Mô hình đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, bao gồm một bảng các chỉ số được nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí với tổng thang điểm 100.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định 951/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí.
Mục tiêu ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí nhằm thống nhất Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí làm công cụ, thước đo đánh giá mức độ sẵn sàng, mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí dùng chung trên phạm vi cả nước.
Việc triển khai áp dụng Bộ Chỉ số sẽ giúp từng cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số, từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp để phát triển nhanh hơn, mạnh hơn.
Bộ Chỉ số cũng làm căn cứ để tạo lập được cơ sở dữ liệu chuyển đổi số báo chí với các thông tin, số liệu xác thực nhằm giúp các cơ quan, đơn vị chức năng quản lý nhà nước về báo chí nhìn thấy bức tranh toàn cảnh; đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, đồng thời có thêm công cụ đánh giá hiệu quả triển khai các chương trình, kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số báo chí trên phạm vi toàn quốc.
Thang điểm và cách đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành
Quyết định nêu rõ, mô hình đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số của các cơ quan báo chí, bao gồm một bảng các chỉ số được nhóm thành 5 trụ cột của chuyển đổi số báo chí với tổng thang điểm 100.
1- Chiến lược (18 điểm)
2- Hạ tầng số, nền tảng số và an toàn thông tin (24 điểm)
3- Sự đồng nhất về tổ chức và chuyên môn (20 điểm)
4- Độc giả, khán giả, thính giả (23 điểm)
5- Mức độ ứng dụng công nghệ số (15 điểm)
Mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí sẽ được xác định căn cứ vào tổng điểm đạt được của 5 trụ cột và được xếp loại như sau:
Mức 1: dưới 50 điểm - ở mức Yếu
Mức 2: từ 50 đến dưới 60 điểm - ở mức Trung bình
Mức 3: từ 60 đến dưới 70 điểm - ở mức Khá
Mức 4: từ 70 đến 80 điểm - ở mức Tốt
Mức 5: trên 80 điểm - ở mức Xuất sắc
Đánh giá, xác định và công nhận mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí
Để đảm bảo tính toàn diện, khách quan, việc đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí được Bộ Thông tin và Truyền thông ủy quyền Cục Báo chí chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, thu thập số liệu và đối chiếu số liệu các cơ quan báo chí cung cấp để thực hiện thẩm định, đánh giá mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí của các cơ quan báo chí dựa trên kết quả tự đánh giá của các cơ quan báo chí. Căn cứ theo kết quả thẩm định, điểm đánh giá từng tiêu chí của cơ quan báo chí có thể được điều chỉnh.
Đối với các tiêu chí do các cơ quan báo chí cung cấp số liệu để đánh giá, nếu cơ quan báo chí không cung cấp được thông tin, số liệu báo cáo đối với tiêu chí nào thì giá trị điểm đối với tiêu chí tương ứng đó sẽ có thể bị chấm là 0 điểm.
Cơ quan báo chí sau khi đã được thẩm định, đánh giá sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp Chứng nhận mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí và được sử dụng Chứng nhận này để quảng cáo thương hiệu cũng như đăng ký tham gia các chương trình chuyển đổi số báo chí và các đề án chuyển đổi số của cơ quan nhà nước.
Việc công bố xếp hạng mức độ trưởng thành Chuyển đổi số báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện và công bố hằng năm.
Kết quả đánh giá, xếp hạng được công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông tại địa chỉ https ://mic. gov.vn/ và Cổng thông tin Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số báo chí tại địa chỉ https://pdt.gov.vn/
Cơ quan báo chí đăng ký và đăng nhập tài khoản tại Cổng thông tin điện tử Trung tâm Hỗ trợ Chuyển đổi số báo chí (https://pdt.gov.vn/) để sử dụng phần mềm công cụ đánh giá thực hiện đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí cho cơ quan báo chí được đánh giá.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí sẽ phải cung cấp thông tin, minh chứng phục vụ việc đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp, hoạt động, chương trình, nội dung cần được hỗ trợ từ cơ quan quản lý nhà nước nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số báo chí.
Theo chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc