Ngày 12-7-2023, Đại hội đại biểu Hội Xuất bản Việt Nam khoá V, nhiệm kỳ 2023-2028 khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị, xã hội - nghề nghiệp quan trọng của những người làm xuất bản cả nước.
Với chủ đề Hội Xuất bản Việt Nam, đổi mới, hội nhập và phát triển; Đại hội khóa V tập trung vào ba nội dung chính: (1) Đánh giá kết quả hoạt động Hội Xuất bản Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2023 và đề ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2023-2028; (2) Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028; (3) Họp phiên họp lần thứ nhất Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa V, nhiệm kỳ 2023-2028 bầu Ban Thường vụ, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch.
Về đánh giá kết quả hoạt động Hội Xuất bản Việt Nam, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam khóa IV, nhiệm kỳ 2017-2023 trình Đại hội nêu rõ, từ năm 2017 đến nay, tình hình thế giới và một số khu vực có những diễn biến phức tạp, đất nước ta đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đan xen, nhiều vấn đề mới đặt ra phải giải quyết. Trong bối cảnh đó, Hội Xuất bản Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ đề ra với một số kết quả quan trọng như: Kiện toàn được 5 ban chuyên môn và xây dựng được bộ quy chế hoạt động (gồm 9 quy chế hoạt động hội và 1 quy chế chi tiêu của Giải thưởng Sách quốc gia). Hội phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức thành công Giải thưởng Sách quốc gia đạt nhiều thành công, nâng tầm về quy mô, chất lượng so với Giải thưởng Sách Việt Nam trước đây. Hội đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và có đóng góp tích cực trong Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IV, V, VI, VII, VIII; Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2017; 2018-2020 và 2021-2023. Hội đã đại diện cho hội viên tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nội dung hoạt động của Hội và của ngành Xuất bản, bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên. Hoạt động tích cực có hiệu quả của Văn phòng đại diện Hội phía Nam và Công ty TNHH MTV Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ vừa qua đã góp phần phát triển văn hóa đọc, gắn kết với hội viên. Hội triển khai tích cực các hoạt động đối ngoại, là Chủ tịch luân phiên Hiệp Hội Xuất bản Đông Nam Á nhiệm kỳ 2022-2023. Thông qua hoạt động tích cực của mình, Hội Xuất bản Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành Xuất bản, được xã hội ghi nhận, được Đảng và Nhà nước công nhận là 1/30 hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ .
Nguyên nhân thành công là Thường vụ và lãnh đạo Hội luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vào tình hình cụ thể của ngành Xuất bản và 5 mục tiêu hoạt động của Hội để có sự chỉ đạo, điều hành sát sao, kịp thời. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Hội bảo đảm sự đoàn kết nhất trí; nhiều đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công. Đặc biệt, Hội luôn được sự ủng hộ, giúp đỡ về nhiều mặt của các bộ, ban, ngành hữu quan, đặc biệt là Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ và Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh một số kết quả quan trọng, hoạt động của Hội còn một số khó khăn, hạn chế, trong đó việc nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của hội viên chưa thường xuyên; việc chăm lo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên còn hạn chế; công tác phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên chưa làm được nhiều; Có một số công việc liên quan công tác tổ chức Hội, phát triển hội viên, thẻ hội viên, thu nộp hội phí, công tác thi đua khen thưởng, v.v., chưa triển khai theo kế hoạch đã đề ra, làm ảnh hưởng đến kết quả hoạt động Hội.
Nguyên nhân của hạn chế nêu trên ngoài hạn chế chủ quan từ Ban Chấp hành Hội, Ban Thường vụ và tập thể lãnh đạo Hội, còn có nguyên nhân khách quan do tác động của tình hình dịch bệnh, do hạn chế nguồn kinh phí và nhân lực của Hội, nên mặc dù đã hết sức cố gắng, nhưng chất lượng hoạt động của Hội ở một số mặt chưa cao; chưa triển khai được một số mục tiêu quan trọng liên quan đến phát triển văn hóa đọc, triển khai hoạt động bảo vệ hội viên, thúc đẩy phát triển ngành.
Để phát huy kết quả, khắc phục những hạn chế, phương hướng hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam nhiệm kỳ 2023-2028 trình Đại hội là: tập trung quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của Đại hội XIII của Đảng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc… Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”; đồng thời quán triệt sâu sắc nội dung Phát biểu chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 24-11-2021.
Trong nhiệm kỳ tới, Hội Xuất bản Việt Nam tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của tổ chức quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ. Tăng cường công tác động viên, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội V Hội Xuất bản Việt Nam. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các Ban chuyên môn của Hội đáp ứng với yêu cầu về mô hình và quy trình của xuất bản, phát hành sách trong quá trình chuyển đổi số và cách mạng công nghệ 4.0. Chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên, tích cực đóng góp xây dựng ngành Xuất bản Việt Nam theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa” như Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Hội Xuất bản Việt Nam được thành lập vào năm 2001, là hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ; là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong ngành Xuất bản, phát hành sách và các lĩnh vực liên quan đến xuất bản trên phạm vi cả nước; hoạt động theo nguyên tắc: tự nguyện, tự quản; dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch, tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội. Hội Xuất bản Việt Nam do Bộ Nội vụ thực hiện quản lý nhà nước; Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý chuyên ngành; Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo định hướng hoạt động. Theo Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 2-1-2020 của Ban Bí thư khóa XII Về việc tiếp tục thực hiện Kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới, Ban Tuyên giáo Trung ương được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, quản lý hoạt động của Hội Xuất bản Việt Nam. Trải qua hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Hội Xuất bản Việt Nam luôn gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước, đóng góp tích cực vào xây dựng và phát triển hoạt động xuất bản. Năm 2014, theo Kết luận của Bộ Chính trị về hội quần chúng số 102-KL/TW đã nêu rõ “Hội Xuất bản Việt Nam được hưởng chế độ như các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp”. Đến năm 2020, theo Thông báo Kết luận số 158-TB/TW ngày 2-1-2020 của Ban Bí thư khóa XII Về việc tiếp tục thực hiện kết luận số 102-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới, theo đó Hội Xuất bản Việt Nam được đưa vào danh sách 30 hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Tính đến hết tháng 5-2023, Hội có 187 hội viên, trong đó có 167 hội viên tổ chức là nhà xuất bản, các cơ sở phát hành trên cả nước với số lượng người tham gia sinh hoạt thực tế trên 11.000 người và 20 hội viên cá nhân. |
Theo xaydungdang.org.vn
Ý kiến bạn đọc