Tin mới

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc

09:05, 04/07/2023

Chiều 3/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký Điều hành Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Liên Hợp Quốc (ESCAP), đang có chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và bà Armida Salsiah Alisjahbana, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm của bà Armida Salsiah Alisjahbana tới Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam rất coi trọng vai trò của Liên Hợp Quốc trong thúc đẩy hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu cũng như những đóng góp quan trọng của ESCAP đối với phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương kể từ khi thành lập hơn 75 năm qua.

Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam đang xây dựng, phát triển đất nước dựa trên 3 trụ cột là xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, nhân lực và hạ tầng. Cùng với đó, Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả.

Trong quá trình đó, Việt Nam lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực và nguồn lực của sự phát triển; không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần; khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng các nỗ lực nhằm thúc đẩy môi trường hoà bình, hợp tác và phát triển trên thế giới; quyết tâm phát triển con người, bảo vệ thiên nhiên và môi trường sống.

Thủ tướng đề nghị Liên Hợp Quốc nói chung và ESCAP nói riêng tiếp tục phát huy thế mạnh để hỗ trợ các nước thành viên, trong đó có Việt Nam, trong hoạch định và triển khai các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam rất coi trọng vai trò của Liên Hợp Quốc trong thúc đẩy hợp tác đa phương để giải quyết các vấn đề toàn cầu... - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký Điều hành ESCAP đánh giá cao những thành tựu hết sức quan trọng Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và phục hồi sau dịch COVID-19 theo hướng bền vững cũng như những đóng góp tích cực và hiệu quả của Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nói chung và ESCAP nói riêng; đề cao các nỗ lực và cam kết của Việt Nam về thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), chuyển đổi số....; tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của mình, trở thành hình mẫu có thể chia sẻ kinh nghiệm cho nhiều quốc gia khác.

Bà Armida Salsiah Alisjahbana khẳng định ESCAP và các tổ chức Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong đẩy nhanh việc thực hiện các SDG, chuẩn bị tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về SDG do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc tổ chức vào tháng 9/2023 tại New York, chuyển đổi năng lượng công bằng, thích ứng với biến đổi khí hậu, chuyển đổi số.

Về tình hình, bối cảnh thế giới hiện nay, hai bên chia sẻ quan ngại về tác động tiêu cực của các thách thức toàn cầu như các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu, lạm phát... Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các vấn đề toàn cầu và ảnh hưởng đến toàn dân nên cần phải có cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân; đặc biệt là phải bảo đảm công bằng, công lý. Bà Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, cách tiếp cận toàn Chính phủ và toàn xã hội trong xử lý các thách thức này./.

* ESCAP là một trong 5 Ủy ban Kinh tế và Xã hội khu vực, trực thuộc Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC), được ECOSOC trao trọng trách như một "Trung tâm phát triển Kinh tế-Xã hội của khu vực châu Á-Thái Bình Dương", có những chức năng và nhiệm vụ sau:

(i) Thúc đẩy sự hợp tác phát triển kinh tế – xã hội và tăng cường quan hệ hợp tác giữa các nước trong và ngoài khu vực;

(ii) Nghiên cứu và phổ biến thông tin về các vấn đề kinh tế- xã hội, kỹ thuật và phát triển ở các nước trong khu vực;

(iii) Hỗ trợ kỹ thuật cho các nước trong khu vực giải quyết các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội và có trách nhiệm phối hợp chung các hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc tại khu vực.

ESCAP có quan hệ với Việt Nam ngay sau ngày đất nước ta thống nhất và đã hỗ trợ kỹ thuật cho hầu hết các ngành kinh tế, xã hội; các trọng tâm hoạt động hiện nay của ESCAP cũng phù hợp với quan tâm của Chính phủ ta.

Trong bối cảnh của tình hình nước ta hiện nay, những vấn đề ESCAP quan tâm ưu tiên cũng là những vấn đề lớn được Chính phủ ta quan tâm. Sự đồng nhất này là điều kiện thuận lợi cho các bộ, ngành tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của ESCAP, đặc biệt trên 3 phương diện: Hoạch định chính sách và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội; phương hướng và chính sách để tháo gỡ những khó khăn trên một lĩnh vực hay một vấn đề cụ thể; nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên thông qua các khoá đào tạo, hội thảo chuyên đề do ESCAP tổ chức về nhiều lĩnh vực như chính sách kinh tế vĩ mô, các vấn đề xã hội, phát triển nông nghiệp, giao thông vận tải, thông tin-truyền thông, thống kê, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường...

Theo chinhphu.vn


Ý kiến bạn đọc