Tin mới

Biên giới Các- bon cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam

08:38, 14/08/2023

Biên giới các-bon (CBAM - cácbon border adjustment mechanism) là cơ chế điều chỉnh thương mại quốc tế, bằng việc áp thuế các- bon đối với hàng hoá nhập khẩu vào Châu âu và Mỹ.  Để hiện thực hóa mục tiêu phát thải ròng các-bon bằng “0” vào năm 2050, các nước châu Âu và Mỹ đã ban hành và sẽ áp dụng CBAM  vào năm 2026, đối với hơn 10 mặt hàng nhập khẩu. CBAM hứa hẹn sẽ thúc đầy xanh hóa nền kinh tế và phát triển một hệ thống thương mại toàn diện trên toàn thế giới trong đó có Việt Nam.

Lộ trình của CBAM tại Mỹ và EU

EU đang hướng tới quá trình khử các-bon trong các quy trình sản xuất của khối vào năm 2050. Ngoài ra, EU còn xem xét các chính sách hỗ trợ CBAM, bao gồm cả việc sử dụng doanh thu do CBAM mang lại, để tăng tốc phổ biến và tiếp thu các công nghệ sản xuất sạch hơn cho nhà sản xuất từ các nước xuất khẩu vào EU. Điều này sẽ mang lại lợi ích cả về mặt xanh hóa nền kinh tế và thúc đẩy một hệ thống thương mại toàn diện hơn.

EU kỳ vọng CBAM sẽ khuyến khích các nhà sản xuất nước ngoài giảm lượng khí thải hoặc khuyến khích Chính phủ các nước này thiết lập giá các-bon riêng. CBAM là một công cụ để ngăn chặn rò rỉ các-bon và giảm phát thải khí nhà kính (KNK). CBAM cũng là công cụ để đảm bảo rằng, các sản phẩm nhập khẩu vào EU phải tuân thủ chi phí các-bon theo tiêu chuẩn môi trường (EST), tương đương hàng sản xuất tại EU và Mỹ.

CBAM sẽ áp giá các-bon cho hàng nhập khẩu dựa trên cường độ phát thải KNK của quy trình sản xuất sản phẩm ngay từ khâu nguyên liệu. Bước đầu đối tượng áp dụng là hàng hóa của các ngành sử dụng nhiều năng lượng, bao gồm nhiên liệu hóa thạch, sản phẩm dầu mỏ tinh chế, hóa dầu, phân bón, hydro, axit adipic, xi măng, sắt thép, nhôm, thủy tinh, bột giấy và giấy, ethanol. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU

Khi chính thức có hiệu lực vào ngày 1 tháng 1 năm 2026, các nhà nhập khẩu sản phẩm vào EU sẽ cần phải xin phép từ cơ quan CBAM và mua giấy chứng nhận các-bon tương ứng với giá các-bon mà sẽ được trả tiền để sản xuất hàng hóa ở EU. Giá trị của chứng nhận dựa vào giá tín chỉ phát thải các-bon hàng tuần của Hệ thống giao dịch phát thải (ETS).

Việc đánh thuế các- bon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU (tức cao hơn lượng khí thải cho sản phẩm cùng loại sản xuất tại EU) nhà nhập khẩu sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.

Doanh nghiệp Việt cần gì để tiếp đón CBAM?

Để thích ứng với thị trường xuất khẩu các nước EU và Mỹ, buộc các DN Việt Nam phải chuyển đổi cách thức và hướng đi kịp thời để tuân thủ các quy định mới của nước sở tại và phát triển bền vững. Việc áp dụng CBAM ở thị trường xuất khẩu các nước EU, Mỹ cũng tạo ra các cơ hội và thách thức cho các DN Việt Nam.

Luật BVMT năm 2020 của Việt Nam đã quy định, việc giảm phát thải khí nhà kính (KNK), thúc đẩy phát triển thị trường các-bon là định hướng và yêu cầu đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Đối với các cơ sở có mức phát thải KNK hàng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp cụ thể (Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên; Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hàng năm từ 1.000 TOE trở lên; Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên; Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hàng năm từ 65.000 tấn trở lên) phải thực hiện kiểm kê phát thải KNK và xây dựng kế hoạch giảm phát thải KNK theo hạn ngạch được phân bổ.

Nhiệm vụ của Doanh nghiệp Việt trong thời gian tới là giảm phát thải KNK bằng việc  “Cải tiến, phát triển và ứng dụng công nghệ trong sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển và sử dụng vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, vật liệu xanh trong lĩnh vực nhà ở và thương mại. Thực hiện các giải pháp nghiền xỉ lò thổi, nghiền tro bay, nghiền Puzzolana và nghiền đá vôi thay thế, giảm tỷ lệ clinker trong sản xuất xi măng. Áp dụng công nghệ phân hủy nhiệt độ cao và các công nghệ mới để giảm phát thải N2 O trong lĩnh vực hóa chất. Áp dụng công nghệ thu giữ các-bon trong các lĩnh vực sản xuất xi măng, hóa chất - phân bón và luyện thép. Áp dụng công nghệ điện phân ô-xít nóng chảy trong lĩnh vực luyện thép; sử dụng hydro thay thế coke trong luyện thép “xanh”;... từ năm 2035”.

CBAM sẽ mang đến những khó khăn ban đầu cho doanh nghiệp Việt Nam về vốn, nhân lực khi chuyển đổi và thực hiện các nội dung, giải pháp giảm phát thải các-bon trong dây chuyền, công đoạn sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn phát thải các-bon. Doanh nghiệp Việt Nam cần làm quen với hạn ngạch phát thải KNK và cách quy đổi về đơn vị tCO2e theo từng ngành,lĩnh vực. Từ đó doanh nghiệp có cơ sở tính toán điều chỉnh hạn ngạch vừa đạt tiêu chuẩn quy định trong nước và đáp ứng yêu cầu phát thải các-bon ở các nước áp dụng CBAM. Việt Nam cũng tránh được rò rỉ các- bon, khi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất tại Việt Nam, nhưng không xuất khẩu hàng vào các nước có CBAM, để tránh né thuế các-bon.

Doanh nghiệp Việt Nam cần cơ sở pháp lý, định giá và vận hành thị trường các-bon trong nước. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp cân nhắc chuyển đổi mô hình kinh doanh chuyển đổi công nghệ sản xuất để không thải vượt mức hạn ngạch cho phép. Doanh nghiệp có thể dư và phát hành tín chỉ các-bon bán ra trên thị trường hoặc dành một khoản tiền để mua các tín chỉ các-bon nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn quy định cả trong nước và các nước sẽ áp dụng CBAM.

Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần các chính sách, định hướng để khuyến khích, hỗ trợ về tài chính, công nghệ, đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp chuyển đổi mô hình kinh doanh phù hợp hướng tới đáp ứng quy định khi các thị trường xuất khẩu sẽ áp dụng CBAM. Các ngành, lĩnh vực có sản phẩm, hàng hóa là đối tượng sẽ áp dụng CBAM giai đoạn đầu (điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng, nhôm, thủy tinh, bột giấy và giấy…), cần cắt giảm lượng phát thải KNK, chú trọng vào cải tiến, nâng cấp quy trình, công đoạn sản xuất và vận chuyển hướng tới mục tiêu các-bon thấp và đáp ứng tiêu chuẩn CBAM.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc