Chiều 19/10, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.
Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 23/10 đến ngày 28/11/2023, tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 22 ngày, tiến hành theo 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; Đợt 2: từ ngày 20 đến ngày 28/11/2023. Kỳ họp thứ 6 được tổ chức theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án luật bao gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo |
Quốc hội cũng sẽ xem xét thông qua 01 dự thảo nghị quyết: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Trong đó, về Luật Đất đai (sửa đổi), theo Văn phòng Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được chỉnh lý trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và ý kiến Nhân dân. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các vị ĐBQH, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ngày 25/8/2023, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 25.
Thực hiện kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật. Ngày 31/8/2023, dự thảo Luật được báo cáo, xin ý kiến tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách. Ngày 29/9/2023, UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý tại Phiên họp thứ 26. Sau phiên họp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức tiếp tục hoàn thiện Hồ sơ dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều (bỏ 04 điều, bổ sung 06 điều so với dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5).
Về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật. Ngay sau Kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBTVQH, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của các vị ĐBQH tại Kỳ họp thứ 5. Tại Phiên họp thứ 25, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; UBTVQH đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KH, CN&MT phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến tại Phiên họp, chỉnh lý dự thảo Luật trình Hội nghị ĐBQH chuyên trách ngày 28/8/2023. Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua gồm 10 chương, 86 điều.
Cũng tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 08 dự án Luật, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và nhiều vấn đề quan trọng khác.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc