Tin mới

Phim về đa dạng sinh học truyền tải thông điệp mạnh mẽ tới cộng đồng

11:16, 05/05/2023

Liên hoan phim môi trường toàn quốc là hoạt động định kỳ 3 năm/lần do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam đồng phối hợp tổ chức để biểu dương các tổ chức, cá nhân có tác phẩm phim có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường đồng thời phát hiện, lên án kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ môi trường của Việt Nam. Tại Liên hoan phim môi trường toàn quốc lần thứ 8 tổ chức và trao giải năm 2022, đã có 20 tác phẩm với nhiều mảng đề tài khác nhau được trao giải thưởng, trong đó đáng chú ý phải kể đến là những tác phẩm có chủ đề về đa dạng sinh học được xây dựng với kịch bản xuất sắc, thông điệp tuyên truyền mạnh mẽ.

Việt Nam nằm trên đường di cư của nhiều loài chim trên thế giới. Với nhiều lợi thế về khí hậu và nguồn thức ăn, Việt Nam là nơi dừng chân để tích trữ năng lượng, lương thực của các loài chim. Tác phẩm “Về đâu những cánh chim trời”, “Hãy cứu lấy chim yến” đặt ra vấn đề lớn đang tồn tại hiện nay: Nếu không bảo vệ được các loài chim quý trước nạn săn bẫy cùng với những tác động tiêu cực của môi trường thiên nhiên thì những loài chim này rồi sẽ đi về đâu? Tình trạng săn, bẫy, bắt, mua bán, giết thịt bằng nhiều hình thức đã làm mất dần các loài chim hoang dã ….

 
 

Trích đoạn các phim đạt giải

Bên cạnh những cảnh quay chân thực về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và các tác động tiêu cực của con người dẫn đến hủy diệt các hệ sinh thái tự nhiên và suy giảm đa dạng sinh học thì những hành động đẹp và sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ các loài động vật và thực vật trên Trái đất cũng được phản ánh, lan tỏa những thông điệp tích cực.

Câu chuyện cảm động về quá trình điều trị một chú rùa tên Chi nằm trong sách đỏ không thể ăn hay tiêu hóa bất kỳ loại thức ăn nào trong hơn một tháng và được đội cứu hộ phát hiện và chăm sóc. Phim tài liệu “CHI” với tiết tấu chậm, cảnh quay hằng ngày chân thực đã làm nổi bật sự cố gắng của đội cứu hộ, sự gắn kết giữa con người và động vật. Bộ phim không sử dụng trực tiếp những hình ảnh về sự ô nhiễm, không lên án tác hại của ô nhiễm đến con người, động vật nhưng hình ảnh chú rùa đang chống chọi với sự sống lại tác động sâu sắc đến người xem giúp thức tỉnh con người cần phải bảo vệ môi trường và yêu thiên nhiên hơn nữa.

 
 

Trích đoạn phim Tài liệu: CHI. Nhóm tác giả: Phạm Hồng Liên, Trần Lý Hậu, Đoàn Hồng Lê, Đoàn Hùng Anh, Phòng Phim tài liệu, Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Trung - Tây Nguyên (VTV8)

Vẻ đẹp và sự đa dạng của hệ sinh thái các loài động thực vật tại Vườn Quốc gia Tràm Chim nơi có nhiều loài chim quý nằm trong sách đỏ Việt Nam được thể hiện đặc sắc qua bộ phim “Vũ điệu Tràm Chim”. Việc sở hữu một hệ sinh thái phong phú đa dạng, nhiều loài đặc hữu và quý hiếm, quy tụ các loài xuất hiện từng mùa đã thể hiện cách sống hài hòa với thiên nhiên của người dân vùng Đồng Tháp Mười cũng như công tác bảo tồn và tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức cộng đồng có hiệu quả của Ban quản lý Vườn Quốc gia Tràm Chim thời gian qua.

 

Nỗ lực và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội cũng được thể hiện với hành trình đồng hành cùng người dân huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trồng cây bần tại Bãi lún trong phim “Bám rễ”; sự cống hiến thầm lặng để đưa sự sống về với các rạn san hô trong phim “Hồi sinh”; những câu chuyện thú vị và độc đáo trong văn hóa giữ rừng đó của người Cơ Tu được thể hiện sinh động và mới lạ trong 23 phút của phim tài liệu "Mẹ Rừng”; cuộc sống bình dị và cách khai thác hiệu quả nguồn lợi từ thiên nhiên theo cách “thuận thiên” vào mùa nước nổi của người dân vùng đồng bằng Sông Cửu Long trong tác phẩm “Thuận thiên”. Thông qua đó nói lên rằng con người nếu sống hài hòa với thiên nhiên, làm bạn của tự nhiên thì tự nhiên cũng sẽ không ngược đãi con người.

Sản xuất các tác phẩm phim ảnh đề tài về môi trường nói chung và về đa dạng sinh học nói riêng là một trong những hình thức truyền thông mang tính đặc thù, đem lại hiệu quả tích cực đối với cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường, tiến tới xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, vì sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để đạt được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn về bảo tồn đa dạng sinh học, phục hồi lại các hệ sinh thái bị tổn thương đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực chung của tất cả chúng ta vì bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ vì giá trị của chúng về mặt sinh thái mà còn vì giá trị văn hóa và tâm linh của chúng đối với các cộng đồng trên toàn cầu. Bảo tồn đa dạng sinh học không chỉ là trách nhiệm của cá nhân mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường.


Ý kiến bạn đọc