Tin mới

Con đường Tín dụng xanh và Trái phiếu xanh tại Việt Nam (phần 2)

15:55, 20/09/2023

Phát triển thị trường tín dụng xanh (TDX), trái phiếu xanh (TPX) đang là xu hướng nổi lên mạnh mẽ ở phạm vi toàn cầu, với sự tham gia ngày càng nhiều các quốc gia phát triển cũng như tổ chức tài chính quốc tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... Hai kênh huy động vốn này đóng vai trò quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là các mục tiêu về môi trường, khí hậu. Ở Việt Nam, tại Nghị quyết số 41-NQ/TW năm 2004 của Bộ Chính trị về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã đưa ra nhiệm vụ “Phát triển các tổ chức tài chính, ngân hàng, tín dụng về môi trường nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư BVMT”.

Văn bản nào mở lối cho thị trường TDX, TPX tại Việt Nam?

Đối với TDX, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tích cực triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh với 2 văn bản gồm: Chỉ thị số 03/ CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng TDX và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Quyết định số 1604 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam, nhằm tăng cường nhận thức và trách nhiệm xã hội của hệ thống ngân hàng với việc BVMT, chống biến đổi khí hậu; từng bước xanh hoá hoạt động ngân hàng, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ những dự án thân thiện với môi trường.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định số 986/QĐ-TTg, phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu thúc đẩy phát triển TDX, ngân hàng xanh. Trong những năm qua, NHNN đã phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 15 ngành kinh tế.

Từ năm 2015 đến nay, theo NHNN dư nợ TDX đang tăng trưởng đều. Các khoản vay TDX chủ yếu được tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp xanh (chiếm khoảng 46%), tiếp đó là lĩnh vực quản lý nước bền vững (chiếm khoảng 13%). Gần đây TDX có xu hướng dịch chuyển sang một số lĩnh vực khác như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Nhưng nhiều lĩnh vực quan trọng trong BVMT: ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý chất thải, giao thông và xây dựng bền vững... vẫn còn rất hạn chế.

Nhiều ngân hàng thương mại đã thực hiện lồng ghép các quy định pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành về rủi ro môi trường, trong hoạt động của ngân hàng. Hiện nay, có khoảng 50% tổng số ngân hàng báo cáo đã nghiên cứu xây dựng quy định, hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Một số Ngân hàng thương mại (NHTM) tại Việt Nam có tỷ trọng TDX cao như: Agribank, BIDV, Sacombank, TPBank, Vietinbank, VPBank, Nam Á Bank, HD Bank.... phần lớn nguồn tài chính cho TDX của các NHTM, tổ chức tín dụng hiện nay dựa vào các chương trình, dự án có nguồn tài trợ quốc tế, điển hình như Cơ quan phát triển Pháp, Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu, IFC…

Về TPX, một số văn bản pháp lý đã đưa ra các quy định thực hiện chức năng Nhà nước trong quản lý, điều tiết thị trường như: Luật quản lý nợ công 2017; Nghị định số 93/2018/NĐ-CP quy định về quản lý nợ của chính quyền địa phương; Nghị định số 95/2018/NĐ-CP về phát hành, đăng ký, giao dịch công cụ nợ của Chính phủ trên thị trường chứng khoán có quy định về TPX (tại Điều 2); Nghị định số 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tại khoản 4 Điều 5. Trong đó nêu rõ, nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp có quy định về công bố thông tin TPX trước đợt phát hành của doanh nghiệp, quy định về công bố thông tin định kỳ liên quan đến TPX; Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Cùng với TDX, thị trường TPX đang trong giai đoạn triển khai thí điểm và thực hiện các chương trình tuyên truyền, giới thiệu các loại TPX đến các chủ thể trên thị trường. Cuối năm 2015, trên khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã xây dựng Đề án Phát triển thị trường TPX. Năm 2017, Chính phủ ban hành lộ trình phát triển thị trường trái phiếu năm 2017-2020, tầm nhìn năm 2030 quy định cơ chế và chính sách phân phối thị trường TPX nhằm mục đích cho phép tổ chức phát hành huy động vốn thông qua việc phát hành trái phiếu để thực hiện các dự án xanh.

Các hoạt động của thị trường TDX, TPX đang được khởi động thông qua các chính sách và biện pháp hỗ trợ của NHNN như: Hỗ trợ nâng cao năng lực tài chính, cho các tổ chức tín dụng thực hiện TDX qua đàm phán, ký kết các chương trình, dự án; hỗ trợ kỹ thuật về thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường đô thị, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao chất lượng và an toàn cho sản phẩm nông nghiệp; ban hành Sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường-xã hội trong hoạt động cấp tín dụng cho 10 ngành kinh tế và tiếp sau đó là bổ sung thêm 5 ngành kinh tế khác.

Tháng 8/2018, Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 1604/ QĐ-NHNN phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam. Một trong những mục tiêu của Đề án là phấn đấu đến năm 2025, 100% ngân hàng thực hiện đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng; Áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường cho các dự án được ngân hàng cấp vốn vay; 60% ngân hàng tiếp cận được nguồn vốn xanh và triển khai cho vay các dự án TDX… Đầu năm 2021, TPX do doanh nghiệp phát hành đầu tiên đã được Công ty bất động sản BIM Land tuyên bố phát hành 200 triệu USD trên Sở giao dịch chứng khoán Singapore.

Mặc dù, sự phát triển của thị trường TDX, TPX trong những năm qua đã có những bước khởi động tích cực từ sự hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như các tổ chức tài chính quốc tế như GIZ, IFC... tuy nhiên, một thị trường sơ khai nên chưa có sự nhất quán trong quá trình triển khai chiến lược, cụ thể hóa nhiệm vụ trong việc ban hành các chính sách thúc đẩy thị trường TDX, TPX. Do vậy, rất cần sự phối hợp hiệu quả trong chính sách của các bộ, ngành để có được những quy định rõ ràng và cụ thể; các cơ chế khuyến khích; lộ trình phát triển thị trường TDX, TPX và các tiêu chí phân loại dự án để cấp TDX, phát hành TPX.

Ngoài ra, việc thẩm định tiêu chí và cơ chế đánh giá rủi ro, giúp xác định thanh toán hỗ trợ cho các dự án còn chậm. Nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại lợi ích môi trường, nhất là lĩnh vực năng lượng tái tạo, tiết kiệm và hiệu quả năng lượng tại Việt Nam hiện nay thường đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao, nên rất cần các ưu đãi về thời hạn và chi phí vốn vay. Trong khi đó, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng thường ngắn hạn, huy động theo chi phí vốn thương mại trên thị trường nên có chi phí cao.

Ðể có thể cung cấp các khoản tín dụng với thời hạn dài và lãi suất ưu đãi cho các ngành, lĩnh vực xanh, các tổ chức tín dụng cần được hỗ trợ tiếp cận các nguồn vốn dài hạn, ưu đãi, hoặc có cơ chế chia sẻ lãi suất cho vay giữa các tổ chức tín dụng. Nhận thức và năng lực của các tổ chức tín dụng trong phát triển các sản phẩm TDX, TPX cũng còn hạn chế. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, doanh nghiệp phát hành trái phiếu chưa được đào tạo chuyên sâu, bài bản trong thẩm định, đánh giá và quản lý rủi ro môi trường cũng như báo cáo thông tin trong hoạt động cấp tín dụng, phát hành trái phiếu theo thông lệ quốc tế.

TDX, TPX đòi hỏi các kỹ năng, kỹ thuật để theo dõi và đánh giá việc sử dụng tiền thu được trong suốt vòng đời dự án, đảm bảo rằng các dự án được thực hiện theo nguyên tắc chung về TDX, TPX. Tuy nhiên ở Việt Nam, các Tổ chức tín dụng (TCTD) được đào tạo bài bản về những kỹ năng và kỹ thuật này chưa nhiều, dẫn đến nhiều TCTD chưa có một đơn vị phòng ban chuyên trách về thẩm định dự án, đánh giá rủi ro môi trường xã hội cũng như theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động từ dòng tiền huy động được từ nguồn TPX trong suốt vòng đời dự án. Trên thị trường Việt Nam cũng chưa có các đơn vị cung cấp dịch vụ xác nhận TPX. Ngoài ra, các thách thức đến từ thị trường như vấn đề quy mô tối thiểu, trong đó nhiều dự án quy mô nhỏ không đáp ứng các yêu cầu của ngân hàng và tổ chức tài chính lớn trên thế giới.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc