Chiều 19/7, đồng chí Đặng Quốc Khánh, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tham dự cuộc họp có các đồng chí Uỷ viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành cùng lãnh đạo các đơn vị có liên quan trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường báo cáo Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường về xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Thức, Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (KSONMT), đơn vị được giao chủ trì xây dựng dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) thông tin, Cục KSONMT đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và địa phương tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về phương án lập quy hoạch; Thu thập thông tin của toàn bộ nhiệm vụ quan trắc chất lượng môi trường cấp tỉnh hàng năm của 63 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; Trao đổi, liên hệ trực tiếp với địa phương để thu thập dữ liệu về mạng lưới quan trắc môi trường tại địa phương; Rà soát, đánh giá thực tiễn công tác quản lý hoạt động quan trắc môi trường theo chức năng, nhiệm vụ được giao… đến nay việc xây dựng Quy hoạch cơ bản đã hoàn thành.
Trong thời gian tới, Cục KSONMT và đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm chính của Nhiệm vụ theo ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ. Đồng thời, Tổ thức Hội đồng thẩm định đối với Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và hoàn thiện hồ sơ theo ý kiến của Hội đồng thẩm định đảm bảo hoàn thiện hồ sơ để Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Thủ tướng Chính phủ.
Tại cuộc họp, Cục KSONMT xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị, chuyên gia và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ để hoàn thiện dự thảo Quy hoạch. Các ý kiến tập trung vào các nội dung về quan điểm lập quy hoạch nhằm đảm bảo nguyên tắc kế thừa và tận dụng các nguồn lực sẵn có. Mục tiêu của Quy hoạch nhằm xây dựng được mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia theo đúng quy định tại điểm a khoản 1 điều 107 Luật Bảo vệ môi trường 2020, trong đó chỉ tập trung quan trắc tại các sông, hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, các khu vực tập trung nhiều nguồn thải, quan trắc môi trường nền và tại khu vực xuyên biên giới để đảm bảo tránh tối đa việc trùng lặp với các chương trình quan trắc tại các địa phương đồng thời kết hợp với các mạng lưới quan trắc môi trường địa phương để đưa ra bức tranh tổng thể về chất lượng môi trường trên cả nước.
Các đại biểu tham dự cuộc họp cũng đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch hướng tới mục tiêu chính tới năm 2030 là tăng cường việc chuyển đổi số, thiết lập được 1 hệ thống thông tin toàn diện về quan trắc môi trường trên phạm vi cả nước, tầm nhìn tới năm 2050 là hướng tới mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục, hướng tới thay thế dần các điểm quan trắc chất lượng không khí định kỳ bằng các trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đồng thời nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ hiện đại, các mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hoạt động quản lý dữ liệu quan trắc môi trường…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh kết luận cuộc họp xây dựng Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Ghi nhận báo cáo cũng như các ý kiến góp ý xây dựng của đơn vị xây dựng Quy hoạch và các Thứ trưởng, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh đánh giá cao Cục KSONMT đã chuẩn bị hồ sơ Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 rất công phu và có sự đầu tư nghiêm túc.
Để Quy hoạch được hoàn chỉnh và chặt chẽ, Bộ trưởng gợi mở để đơn vị chủ trì trong thời gian tới tiếp tục phối hợp, tiếp thu các ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, địa phương để xây dựng Quy hoạch vừa có tính khoa học vừa có tính thực tiễn, định hướng phát triển cho tương lai. Đồng thời, đảm bảo Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia đảm bảo phù hợp với Quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng đề nghị xây dựng Quy hoạch cần nghiên cứu để có mục tiêu xã hội hóa, giao cho địa phương, doanh nghiệp cũng tham gia và gắn trách nhiệm với mạng lưới quan trắc quốc gia; xây dựng các giải pháp để tích hợp nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, lồng ghép các công trình quan trắc môi trường vào các dự án khác…
Bộ trưởng cho rằng mục tiêu ưu tiên của quy hoạch là xây dựng các điểm quan trắc ở những điểm đầu vào, đầu ra của những điểm có nguồn thải để từ đó có được sự đánh giá, kiểm soát; Các hệ thống quan trắc phải đánh giá được sức chịu tải của môi trường; có sự quản lý, kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu hiện nay từ Trung ương đến địa phương để từ đó cơ quan quản lý đưa ra những giải pháp chính xác, kịp thời…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh giao Cục KSONMT tiếp thu những ý kiến phù hợp của các đơn vị chuyên môn, các chuyên gia nhà khoa học để hoàn thiện Quy hoạch với mục tiêu xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống quan trắc môi trường quốc gia bao gồm chương trình quan trắc chất lượng môi trường tại các lưu vực sông và hồ liên tỉnh, các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải, có nguồn thải lớn tác động liên tỉnh, quan trắc môi trường xuyên biên giới để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo môi trường phục vụ công tác quản lý và công khai thông tin tới cộng đồng.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc