Ngày 22/8, Tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào, Nhân dịp đoàn đại biểu của Việt Nam dự Hội nghị Bộ trưởng Môi trường ASEAN lần thứ 17 và các Hội nghị liên quan, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Võ Tuấn Nhân đã có buổi làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào.
Năm 2022 vừa qua có một ý nghĩa đặc biệt với hai Đảng và Nhà nước, với nhiều hoạt động quan trọng kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước. Đặc biêt, Việt Nam và Lào là hai nước láng giềng gần gũi, cùng uống chung dòng nước sông Mê Công, cùng tựa lưng vào dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, Việt Nam và Lào có truyền thống bang giao hòa hiếu, gắn bó mật thiết với nhau trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của hai dân tộc.
Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam luôn luôn ủng hộ cho sự phát triển của Bộ Tài nguyên và Môi trường Lào; đồng thời hết sức coi trọng và dành ưu tiên hàng đầu cho mối quan hệ đặc biệt vừa là đồng chí, vừa là anh em.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Võ Tuấn Nhân chia sẻ: Chúng tôi luôn luôn mong muốn hợp tác, hỗ trợ đất nước Lào với tinh thần "giúp bạn là giúp mình", xem đây là nhiệm vụ chiến lược; không ngừng nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, cùng phấn đấu để các thành tựu hợp tác ngày càng tương xứng với tầm vóc của quan hệ đặc biệt Việt-Lào, cũng như kỳ vọng của Lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Nhân dân hai nước.Nhân dịp này, tôi trân trọng gửi lời cảm ơn của đồng chí Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đến đồng chí Bộ trưởng Bounkham Vorachit đã gửi Thư chúc mừng đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam; Bộ trưởng Khánh cho biết, mong muốn sớm có dịp được gặp đồng chí Bộ trưởng tại Việt Nam hoặc trên đất nước Lào tươi đẹp.
Về hợp tác, chúng ta rất vui mừng nhận thấy, các cơ quan của hai Bên đã có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực và hiệu quả trong một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của hai Bộ, điển hình như trong lĩnh vực khí tượng - thủy văn, tài nguyên nước (thông qua Ủy hội sông Mê Công quốc tế), bảo vệ môi trường và các hoạt động tăng cường năng lực, chia sẻ kiến thức-kinh nghiệm quản lý trong nhiều lĩnh vực,...
Mặc dù vậy, tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn rất lớn, kết quả cuộc họp giữa các đơn vị hai bên cho thấy chúng ta đều có mong muốn thúc đẩy qua hệ hợp tác trong các lĩnh vực một cách toàn diện, thực chất hơn trong thời gian tới, như trong các lĩnh vực quản lý đất đai, bảo tồn thiên nhiên và quản lý ô nhiễm xuyên biên giới, ứng phó với biến đổi khí hậu (cụ thể là phát triển thị trường các-bon), phát triển kinh tế tuần hoàn,…
Nhân dịp này, tôi đề nghị các cơ quan của hai Bộ sẽ cùng nghiên cứu đề xuất xây dựng các dự án mở mới trong lĩnh vực quản lý đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học một mặt đề xuất sử dụng nguồn hỗ trợ chính thức của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào và đồng thời cùng vận động các cơ quan, tổ chức quốc tế song phương và đa phương cũng hỗ trợ để hai Bộ triển khai các dự án hợp tác vùng, khu vực.
Trong năm 2023, Việt Nam sẽ Phối hợp chặt chẽ với Lào trong việc chia sẻ thông tin về kế hoạch phát triển thủy điện dòng chính; theo dõi, giám sát tác động, đặc biệt là tác động thực tế của hai công trình thủy điện dòng chính đã vận hành là Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông; triển khai thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy hội sông Mê Công quốc tế để theo dõi, giám sát một cách đầy đủ và toàn diện các động của các hoạt động sử dụng nguồn nước sông Mê Công, góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững và hài hòa lợi ích của các quốc gia trong lưu vực sông Mê Công.
Hai bên phối hợp với các quốc gia thành viên khác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế triển khai thực hiện tốt Tuyên bố chung về Dự án thủy điện Pắc-Beng, Pắc Lay và Luông Phra-bang đã hoàn thành tham vấn và đồng thời hoàn thành thực hiện tham vấn cho Dự án thủy điện Sa-na-kham và triển khai tham vấn thủy điện Phoy Ngoi.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Lào trao đổi các vấn đề hợp tác của Ủy hội sông Mê Công quốc tế mà hai Bên cùng quan tâm trước khi thảo luận tại các diễn đàn của Ủy hội và cơ chế hợp tác tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương.
Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đối tác có liên quan của phía Lào đề xuất xây dựng các dự án hợp tác trong các lĩnh vực: khí tượng thủy văn, địa chất và khoáng sản, đo đạc và bản đồ, quản lý đất đai, môi trường, biến đổi khí hậu, tài nguyên nước, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng dụng công nghệ viễn thám và đào tạo, trao đổi sinh viên giữa hai nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường sử dụng nguồn hỗ trợ chính thức của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào để thống nhất nội dung hợp tác, tiến tới xây dựng các đề xuất dự án để trình Ủy ban hợp tác hai nước xem xét, bố trí kinh phí.
Tiếp tục phối hợp, hỗ trợ về mặt chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý thông qua Văn phòng Hợp tác Việt – Lào về đo đạc và bản đồ.
Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc