Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ và tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh quy định hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại trong Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).
Sáng 19/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
Làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, thay mặt cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cảm ơn các ý kiến góp ý thẳng thắng, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận tổ và hội trường và tiếp thu đầy đủ để hoàn thiện dự thảo luật.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị |
Về chính sách sở hữu nhà ở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong tờ trình trình Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo đã đề xuất 2 phương án: Phương án có quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn và phương án không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Tại thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định đây là vấn đề có tính nhạy cảm cao, tác động lớn đến xã hội và còn có những ý kiến chưa thống nhất. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đã trình đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến.
Tuy nhiên, dự thảo luật đã có bổ sung làm rõ thêm các nội dung về thời hạn sử dụng nhà chung cư, các trường hợp phá dỡ nhà chung cư, quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc di dời, phá dỡ và đóng góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư, làm rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan khi phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư để có cơ sở xử lý, giải quyết, tháo gỡ các trường hợp đang gặp khó khăn, vướng mắc trên thực tế hiện nay. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và xin ý kiến Quốc hội.
Về ý kiến đề nghị xem xét quy định điều kiện, số lượng loại nhà ở người nước ngoài được sở hữu, tránh ảnh hưởng đến nhu cầu mua nhà ở của công dân trong nước cũng như đảm bảo an ninh, quốc phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, chính sách về tổ chức, cá nhân người nước ngoài được mua và sở hữu nhà ở tại Việt Nam đã được quy định từ năm 2008 theo Nghị quyết số 19 của Quốc hội và được bổ sung luật hóa tại Luật Nhà ở năm 2014 nhằm tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nước ngoài yên tâm sinh sống, làm việc tại Việt Nam, góp phần khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, Luật Nhà ở năm 2014 và nay là dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng đã quy định chặt chẽ về loại nhà, khu vực được mua, số lượng nhà ở được phép mua và sở hữu. Do đó, quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách nhà ở khác của Nhà nước như chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra nghiên cứu kỹ, thể hiện rõ, đảm bảo phù hợp với chủ trương của Đảng, thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan.
Tiếp tục nghiên cứu quy định hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại
Về quy định hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, Luật Nhà ở năm 2014 đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 03 năm 2022 đã quy định về hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, trong đó có quy định trường hợp có quyền sử dụng đất ở và đất khác thuộc diện được chấp thuận để thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở thương mại.
Trên cơ sở rà soát, tổng kết thi hành luật, dự thảo luật đã bổ sung quy định về trường hợp sử dụng đất được thực hiện để phát triển nhà ở thương mại nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ sử dụng đất, thúc đẩy phát triển nhà ở. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp thu ý kiến của đại biểu và tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh lại quy định nêu trên để đảm bảo thống nhất với Luật Đất đai (sửa đổi).
Về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dành một chương để quy định về chính sách cải tạo, xây dựng nhằm phá dỡ các chung cư hư hỏng nghiêm trọng, bảo vệ an toàn cho người và tài sản của cư dân tại các khu nhà này, đồng thời góp phần chỉnh trang đô thị. Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ báo cáo Chính phủ để tiếp tục rà soát, bổ sung, làm rõ hơn các nội dung có liên quan như ý kiến của đại biểu Quốc hội để đảm bảo tính khả thi, thúc đẩy nhanh việc thực hiện các dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Về chính sách phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, mỗi địa phương có nhu cầu nhà ở xã hội khác nhau, nguồn ngân sách khác nhau, do đó việc để Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ trích từ nguồn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn là phù hợp với thực tế cũng như pháp luật có liên quan, như pháp luật về ngân sách, pháp luật về tổ chức chính quyền địa phương.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung thảo luận |
Tuy nhiên, cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ tiếp thu và sẽ bổ sung trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật theo hướng, chỉ quy định tỷ lệ nhất định trong ngân sách địa phương, không quy định tỷ lệ thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị.
Việc quy định dành quỹ đất 20% tại Luật Nhà ở hiện hành có nhiều bất cập và chưa phù hợp với thực tiễn như đã trình bày tại Báo cáo tổng kết thi hành luật. Chẳng hạn, như nhu cầu nhà ở xã hội tại địa phương, đặc điểm vùng miền, địa hình, loại hình dự án có thể ảnh hưởng đến kiến trúc, cảnh quan, thậm chí lãng phí nguồn lực đất đai. Vì vậy, dự thảo luật sửa đổi nội dung quy định này là phù hợp, nhằm tháo gỡ những bất cập nêu trên.
Liên quan đến ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, việc xác định cụ thể về tỷ lệ quỹ đất riêng để xây dựng công trình kinh doanh dịch vụ, thương mại trong dự án nhà ở xã hội phải được thực hiện theo pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật về xây dựng. Quy định về lợi nhuận định mức 10% chỉ đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, nhằm tháo gỡ bất cập hiện nay là lợi nhuận định mức được tính chung cho toàn bộ dự án.
Quang cảnh phiên họp |
Bên cạnh đó, dự thảo luật cũng đã quy định giá bán, giá thuê mua nhà ở xã hội có tính đến các chi phí hợp lý, hợp lệ khác của doanh nghiệp là đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp. Mặt khác, chủ đầu tư cũng được hưởng ưu đãi phần diện tích kinh doanh dịch vụ thương mại và chủ đầu tư được hưởng toàn bộ lợi nhuận của phần diện tích này, như vậy về tổng thể chủ đầu tư có thể có lợi nhuận lớn hơn 10% lợi nhuận định mức của cả dự án như quy định tại Luật Nhà ở hiện hành.
Về quản lý sử dụng nhà chung cư, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, đây là vấn đề đang được người dân hết sức quan tâm. Do đó, dự thảo luật đã kế thừa quy định của Luật Nhà ở hiện hành để dành một chương quy định đầy đủ các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư như quy định sở hữu chung, riêng, Hội nghị nhà chung cư, Ban quản trị quản lý vận hành tòa nhà, kinh phí bảo trì…
Ngoài ra, dự thảo luật còn luật hóa một số quy định trong Nghị định số 99 năm 2015 để đảm bảo tính pháp lý cao và bổ sung thêm các nội dung mới phát sinh. Để khắc phục các tồn tại, hạn chế hiện nay, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu để báo cáo cấp có thẩm quyền trình xin ý kiến Quốc hội trong quá trình hoàn thiện dự án luật.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội thể hiện đồng thuận cao với nhiều nội dung trong dự thảo luật, đồng thời góp ý về nhiều vấn đề cụ thể, thẳng thắn, tâm huyết về nhiều nội dung trong dự án luật, phân tích đánh giá sâu sắc nhiều tồn tại vướng mắc và đưa ra nhiều kiến nghị để hoàn thiện dự thảo luật.
Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan hữu quan tổng hợp đầy đủ ý kiến, nghiên cứu tiếp thu, giải trình, tiếp tục tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến, tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật.
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc