Do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu cùng với sự phát triển kinh tế xã hội trên các vùng miền đất nước, những tháng đầu năm 2023, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến phức tạp, cực đoan, đặc biệt là nắng nóng, mưa lũ, sạt lở đất ở khu vực vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
PGS.TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia |
Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia về tình hình thiên tai 7 tháng đầu năm và những giải pháp để triển khai hiệu quả công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong những tháng còn lại của năm.
PV: Xin ông đưa ra những đánh giá khái quát về tình hình thiên tai 7 tháng đầu năm 2023?
PGS.TS. Mai Văn Khiêm: Trong 7 tháng đầu năm 2023, bão xuất hiện muộn và ít hơn trung bình nhiều năm. Cụ thể, đến nửa cuối tháng 7 năm 2023 mới xuất hiện cơn bão đầu tiên trên Biển Đông, muộn hơn so với trung bình nhiều năm. Số lượng bão/áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) hoạt động trên Biển Đông cũng như đổ bộ vào đất liền Việt Nam ít hơn so với trung bình nhiều năm (khoảng 1/2 so với trung bình nhiều năm). Số lượng bão/ATNĐ trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương cũng chỉ bằng khoảng 1/2 so với trung bình nhiều năm, hiện tại mới có 6 cơn bão (tuy nhiên có 2 siêu bão đã xuất hiện).
Trong khi đó, nắng nóng xuất hiện nhiều và gay gắt hơn. Từ tháng 1-7/2023, cả nước đã xuất hiện 16 (nhiều hơn so với trung bình nhiều năm) đợt nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến từ 35-380C. Số ngày nắng nóng từ đầu năm tới giờ nhiều hơn hơn trung bình hàng năm. Nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất vượt giá trị lịch sử trong cùng thời kỳ, đặc biệt giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối tại Tương Dương (Nghệ An) 44,20C vào ngày 7/5 được đánh giá là giá trị nhiệt độ ngày cao nhất trên cả nước đã từng được quan trắc (giá trị cũ là 43,40C tại Hương Khê (Hà Tĩnh) thiết lập trước đó vào tháng 4/2019.
Trong 7 tháng qua, mưa nhiều ở Tây Nguyên và Nam Bộ, ít mưa ở Bắc Bộ. Trong 3 tháng đầu mùa mưa (6, 7, 8) ở Bắc Bộ lượng mưa phố biến thấp hơn 40-70%, trừ tháng 6 có một số điểm mưa cao hơn 20-40% so với trung bình nhiều năm.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ trong tháng 6-7 xảy ra nhiều ngày có mưa dông trên diện rộng; trong đó nửa cuối tháng 7/2023 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 50-100%, có nơi trên 100%. Đáng chú ý, một số nơi đã quan trắc được giá trị lượng mưa ngày và tổng lượng mưa tháng vượt giá trị lịch sử so với cùng thời kỳ tháng 7.
Trong tháng 6-7 và những ngày đầu tháng 8/2023 ở Bắc Bộ, Tây Nguyên có số ngày mưa 50-100mm cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Đáng chú ý, về tình hình sạt lở đất, trong thời gian qua, đã xảy ra một số thiên tai sạt lở đất đá ở khu vực Tây Nguyên, Bắc Bộ. Qua đánh giá số liệu mưa cho thấy vụ sạt lở đất ở Phường 10, Thành phố Đà Lạt lượng mưa tích lũy 12 giờ trước khi xảy ra sạt lở khoảng 50mm; Vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc, lượng mưa 12h trước đó đạt 170mm; Vụ sạt lở đất, đá ở quốc lộ 6 Mai Châu, Hòa Bình ngày 4/8 lượng mưa 12 giờ trước đó dưới 10mm. Như vậy có thể thấy lượng mưa tích lũy trước khi xảy ra sạt lở là tương đối khác biệt giữa các khu vực, có nơi dù lượng mưa không đáng kể những vẫn xảy ra sạt lở đất đá.
PV: Thưa ông, từ nay đến cuối năm 2023, nước ta cần chủ động ứng phó với các loại hình thiên tai nào và diễn biến của chúng ra sao?
PGS.TS. Mai Văn Khiêm: Trước hết, chúng ta cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất do các đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 8. Tại khu vực Bắc Bộ, từ ngày 7/8-8/8 có mưa vừa, mưa to, lượng mưa 50-100mm, có nơi trên 150mm; từ ngày 9-10/8 có mưa dông, khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa to 40-70mm; giai đoạn từ ngày 11-13/8 Bắc Bộ có mưa to trở lại, tổng lượng mưa từ 50-100mm, có nơi trên 200mm; giai đoạn từ ngày 14-20/8 phổ biến ít mưa.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, trong nửa đầu tháng 8 xuất hiện mưa rào và dông, lượng mưa không lớn bằng cuối tháng 7, mưa chủ yếu xảy ra tập trung vào chiều tối và đêm. Nửa cuối tháng 8 mưa dông sẽ mạnh hơn và tổng lượng mưa cuối tháng 8 cao hơn nửa đầu tháng 8.
Về hiện tượng El Nino, hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đã ở trong điều kiện El Nino. Dự báo El Nino tiếp tục duy trì từ nay cho tới hết năm 2023 với xác suất khoảng 85-95% và có thể còn duy trì cho tới nửa đầu năm 2024. Dự báo xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương ở vùng Đồng bằng Nam Bộ cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Vụ sạt lở xảy ra tại đèo Bảo Lộc (thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai), tỉnh Lâm Đồng |
Về bão, ATNĐ, từ nay đến hết năm 2023, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện khoảng 8-10 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng 4-5 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Thời gian bão/ATNĐ ảnh hưởng xảy ra chủ yếu tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ nửa cuối tháng 8-9/2023, từ tháng 10-12/2023 tại khu vực từ Trung Trung Bộ đến các tỉnh phía Nam. Đề phòng những cơn bão có diễn biến phức tạp cả về quỹ đạo cũng như cường độ.
Như vậy khả năng các đợt mưa lớn vẫn tiếp tục xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ, cũng như Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai tháng 8 và 9/2023. Còn tại khu vực Trung Bộ trong các tháng mùa mưa (tháng 10-12) được dự báo lượng mưa phổ biến thấp hơn so với TBNN, chưa có dấu hiệu mưa nhiều và mưa lớn cực đoan như năm 2020.
PV: Để công tác dự báo, cảnh báo thiên tai trong các tháng cuối năm cũng như các năm tới ngày càng chính xác, hiệu quả, cơ quan KTTV và các địa phương đã và đang triển khai các giải pháp gì, thưa ông?
PGS.TS. Mai Văn Khiêm: Từ năm 2022, Việt Nam đã tiếp nhận Hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét Đông Nam Á. Đây là hệ thống hỗ trợ cảnh báo lũ quét đầu tiên sử dụng dữ liệu dự báo cực ngắn và được tích hợp một lượng lớn nhiều nguồn dữ liệu khác nhau.
Về cảnh báo, dự báo lượng mưa hiện nay, Tổng cục KTTV đã tổ chức thực hiện với độ chi tiết đến từng các ô 1 x 1 km với những trang thiết bị quan sát tự động và cảnh báo kịp thời. Tổng cục KTTV đã thực hiện cảnh báo chi tiết hóa tới các xã hoặc các điểm đối với các tỉnh đã có điều tra xác định điểm nóng về lũ quét, sạt lở đất.
Hiện nay các cơ quan chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương đã có những tài liệu, bản đồ về các điểm nguy cơ sạt lở cao tại địa phương. Giải pháp để hạn chế thiệt hại là lực lượng thanh niên xung kích phòng chống thiên tai địa phương thường xuyên thực hiện rà soát những điểm đã xác định nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất trước những trận mưa lớn để có thể cảnh báo cho người dân di dời nếu cần thiết.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc