Trong khuôn khổ các hoạt động hợp tác với ASEAN về môi trường năm 2023, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải (gọi tắt là Hội nghị AWGCW-8) trong các ngày 5 - 7/7, tại Hà Nội.
Hội nghị AWGCW-8 do Bộ Tài nguyên và Môi trường (đầu mối Tổ chức các quan chức cao cấp ASEAN về môi trường của Việt Nam - ASOEN Việt Nam) phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức. Mục tiêu nhằm đánh giá lại các hoạt động hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN về các hoạt động hợp tác về hóa chất và chất thải trong năm vừa qua. Đồng thời, thảo luận và định hướng, đi tới thống nhất về nguyên tắc các nội dung hợp tác giữa các nước trong khu vực trong thời gian tới.
Hội nghị lần thứ 8 Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất sẽ do Việt Nam đăng cai tổ chức trong các ngày 05-07 tháng 7 năm 2023 tại Hà Nội |
Dự kiến, Hội nghị AWGCW-8 sẽ xem xét các nội dung chính như sau: Cập nhật các quyết định liên quan của các cuộc họp trong khuôn khổ ASEAN và các sự kiện liên quan khác; cập nhật việc thực hiện Kế hoạch hành động của Nhóm Công tác ASEAN về hóa chất và chất thải; cập nhật các sáng kiến liên ngành về hoá chất và chất thải; cập nhật các kết quả của Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm các năm 2022, 2023 cũng như các vấn đề liên quan đến Nghị định thư Montreal và Công ước Minamata; hợp tác ASEAN về hoá chất và chất thải với các đối tác phát triển và các cơ quan chuyên ngành.
Hội nghị dự kiến sẽ thu hút khoảng 50-60 đại biểu tham dự. Về phía các đại biểu nước ngoài, khoảng 30-35 đại biểu là thành viên của Ban Thư ký ASEAN, các nước thành viên ASEAN và các tổ chức đối tác như Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Viện Chiến lược Môi trường toàn cầu Nhật Bản (IGES), Viện Nghiên cứu Kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Ngân hàng Thế giới (WB)… sẽ tham dự Hội nghị. Về phía các đại diện trong nước, dự kiến khoảng 20-25 đại biểu là thành viên của các Nhóm công tác thuộc ASOEN Việt Nam, đại diện các Bộ ngành liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công Thương; các chuyên gia, các nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức quốc tế...
Với vai trò là đầu mối ASOEN Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì trao đổi/thảo luận 4 nội dung: Tăng cường năng lực và trao đổi thông tin về công nghệ và thực hành tốt nhất; triển khai các nội dung của Tuyên bố chung của ASEAN về hóa chất và chất thải tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm; phục hồi các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất và chất thải nguy hại; cập nhật các kết quả liên quan đến Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POPs) tại Hội nghị các bên tham gia các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm năm 2022, 2023.
Các kết quả dự kiến của Hội nghị AWGCW-8 gồm: Báo cáo của Hội nghị Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải lần thứ 8 được các nước ASEAN thông qua; Dự thảo Tuyên bố chung của ASEAN gửi Hội nghị các bên tham gia các các Công ước Basel, Rotterdam và Stockholm được trình lên Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường (ASOEN) được tổ chức tại Indonesia vào tháng 8 tới để làm các thủ tục tiếp theo theo quy định của ASEAN. Kết quả của Hội nghị cũng sẽ góp phần xây dựng một khu vực ASEAN xanh và bền vững hơn.
Nhóm công tác ASEAN về hóa chất và chất thải (trước đây là Nhóm Công tác ASEAN về các Công ước đa phương về môi trường) được thành lập cuối năm 2015 để tạo ra một diễn đàn cho các quốc gia thành viên ASEAN nhằm tăng cường hơn nữa sự phối hợp và hợp tác khu vực trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến hóa chất và chất thải theo các hiệp định môi trường đa phương có liên quan như Công ước Basel, Công ước Rotterdam, Công ước Stockholm và Công ước Minamata, cũng như các hệ thống đã được quốc tế thống nhất như Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hoá chất (GHS). Các hội nghị của Nhóm công tác được tổ chức thường niên, luân phiên giữa các nước thành viên ASEAN.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc