Tin mới

Diễn đàn "Nóng lên toàn cầu - nước biển dâng" trong khuôn khổ Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu 2023

08:41, 26/08/2023

Ngày 25/8, tại Quy Nhơn (Bình Định), Trung tâm Truyền thông Bộ TN&MT phối hợp cùng Quỹ Hemisphere – Singapore đã tổ chức Tổng kết Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu 2023 (GYS 2023).

Tổng kết Hội nghị đã diễn ra hoạt động thảo luận và đối thoại giữa các em học sinh và các chuyên gia

Trong ngày 25/8, thanh thiếu niên đến từ 8 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Nigieria, Mongoria, Đài Loan (Trung Quốc) đã có cuộc đối thoại với các chuyên gia, diễn giả chuyên ngành tài nguyên và môi trường của UNDP, Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Nigeria.

Các vấn đề được thảo luận chủ yếu liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu (BĐKH) gây hiện tượng nóng lên toàn cầu; Sử dụng năng lượng điện gió phù hợp với tình hình BĐKH; Tái chế các vật dụng từ rác thải nhựa không thể phân hủy (như túi nilon, vòng nhựa nắp chai, dầu mỡ thừa...) thành những vật dụng có thể sử dụng hữu ích trong đời sống hàng ngày.

Cũng trong ngày 25/8 tiếp tục diễn ra vòng Chung kết để lựa chọn các sáng kiến xuất sắc nhất để trao giải. Tại đây, các em học sinh, thanh thiếu niên đến từ các nước tiếp tục trình bày những ý tưởng thảo luận nhóm, tham luận và nhiều sáng kiến khoa học về chủ đề “Nóng lên toàn cầu – Nước biển dâng”.

Em Fy Ena (trái) và em Smael Shafeak (phải) đến từ Campuchia mang đến Hội nghị sáng kiến sử dụng chất thải nhựa tái chế đồ dùng hữu ích

Có thể kể đến ý tưởng của các bạn học sinh 14 tuổi đến từ Campuchia về tái chế rác thải nhựa như vỏ chai nhựa thành các vật dụng có thể sử dụng hoặc dùng để trang trí. Từ việc thực hành tái chế, các em đã thể hiện rõ quan điểm cũng như nỗ lực góp phần bảo vệ môi trường trong việc tái chế các sản phẩm nhựa khó phân hủy thành những đồ vật hữu ích.

Thông qua các phần trình bày, phản biện từ các đội, nhóm, Ban Giám khảo đã lựa chọn ra đội có ý tưởng và sáng kiến xuất sắc nhất để tôn vinh những “thủ lĩnh” lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tuyên truyền về môi trường.

Ở hạng mục Giải thiếu niên - Giải nhất thuộc về MTS Unggulan Peruanida (Indonesia) với dự án “Một đóng góp đáng giá thông qua việc lãng phí thực phẩm”.

Ở hạng mục Giải thanh thiếu niên – Giải nhất thuộc về Trường Trung học Kỹ thuật Mercy (Nigeria) với dự án “Máy sấy năng lượng mặt trời”. Dự án của Nigeria được đánh giá cao bởi máy sấy năng lượng mặt trời là thiết bị thiết thực trong đời sống lại sử dụng năng lượng tái tạo. Dự án đã mang lại hiệu quả kép về kinh tế - xã hội và môi trường.

Bà Ang Swee Ann - Chủ tịch sáng lập Quỹ Hemisphere - Singapore phát biểu lễ bế mạc

Bà Ang Swee Ann - Chủ tịch sáng lập Quỹ Hemisphere - Singapore mong muốn các em học sinh tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, trau dồi khả năng của mình và nỗ lực hơn nữa trong hành trình bảo vệ môi trường để lan tỏa được điều đó đến với cộng đồng nơi các em sinh sống và cao hơn cả chính là mang những điều tốt đẹp, cống hiến trí tuệ và tài năng vào những Sáng kiến xanh của mình đến với thế giới.

Giải nhất thanh thiếu niên thuộc về Trường Trung học Kỹ thuật Mercy (Nigeria) – Dự án “Máy sấy năng lượng mặt trời”.
Giải nhất thiếu niên thuộc về MTS Unggulan Peruanida (Indonesia) – Dự án “Một đóng góp đáng giá thông qua việc lãng phí thực phẩm”

Chương trình GYS 2023 do Truyền thông Bộ TN&MT phối hợp cùng Quỹ Hemisphere – Singapore tổ chức. Chương trình còn có sự đồng hành phối hợp từ các đơn vị: trường Đại học Hùng Vương TP. HCM, trường Đại học Quy Nhơn, Trung tâm Quốc tế và Giáo dục Liên ngành ICISE; Đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường; Đại diện các tổ chức Quốc tế và các cá nhân khác hoạt động trong lĩnh vực môi trường,…

Các giải thưởng trong Hội nghị Thanh thiếu niên toàn cầu 2023

Giải thiếu niên:

Giải nhất: MTS Unggulan Peruanida (Indonesia) – Dự án “Một đóng góp đáng giá thông qua việc lãng phí thực phẩm”.

Giải nhì: Trường Tiểu học Naam Kheng (Malaysia) – Dự án “Năng lượng biển”.

Giải ba: Trung tâm Anh ngữ Phum Trea Hope (Cambodia) – Dự án “Nhựa và tôi”.

Giải thanh thiếu niên:

Giải nhất: Trường Trung học Kỹ thuật Mercy (Nigeria) – Dự án “Máy sấy năng lượng mặt trời”.

Giải nhì: Đại học Bách Khoa Teamasek (Singapore) – Dự án “Thẻ sinh thái”.

Giải ba: SMPN 4 Pa Ken (Indonesia) – Dự án “Thời trang Valedy”.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc