Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến vào dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Đây là dự án luật không chỉ được cộng đồng các doanh nghiệp mong đợi mà còn được cơ quan Nhà nước các cấp quan tâm bởi sự kỳ vọng vào việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý tài nguyên nước trong bối cảnh cần tăng cường bảo đảm an ninh nguồn nước, khắc phục những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên nước và yêu cầu hội nhập quốc tế.
Huy động tâm huyết, trí tuệ chuyên gia trong sửa đổi Luật
Theo ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, trong quá trình xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), với vai trò là cơ quan soạn thảo, Cục Quản lý tài nguyên nước đã tổ chức nhiều buổi làm việc, trực tiếp trao đổi với các chuyên gia quốc tế của các tổ chức WorldBank, AFD, KOICA, IUCN, JICA… để hiểu sâu hơn mô hình quản lý, bối cảnh quy định, trình độ phát triển, thực tiễn triển khai các chính sách tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, cũng như các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra sơ bộ dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi). |
Cụ thể, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu kinh nghiệm quản lý nhà nước về tài nguyên nước thuộc thế mạnh của các nước trên thế giới thông qua sự hỗ trợ của các chuyên gia quốc tế như chuyên gia Úc về khan hiếm và điều hoà, phân bổ tài nguyên nước; chuyên gia Hà Lan về trữ nước, hành lang bảo vệ nguồn nước và nước ngầm; chuyên gia Ngân hàng Thế giới về kinh tế nước; chuyên gia Pháp về quản lý tổng hợp lưu vực sông; chuyên gia Hàn Quốc về cải tạo, phục hồi dòng sông, cơ sở thông tin, số liệu; chuyên gia Mỹ liên quan đến nội dung về bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; chuyên gia Ý liên quan đến điều hành, vận hành hồ chứa nước, chuyên gia Phần Lan liên quan đến nước dưới đất,… Đồng thời, đã tổ chức nhiều buổi làm việc, hội thảo các chuyên gia trong nước và quốc tế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý đối với từng nội dung của Dự thảo Luật.
Cùng với đó, Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương; đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và trang thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định. Trên cơ sở đó, Bộ TN&MT đã nhận được 94 văn bản và ý kiến đóng góp (20 văn bản góp ý của bộ và cơ quan ngang bộ, 63 văn bản góp ý của cơ quan cấp tỉnh, 10 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp khai thác sử dụng nước lớn và 1 văn bản của Cổng thông tin điện tử Chính phủ).
Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh đặc biệt nhấn mạnh: Việc xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là nhiệm vụ chính trị quan trọng, nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý, bảo vệ tài nguyên nước và đảm bảo an ninh tài nguyên nước quốc gia. Vì vậy, Bộ trưởng đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), trên cơ sở dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) sẽ giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn, chồng chéo giữa Luật Tài nguyên nước với các luật khác để thống nhất việc điều tra, quản lý, khai thác sử dụng nước từ Trung ương đến địa phương, thống nhất quản lý về tài nguyên nước.
Đặc biệt, để phục vụ việc thẩm tra, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội đã tổ chức nhiều đợt khảo sát thực tế tại các địa phương có liên quan đến việc vận hành thủy điện, các nhà máy nước sạch - nơi chịu tác động trực tiếp của việc sử dụng tài nguyên nước; tổ chức các hội thảo tại 3 miền Bắc - Trung - Nam và tổ chức nhiều tọa đàm tham vấn chuyên gia, nhà khoa học nhằm huy động, phát huy vai trò, trí tuệ của những người có kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực tài nguyên nước tham gia vào việc góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật; tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức liên quan và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về nội dung dự án Luật.
Đây có lẽ không phải là cách làm quá mới mẻ, bởi khi xây dựng bất cứ một đạo Luật quan trọng nào, các bộ, Ủy ban Thường trực của Quốc hội cũng sẽ tổ chức các cuộc khảo sát, lấy ý kiến rộng rãi các tổ chức, doanh nghiệp và người dân, nhất là khi lĩnh vực tài nguyên nước là lĩnh vực rộng lớn, có sức ảnh hưởng sâu rộng và trực tiếp đến quyền và lợi ích của từng người dân, doanh nghiệp nước bởi nước là tài nguyên đặc biệt quan trọng, là thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường, quyết định sự tồn tại, phát triển bền vững của đất nước.
Đặc biệt, trước quá trình phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội như hiện nay, cùng với sự gia tăng ngày càng cao của các hoạt động sử dụng nước cộng với tác động nặng nề của biến đổi khí hậu,… đã và đang đặt ra nhiều thách thức trong quản lý, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên nước quốc gia.
Cần tiếp tục mở rộng phạm vi lấy ý kiến đóng góp
Sau đợt lấy ý kiến rộng rãi các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, người dân và doanh nghiệp với nhiều phương thức trực tiếp và trực tuyến, cử tri và các đại biểu Quốc hội một lần nữa được góp ý vào Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) trên diễn đàn Quốc hội. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV đang diễn ra đã dành nhiều thời gian cho dự thảo này. Ngày 5/6, 19 tổ với gần 500 đại biểu Quốc hội đã đưa ra hàng trăm ý kiến tổng hợp góp ý vào Dự thảo Luật.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khẳng định: Quan điểm xây dựng Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa quan điểm tài nguyên nước là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân và do Nhà nước thống nhất quản lý. Tài nguyên nước phải là cốt lõi trong xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, quy hoạch dân cư, quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Đồng thời kế thừa các quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 đang phát huy hiệu quả; bãi bỏ các quy định bất cập; cập nhật, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành cho phù hợp.
Dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) gồm 88 điều và được bố cục thành 10 chương. So với Luật 2012, Dự thảo Luật không tăng về số chương (trong đó giữ nguyên 10 điều; sửa đổi, bổ sung 62 điều; bổ sung mới 16 điều) và bãi bỏ 08 điều.
Và ngày 22/6, Dự thảo Luật sẽ được đưa ra hội trường để góp ý một cách toàn diện, Ban soạn thảo, Chính phủ cũng có cơ hội để làm rõ các vấn đề có nhiều ý kiến chưa thống nhất, vẫn còn nhiều băn khoăn như: phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật; điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch tài nguyên nước; bảo vệ tài nguyên nước và phục hồi nguồn nước; điều hòa, phân phối và khai thác, sử dụng tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; công cụ kinh tế, chính sách và nguồn lực cho tài nguyên nước…
Ngay sau các phiên họp ngày 5/6 lấy ý kiến góp ý tại 19 tổ về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Cục Quản lý tài nguyên nước đã khẩn trương tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội theo nhóm vấn đề, đồng thời nghiêm túc tiếp thu, giải trình nhiều nội dung quan trọng mà đại biểu Quốc hội nêu.
Song, với một đạo luật ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội như Luật Tài nguyên nước, rất cần sự quan tâm hơn nữa của Chính phủ, của cơ quan soạn thảo để đẩy mạnh truyền thông chính sách, đồng thời, lấy ý kiến rộng rãi hơn nữa các tầng lớp nhân dân để có những góp ý sâu sắc, trí tuệ và bao quát hơn nữa nhằm giải quyết thấu đáo những vấn đề còn đang vướng mắc trong thực tiễn quản lý. Bởi nếu nói tài nguyên đất là “giá trị cuộc sống” thì tài nguyên nước chính là “chất lượng cuộc sống”. Chất lượng cuộc sống có được đảm bảo hay không chính là nhờ việc quản lý, phân bổ nguồn tài nguyên nước có hợp lý và khoa học hay không?.
Dẫu biết rằng, mọi sự so sánh là khập khiễng, song với tầm quan trọng của tài nguyên nước trong đời sống xã hội, đặc biệt dưới sự tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đã làm cho nguồn tài nguyên nước quý giá ngày một cạn kiệt và khó phục hồi, thì càng cần hơn nữa tiếng nói, sự đóng góp tâm huyết của mọi tầng lớp nhân dân, để khi Luật ban hành sẽ tạo được nguồn lực quan trọng thật sự nâng cao chất lượng cuộc sống toàn dân.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc