách nhiệm báo cáo, giải trình về các nội dung trong Dự thảo Luật giúp cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế có lập luận, góc nhìn, thực tiễn để cân nhắc giữ phương án của Chính phủ trình hay tiếp thu theo ý kiến của đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, ý kiến cuối cùng vẫn là của cơ quan thẩm tra.
Với những vấn đề mới phát sinh, không phải chỉ chờ ý kiến của đại biểu Quốc hội mà Chính phủ, các bộ, ngành trong quá trình trình Quốc hội nhận thấy cần bổ sung một số nội dung, vấn đề không trái với Nghị quyết 18-NQ/TW thì tiếp tục báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bổ sung vào dự án Luật.
Với cách làm và định hướng như vậy, Bộ TN&MT đã cử Tổ biên tập dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đặc biệt Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đã có một số buổi làm việc với Chủ nhiệm Ủy Ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Khanh về một số nội dung giải trình, tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật.
Về phía Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã tổ chức một số cuộc họp trong đó có mời các cơ quan của Quốc hội và một số bộ, ngành, đặc biệt là Bộ TN&MT để cho ý kiến chỉ đạo.
Về phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách và họp 2 phiên (tháng 8, 9/2023) để cho ý kiến vào dự án Luật.
Ngoài ra, trong quá trình phối hợp, Bộ TN&MT đã có nhiều báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế về quan điểm của Bộ trong việc giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội sau khi xin ý kiến Chính phủ.
Tại Phiên họp thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào cuối tháng 9/2023 cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dự án Luật có tầm quan trọng đặc biệt, phạm vi rộng, nội dung khó, có ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đối nội, đối ngoại, tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Chính phủ cũng như các cơ quan của Quốc hội đã rất nỗ lực, cố gắng trong quá trình xây dựng dự án Luật này. Hồ sơ dự án luật hiện tại đã đủ điều kiện để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Hiện nay, một số nội dung quan trọng của dự án Luật vẫn đang trong quá trình xem xét để lựa chọn phương án tối ưu, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, với những vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tham mưu cho Chính phủ, căn cứ vào báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế để đưa ra ý kiến, quan điểm, phối hợp giải trình, tiếp thu đầy đủ.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Kinh tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan hữu quan để xem xét, nêu rõ quan điểm, chính kiến về những vấn đề có ý kiến khác nhau. Ủy ban Kinh tế cần sớm tổng hợp các nội dung còn ý kiến khác nhau, các phương án để hoàn thiện báo cáo, xin ý kiến Đảng đoàn Quốc hội, trình Bộ Chính trị trước khi tiến hành kỳ họp.
PV: Vậy trong quá trình giải trình, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật, giữa 2 cơ quan có nhiều ý kiến khác nhau không, thưa ông?
Ông Đào Trung Chính: Trong quá trình làm việc, ý kiến của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cũng dần “thu hẹp” lại sự khác biệt. Sự khác biệt ở đây không phải giữa 2 cơ quan mà là giữa phương án Chính phủ đã trình với ý kiến của đại biểu Quốc hội. Do đó, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đều thận trọng và ghi nhận các ý kiến để báo cáo Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chẳng hạn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật vào tháng 8 còn 27 nội dung còn ý kiến khác nhau, đến phiên họp tháng 9 chỉ còn 13 nội dung còn ý kiến khác nhau. Đến nay chỉ còn 4 - 5 nội dung khác biệt giữa phương án Chính phủ đã trình với ý kiến của Đại biểu Quốc hội.
PV: Vừa qua, tại 2 Phiên họp tháng 8, tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến quy định tại Điều 79, Dự thảo Luật quy định về thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, ông đánh giá như thế nào về quy định này?
Ông Đào Trung Chính: Tại Khoản 3, Điều 54, Hiến pháp năm 2013 quy định: “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh…”, tức là Luật phải cụ thể việc các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, bởi vấn đề này liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Do đó, cơ quan soạn thảo, Chính phủ, Ủy ban Kinh tế đều nhất trí quan điểm phải quy định cụ thể nội dung này trong Dự thảo Luật Đất đai.
Theo đó, quy định các trường hợp thu hồi tại Điều 79, Dự thảo Luật theo phương án của Chính phủ được nhiều đại biểu nhất trí, tuy nhiên còn có địa phương băn khoăn về một số trường hợp sẽ phát sinh trong tương lai. Do đó, sẽ phải có điều, khoản quét được các trường hợp có thể xảy ra trong tương lai, song những trường hợp đó cũng phải được quy định cụ thể trong Luật theo đúng tinh thần của Hiến pháp.
Ảnh minh họa |
PV: Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đang đến rất gần, xin ông cho biết, đến nay Dự án Luật được tiếp thu, giải trình, hoàn thiện Dự thảo Luật ra sao và việc phối hợp của Bộ với cơ quan thẩm tra tại kỳ họp này?
Ông Đào Trung Chính: Hiện nay, Bộ TN&MT đang xây dựng Báo cáo những nội dung còn ý kiến khác biệt để trình Chính phủ cho ý kiến và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thống nhất trong Dự thảo Luật để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Đồng thời, Bộ cũng đang tích cực triển khai hoàn thiện các Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật bám sát các nội dung giải trình, tiếp thu ý kiến vào Dự thảo Luật nhằm đảm bảo sự thống nhất trong việc ban hành chính sách.
Thời gian tới, sau khi Dự án Luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, chúng tôi sẽ tích cực phối hợp với cơ quan thẩm tra trong việc tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp, hoàn thiện Dự án Luật trình Quốc hội thông qua theo đúng tiến độ đề ra.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc