Tin mới

Tổng kết Nghị quyết số 24/NQ-TW: Tiếp tục cập nhật các nhiệm vụ cụ thể về quản lý tài nguyên

09:09, 15/08/2023

Sáng 14/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo chuyên đề tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trong lĩnh vực quản lý tài nguyên theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì Hội thảo

Tham dự hội thảo có Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị thuộc Bộ TN&MT; đại diện Lãnh đạo Sở TN&MT của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các lãnh đạo, chuyên viên các chi cục, phòng chuyên môn lĩnh vực quản lý tài nguyên.

Báo cáo tại hội thảo, ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam cho biết: Trong 10 năm qua, ngành TN&MT đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về quản lý tài nguyên đề ra tại Nghị quyết 24-NQ/TW, đến nay đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Cụ thể, hệ thống chính sách, pháp luật chung và về tài nguyên ngày càng được hoàn thiện. Trong giai đoạn từ năm 2013-2023, việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách theo chủ trương của Nghị quyết đã được ngành TN&MT quan tâm, triển khai thực hiện.

Ông Trần Phương - Phó Cục trưởng Cục Khoáng sản Việt Nam báo cáo tại hội thảo

Đồng thời, công tác điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thực trạng và xu hướng diễn biến của các nguồn tài nguyên quốc gia được đẩy mạnh. Công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng các tài nguyên được quan tâm đẩy mạnh; được thể chế hóa trong các luật và được triển khai thực hiện thông qua các chương trình, đề án, dự án. Kết quả điều tra, đánh giá tài nguyên đất, khoáng sản trên đất liền, tài nguyên nước mặt và tài nguyên biển đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Bên cạnh đó, hoàn thiện các quy hoạch, quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên quốc gia; thúc đẩy phát triển, sử dụng năng lượng mới, năng lượng tái tạo, các nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu mới thay thế các nguồn tài nguyên truyền thống.

Theo Phó Cục trưởng Trần Phương, qua quá trình tổng kết thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, các quan điểm của Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị, cần được giữ cho giai đoạn sắp tới đến 2030. Tuy nhiên, cần rà soát, tiếp tục bổ sung, cập nhật các nhiệm vụ cụ thể về lĩnh vực quản lý tài nguyên trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Báo cáo về công tác điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản trong quản lý tài nguyên địa chất, ông Trần Mỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam cho biết, việc thực hiện các mục tiêu trong Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận 56-KL/TW đã đạt được một số kết quả gồm: Đánh giá được tiềm năng, giá trị của các nguồn tài nguyên quan trọng trên đất liền; thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác điều tra cơ bản về địa chất khoáng sản; đẩy mạnh điều tra, đánh giá tiềm năng, trữ lượng, giá trị kinh tế, thiết lập tài khoản quốc gia về các loại khoáng sản chiến lược quan trọng; thúc đẩy chế biến sâu, hạn chế xuất khẩu thô khoáng sản; có chiến lược dự trữ, nhập khẩu khoáng sản chiến lược, quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội lâu dài của đất nước; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản; có chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; 85% diện tích đất liền được lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:50.000.

Về kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận 56-KL/TW, Cục đã triển khai xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tổng hợp và thống nhất về tài nguyên khoáng sản theo chuẩn quốc tế; có cơ chế phù hợp khai thác, chia sẻ thông tin, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu đảm bảo tính tổng hợp, toàn diện về tài nguyên địa chất, khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật. Nhiệm vụ đó đã được Cục lồng ghép trong các đề án Chính phủ như Đề án “Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội”; đề án “Đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” và các đề án điều tra địa chất, khoáng sản; khoáng sản độc hại khác đang thực hiện.

Ông Trần Mỹ Dũng, Phó Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam báo cáo tại hội thảo

Về kết quả thực hiện các giải pháp trong Nghị quyết số 24-NQ/TW và Kết luận 56-KL/TW, các giải pháp đề ra trong Nghị quyết, Chiến lược và Quy hoạch đã được triển khai thực hiện, trong đó đáng chú ý là việc tập trung triển khai các giải pháp về: tăng cường, đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong quản lý tài nguyên khoáng sản; tăng cường quản lý nhà nước về quản lý tài nguyên địa chất, khoáng sản.

Ngoài ra, còn có các giải pháp về hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, cơ chế, chính sách; nâng cao năng lực, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng cường giám sát thực thi pháp luật về lĩnh vực địa chất, khoáng sản đặc biệt trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính, tăng cường và đa dạng hoá nguồn lực cho quản lý tài nguyên khoáng sản; tăng cường hợp tác, hội nhập quốc tế về quản lý tài nguyên khoáng sản.

Báo cáo về tăng cường công tác điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên biển và hải đảo, ông Lê Anh Thắng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên - Môi trường biển khu vực phía Bắc, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Nghị quyết số 24-NQ/TW sau khi ban hành đã được triển khai sâu rộng tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (nay là Cục Biển và Hải đảo Việt Nam). Nhiều hoạt động quán triệt, phổ biến, tuyên truyền, nâng cao nhận thức đã được thực hiện. Công tác thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Nghị quyết được đẩy mạnh, triển khai trên thực tế, góp phần đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Việc thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW đã giúp công tác điều tra cơ bản, đánh giá tiềm năng, trữ lượng các tài nguyên biển được quan tâm đẩy mạnh; đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó có các kết quả về việc tham mưu ban hành chủ trương của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật; công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển; quản lý và khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên biển.

Tại điểm cầu Hà Nội, đại diện lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã báo cáo về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều tra đánh giá tài nguyên đất góp phần quản lý tài nguyên đất đai; tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu. Tại các điểm cầu trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Thanh Hóa, Sóc Trăng, đại diện lãnh đạo các Sở TN&MT cũng báo cáo và tham gia ý kiến đề xuất nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên biểu dương và đánh giá cao Cục Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị đã phối hợp chuẩn bị tài liệu nhanh chóng và kỹ càng.

Thứ trưởng đề nghị, trên cơ sở tình hình kết quả thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW trong 10 năm, mỗi đồng chí, từ lãnh đạo đến chuyên viên các đơn vị trực thuộc Bộ trong các lĩnh vực quản lý tài nguyên trao đổi, thảo luận, góp ý cho kết quả tổng kết, đánh giá 10 năm, đồng thời cho ý kiến, đề xuất về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, hoặc ban hành Nghị quyết mới của Ban Chấp hành Trung ương với quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho từng thời kỳ trong giai đoạn đến năm 2030.

Thứ trưởng đề nghị Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường tập hợp đầy đủ ý kiến phát biểu của các đơn vị quản lý nhà nước của Bộ TN&MT đối với 9 lĩnh vực, cũng như 63 tỉnh thành trực thuộc Trung ương tiếp tục tổng hợp thông tin, số liệu trong và ngoài nước, các dự báo của khu vực và thế giới, của các nhà khoa học về vấn đề chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, từ đó tham mưu cho các Tỉnh ủy, Thành ủy, Ban Cán sự Đảng bộ có báo cáo đầy đủ, sản phẩm khoa học tập hợp được những ý kiến tâm huyết nhất, kiến nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị để có những quyết sách đối với vấn đề trên.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc