Tin mới

Bà đỡ pháp lý của Kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam (Phần cuối)

16:50, 04/07/2023

Trong quá trình nghiên cứu, đề xuất nội dung về KTTH trong Chiến lược phát triển KT - XH 10 năm 2021 - 2030; Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, quy định pháp luật về KTTH cũng được nghiên cứu và thể chế hóa thành quy định trong Luật BVMT năm 2020.

Tiêu chí và lộ trình để triển khai KTTH

Nghị định thi hành Luật BVMT 2020 đã xác định, 3 trụ cột đại diện cho 3 nhóm tiêu chí về KTTH bao gồm: Nhóm thứ nhất: Giảm khai thác, sử dụng tài nguyên không tái tạo, tài nguyên nước; tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên, nguyên liệu thô, vật liệu; tiết kiệm năng lượng; Nhóm thứ hai: Kéo dài thời gian sử dụng vật liệu, thiết bị, sản phẩm, hàng hóa, các linh kiện, cấu kiện; Nhóm thứ ba: Hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, bao gồm: giảm chất thải rắn, nước thải, khí thải; giảm sử dụng hóa chất độc hại; tái chế chất thải, thu hồi năng lượng; giảm sản phẩm sử dụng một lần; mua sắm xanh.

Dựa vào nhóm đối tượng để đưa ra nhóm biện pháp phù hợp khuyến khích KTTH. Đối với các chủ dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ được quy định theo thứ tự ưu tiên: Nhóm biện pháp một, hạn chế sử dụng các sản phẩm không thân thiện môi trường; tối ưu hóa sử dụng thiết bị, sản phẩm; tăng hiệu quả sản xuất, sử dụng hiệu quả tài nguyên, nguyên liệu, vật liệu. Nhóm biện pháp 2, hướng đến kéo dài vòng đời sản phẩm và các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm như tái sử dụng, tăng cường sửa chữa hoặc bảo trì các sản phẩm bị lỗi để kéo dài thời gian sử dụng, tân trang thông qua phục hồi và nâng cấp sản phẩm cũ; tái sản xuất bằng việc gia tăng sử dụng các thành phần, linh kiện, cấu kiện của các sản phẩm thải bỏ vào các chức năng tương tự, hoặc sử dụng lại các sản phẩm hoặc các linh kiện, cấu kiện của sản phẩm thải bỏ cho sản phẩm mới có chức năng khác. Nhóm thứ ba là giảm chất thải phát sinh thông qua thực hiện tái chế chất thải để xử lý, chế biến chất thải để chuyển hóa thành nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu có ích; thu hồi năng lượng thông qua thiêu đốt chất thải.

Ngoài ra, những quy định đối với chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp căn cứ kế hoạch hành động thực hiện một hoặc nhiều biện pháp sau đây để đạt được tiêu chí KTTH: Một là, thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu, liên kết giữa các dự án đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, khoáng sản, năng lượng; nâng cao tỷ lệ tái chế và giảm thiểu tổng khối lượng chất thải phát sinh; các giải pháp khác quy định tại khoản 3 Điều này. Hai là, phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật. Ba là, thu gom, lưu trữ để tái sử dụng nước mưa; thu gom, xử lý, tái sử dụng nước thải. Bốn là, thực hiện các hoạt động cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế.

Tiếp đó, đối với chủ dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư tập trung thực hiện thiết kế, tổ chức quản lý và thực hiện các biện pháp sau đây để đạt được tiêu chí kinh tế tuần hoàn, bao gồm: thiết kế mặt bằng tổng thể tối ưu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng và giảm định mức tiêu thụ tài nguyên đất, nước, năng lượng; áp dụng các giải pháp giao thông thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; phát triển, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo theo quy định của pháp luật; thực hiện các biện pháp khác về BVMT theo quy định của pháp luật.

Phân cấp, phân quyền trong thực hiện KTTH

Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, bộ còn xây dựng, vận hành nền tảng kết nối thông tin, chia sẻ dữ liệu về áp dụng mô hình KTTH. Tiếp tục xây dựng, ban hành khung hướng dẫn áp dụng, đánh giá việc thực hiện KTTH.

 Các bộ, cơ quan ngang bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, có trách nhiệm: Một là, xây dựng, phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện KTTH của ngành, lĩnh vực, sản phẩm phù hợp với kế hoạch hành động quốc gia. Hai là, tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, giáo dục, đào tạo về nội dung KTTH. Ba là, lồng ghép các tiêu chí cụ thể thực hiện KTTH ngay trong quá trình xây dựng các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải. Bốn là, quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và tích hợp với hệ thống thông tin dữ liệu của Bộ TN&MT. Năm là, tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động. Sáu là, thực hiện các trách nhiệm khác liên quan đến KTTH theo quy định về BVMT.

 UBND cấp tỉnh có trách nhiệm thực hiện: Xây dựng, lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan và phê duyệt kế hoạch hành động thực hiện KTTH cấp tỉnh phù hợp với các kế hoạch hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn; tổ chức áp dụng thí điểm mô hình KTTH đối với ngành, lĩnh vực năng lượng, nguyên liệu, chất thải theo kế hoạch hành động; thực hiện các biện pháp tuyên truyền, phổ biến, chia sẻ thông tin, dữ liệu thực hiện KTTH và các quy định khác.

Nội dung hành động quốc gia thực hiện KTTH

Một là, phân tích tổng quan về hiện trạng khai thác và sử dụng tài nguyên; sản xuất và tiêu dùng; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; bối cảnh trong nước và quốc tế về thực hiện KTTH. Hai là, xây dựng quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu và chỉ tiêu cụ thể thực hiện KTTH trong thời kỳ kế hoạch hành động quốc gia 10 năm. Ba là, xác định nhiệm vụ, lộ trình thực hiện kinh tế tuần hoàn đối với các ngành, lĩnh vực, trong đó xác định các ngành, lĩnh vực ưu tiên thực hiện theo từng giai đoạn; xây dựng danh mục các ngành, lĩnh vực đặc thù phải có hướng dẫn áp dụng KTTH. Bốn là, xác định các loại hình dự án đầu tư, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, sản phẩm phải thực hiện thiết kế để đạt được các tiêu chí KTTH; áp dụng sản xuất sạch hơn, sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường, sản xuất sử dụng nguyên liệu tái chế, quản lý vòng đời của các loại hóa chất và chất thải. Năm là, định hướng các giải pháp thực hiện KTTH bao gồm: tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, tập huấn, phổ biến kiến thức, pháp luật; phát triển khoa học và công nghệ; phát triển nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng kỹ thuật; kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu; huy động các nguồn vốn; hợp tác quốc tế và các giải pháp khác. Sáu là, tổ chức thực hiện bao gồm: phân công trách nhiệm của cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp; chế độ giám sát, báo cáo; phân bổ nguồn lực thực hiện.

Đặc biệt, để phát huy sự tham gia của toàn xã hội trong thực hiện KTTH, các chủ dự án đầu tư, cơ sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp ngoài việc có trách nhiệm thực hiện KTTH theo kế hoạch hành động thì dự thảo Nghị định đã đưa ra những quy định mở theo hướng khuyến khích việc áp dụng KTTH sớm hơn lộ trình được xác định trong các kế hoạch hành động.

Cơ chế khuyến khích KTTH thể hiện trong Luật BVMT

Đối với các chủ dự án đầu tư, cơ sở, chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp hoạt động trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được khuyến khích tiếp tục duy trì việc áp dụng một hoặc nhiều biện pháp để thực hiện KTTH (nếu có).

Về các chính sách, Nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển KTTH đối với các hoạt động sau nghiên cứu khoa học, phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thiết bị, đào tạo nhân lực để thực hiện KTTH; cung cấp nền tảng chia sẻ thông tin, dữ liệu về KTTH. Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ được áp dụng theo quy định về ưu đãi, hỗ trợ theo quy định của pháp luật về BVMT, pháp luật khác có liên quan.

 Theo đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc các hoạt động đầu tư công trình BVMT; hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về BVMT thuộc dự án, ngành, nghề ưu đãi đầu tư được quy định trong Nghị định sẽ được hưởng các chính sách tương ứng về đất đai, vốn đấu tư, thuế, phí và lệ phí, trợ giá sản phẩm, dịch vụ, mua sắm công xanh. Cùng với đó, các tổ chức, cá nhân thực hiện KTTH thuộc danh mục dự án xanh được áp dụng chính sách cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh.

Ngoài ra, khuyến khích các hoạt động phát triển KTTH như nghiên cứu, phát triển công nghệ, giải pháp kỹ thuật, cung cấp các dịch vụ tư vấn, thiết kế, đánh giá thực hiện KTTH. Khuyến khích phát triển các mô hình liên kết, chia sẻ việc sử dụng tuần hoàn sản phẩm và chất thải; thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, liên minh tái chế, các mô hình liên kết vùng, liên kết đô thị với nông thôn và các mô hình khác theo quy định của pháp luật để thực hiện các hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đạt được tiêu chí của KTTH; áp dụng các biện pháp cộng sinh công nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Khuyến khích phát triển thị trường tái sử dụng sản phẩm thải bỏ, tái chế chất thải; huy động các nguồn lực trong xã hội để thực hiện KTTH theo quy định của pháp luật; hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ về KTTH theo quy định của pháp luật.

KTTH là nền kinh tế thân thiện của thế kỷ 21

Áp dụng KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới bởi chính những lợi ích về cả kinh tế, môi trường và xã hội. Nó tạo ra cơ hội tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giảm tác động môi trường, thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững. Thực hiện KTTH có thể xem là một trong những giải pháp đột phá để giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với môi trường trong bối cảnh phát triển công nghiệp, đô thị, thay đổi về tiêu dùng và lối sống.

Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung nguyên liệu, nhiên liệu đang bị đứt gãy do giãn cách xã hội, thực hiện KTTH còn đang được xem xét như là một trong những giải pháp góp phần phục hồi nền kinh tế hậu Covid-19. Việc sớm công nhận và thể chế hóa khái niệm, quy định về KTTH trong khung khổ chính sách, pháp luật của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, đồng thuận của giới khoa học và đã có những tín hiệu ủng hộ, hưởng ứng bằng hành động cụ thể của cộng đồng doanh nghiệp đối với mô hình kinh tế nhiều tiềm năng này.

Để KTTH mạnh mẽ đi vào cuộc sống, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành để hướng dẫn, tạo điều kiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao trách nhiệm của xã hội trong việc thực hiện KTTH. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần sớm thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tập huấn, đào tạo về KTTH nói riêng và pháp luật về BVMT nói chung. Trong dài hạn, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các quy định pháp luật khác để hình thành ra một khung thể chế toàn diện. KTTH phải kết hợp với đổi mới, sáng tạo; thành tựu của khoa học và công nghệ, internet vạn vật để tạo ra các vòng lặp tuần hoàn có tính hệ thống, kết nối liên ngành, liên vùng, liên đô thị và giữa đô thị với nông thôn.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc