Sáng ngày 10/7, tại Đà Nẵng, Bộ TN&MT, UBND TP. Đà Nẵng đồng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số quy định về định giá đất. Hội nghị có sự tham dự của các cơ quan chức năng thuộc Bộ TN&MT cùng đại diện lãnh đạo UBND, Sở TN&MT, Sở Tài chính các tỉnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân và Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đồng chủ trì Hội thảo.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân cho rằng, cho rằng, giá đất là nội dung quản lý nhà nước quan trọng tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, môi trường đầu tư kinh doanh và nhận được sự quan tâm lớn từ toàn xã hội. Các quy định về giá đất theo Luật Đất đai năm 2013 đã được thể chế rất sớm và đã đóng góp quan trọng trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai nói chung và công tác quản lý về giá đất nói riêng. Trong gần 10 năm qua, giá đất cũng đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có những tỉnh thu được 50-60% tổng số ngân sách là từ nguồn lực đất đai.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo |
Tuy nhiên, qua tổng kết thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và thực tiễn đặt ra cho thấy, công tác giá đất vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, bộc lộ rõ ở các phương pháp định giá đất; đối tượng áp dụng các phương pháp; trình tự, thủ tục, cách thức để xác định giá đất theo các phương pháp. Giá đất cũng là một nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013.
Mặt khác, Luật Đất đai năm 2013 cũng không quy định thời gian ban hành quyết định giá đất, chỉ quy định thời điểm định giá đất, dẫn đến ở nhiều địa phương có tình trạng đã giao đất, cho thuê đất nhưng vẫn chưa có quyết định giá đất để doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính, nộp tiền vào ngân sách, gây ách tắc lớn...
Ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất (Bộ TN&MT) trao đổi thông tin nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định |
Nhận thấy tầm quan trọng của chính sách về định giá đất và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và thường trực Chính phủ tại Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 7/5/2023 của Chính phủ và kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 244/VPCP-PL, Bộ TN&MT đã triển khai xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất và Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất trên tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW bên cạnh việc sửa đổi các chính sách liên quan đến giá đất trong quá trình sửa đổi Luật Đất đai để đảm bảo kịp thời tháo gỡ các vướng mắc đang tồn tại trong thực tiễn, khơi thông nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế xã hội.
Lần này sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về giá đất, dự kiến chỉ còn quy định 3 phương pháp định giá đất là: phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất. Trong đó, phương pháp so sánh chỉ áp dụng đối với đất nông nghiệp và cũng chỉ áp dụng vào việc xây dựng bảng giá đất - Thứ trưởng Lê Minh Ngân thông tin.
Chính phủ đã cho phép cơ quan soạn thảo tham mưu, sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP theo quy trình rút gọn, tuy nhiên Bộ TN&MT vẫn khẩn trương lấy ý kiến của các địa phương, hướng về cơ sở, lắng nghe ý kiến của địa phương, cơ sở để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, khắc phục các bất cập...
Quang cảnh Hội thảo |
Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thảo luận một số vấn đề như: khả năng thực hiện của địa phương đối với 3 phương pháp định giá đất, 3 phương pháp đã giải quyết các khó khăn, vướng mắc đặt ra tại địa phương hay chưa?; đối tượng áp dụng các phương pháp định giá đã bảo đảm khơi thông được nguồn lực đất đai, giải quyết các vướng mắc mà thực tiễn đặt ra hay chưa?; khả năng thực hiện trình tự, thủ tục ở địa phương và còn gặp vướng mắc nào không?, bổ sung thêm nội dung nào?; nội dung thực hiện chuyển tiếp để tháo gỡ cho địa phương?...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, năm 2023, Đà Nẵng chọn chủ đề năm công tác là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư; giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội” với mục đích tập trung mọi nguồn lực để thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương, kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2023, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đặc biệt là vướng mắc về đất đai.
Một trong những điểm quan trọng để khơi thông nguồn lực là công tác xây dựng giá đất, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nhanh chóng hoàn tất nghĩa vụ tài chính về đất đai. Thời gian qua, Nghị định số 44/2014/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 36/2014/TT-BTNMT của Bộ trưởng Bộ TN&MT đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ cho công tác định giá đất tại địa phương.
Tuy nhiên khi triển khai các quy định tại địa phương, còn gặp nhiều khó khăn, bất cập; việc áp dụng các phương pháp định giá đất tại một số địa phương đã bộc lộ hạn chế cần được tháo gỡ.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo UBND, Sở TN&MT, Sở Tài chính các tỉnh ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên đã có những ý kiến đóng góp để Bộ TN&MT hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2014/NĐ-CP để trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian đến cũng như hoàn thiện dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36/2014/TT-BTNMD ngày 30/6/2014 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất; định giá đất cụ thể và tư vấn xác định giá đất...
Việc áp dụng các phương pháp định giá đất tại một số địa phương đã bộc lộ hạn chế cần được tháo gỡ |
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Lê Minh Ngân đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy trách nhiệm và thực tiễn từ các địa phương cho công tác sửa đổi, bổ sung một số quy định về định giá đất, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, đất nông nghiệp. Những ý kiến này sẽ được tổ soạn thảo của Bộ TN&MT tiếp thu, phân tích để hoàn thiện Dự thảo báo cáo Chính phủ nhằm nâng cao công tác quản lý giá đất thời gian tới với tinh thần nhanh chóng nhưng phải đạt được mục tiêu đặt ra là hướng về cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo phân cấp phân quyền và giảm thiểu rủi ro trong quá trình thực hiện.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc