Tại sao nhân loại phải đối mặt với khủng hoảng ô nhiễm nhựa như hiện nay? Mỗi năm chúng ta sản xuất ra hơn 430 triệu tấn nhựa, trong đó gần 300 triệu tấn được sử dụng chỉ vài giờ và thải bỏ vào ao hồ, đại dương và đất đai. Nhựa từ đó thâm nhập vào hệ tiêu hóa của động thực vật và đi vào chuỗi thức ăn của con người. Việc sản xuất nhựa và thải bỏ nhựa (phủ kín bề mặt trái đất) đã làm thúc đẩy sự nóng lên của toàn cầu.
Vì sao có cuộc khủng hoảng nhựa?
Giá thành rẻ, bền, đẹp và dẻo khiến cho sản phẩm làm từ nhựa tràn ngập trong cuộc sống, từ bao bì, quần áo đến mỹ phẩm. Hàng năm, 2/3 số nhựa đó, tức khoảng hơn 280 triệu tấn sản phẩm chỉ được sử dụng một lần đã trở thành rác. Không giống như các vật liệu khác, nhựa không phân hủy sinh học. Có thể mất hàng trăm năm để phân hủy, vì vậy nhựa sẽ tích tụ trong môi trường và trở thành khủng hoảng. Sự ô nhiễm này làm nghẹt sinh vật biển, làm hư hại đất đau và làm nhiễm độc nguồn nước ngầm; đồng thời gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Nhựa cũng góp phần gây ra khủng hoảng khí hậu. Sản xuất nhựa là một trong những quy trình sản xuất sử dụng nhiều năng lượng nhất trên thế giới. Vật liệu này được làm từ nhiên liệu hóa thạch như dầu thô, được biến đổi thông qua nhiệt và các chất phụ gia khác thành polymer. Năm 2019, nhựa đã tạo ra 1,8 tỷ tấn khí thải nhà kính – chiếm 3,4% tổng lượng khí thải toàn cầu.
Nhựa này đến từ đâu?
Lĩnh vực sản xuất bao bì là nơi tạo ra chất thải nhựa sử dụng một lần lớn nhất trên thế giới. Và mỗi năm có khoảng 36% nhựa nguyên liệu được sử dụng để sản xuất bao bì. Sản phẩm bao bì ở đây là các hộp đựng thức ăn, đồ uống bằng nhựa, sử dụng một lần. 85% số sản phẩm nhựa đó được đưa vào các bãi chôn lấp hoặc trôi chảy vào ao hồ, đại dương.
Nông nghiệp là một lĩnh vực dùng nhựa một lần rất phổ biến, từ việc phủ hạt giống đến màng nilong bao quanh ruộng đồng. Ngành công nghiệp đánh cá với các ngư cụ công nghiệp đã thải lượng nhựa lớn vào đại dương. Và khoảng 60% vật liệu làm quần áo cũng là từ nhựa, như polyester, acrylic và nylon. Do vậy, ngành dệt may đứng vị trí thứ 3 trong số các nguồn gây ra ô nhiễm nhựa.
Vi nhựa là gì?
Chúng là những mảnh nhựa nhỏ có chiều dài tối đa là 5mm. Chúng đến từ lốp xe, các sản phẩm làm đẹp chứa microbead, những hạt nhỏ tẩy tế bào chết. Một nguồn khác là từ vải tổng hợp. Mỗi khi quần áo được giặt, các mảnh quần áo sẽ rơi ra các sợi nhựa nhỏ gọi là vi sợi – một dạng vi nhựa. Chỉ riêng việc giặt giũ đã thải ra khoảng 500.000 tấn vi sợi nhựa vào đại dương mỗi năm – tương đương với gần 3 tỷ chiếc áo sơ mi polyester.
Các giải pháp kiểm soát ô nhiễm nhựa?
Năm 2022, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thống nhất về nghị quyết chấm dứt ô nhiễm nhựa. Một Ủy ban đàm phán liên chính phủ đang phát triển một công cụ ràng buộc pháp lý về ô nhiễm nhựa, với mục đích hoàn thiện công cụ này vào cuối năm 2024. Điều quan trọng là các cuộc đàm phán đã tập trung vào các biện pháp xem xét toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khai thác và thiết kế sản phẩm đến sản xuất để kiểm soát chất thải nhựa hiệu quả hơn.
Mặc dù đây là một tiến bộ, nhưng các cam kết hiện tại của các chính phủ và ngành hàng sẽ là không đủ. Để giải quyết hiệu quả cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa, cần có sự thay đổi mang tính hệ thống. Điều này có nghĩa là chuyển từ nền kinh tế nhựa tuyến tính hiện tại (dùng một lần và thải bỏ), sang nền kinh tế nhựa tuần hoàn. Nhựa sản xuất ra cần được giữ lại và sử dụng quay vòng, tạo ra giá trị càng lâu càng tốt trong nền kinh tế, thay vì thải bỏ quá nhanh.
Hiện thực hóa việc kiểm soát ô nhiễm nhựa?
Các quốc gia cần khuyến khích đổi mới và cung cấp các ưu đãi cho các doanh nghiệp loại bỏ nhựa không cần thiết. Cần phải đánh thuế để ngăn chặn việc sản xuất hoặc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần. Đồng thời, các quốc gia cũng cần giảm thuế, trợ cấp và các ưu đãi tài chính, để khuyến khích tạo ra các sản phẩm thay thế nhựa, hoặc các sản phẩm có thể tái sử dụng. Cơ sở hạ tầng quản lý chất thải cũng phải được cải thiện. Các chính phủ cũng có thể tham gia vào quy trình của Ủy ban đàm phán liên chính phủ, để tạo ra một công cụ ràng buộc về mặt pháp lý, nhằm giải quyết ô nhiễm nhựa, kể cả trong môi trường biển.
Mỗi công dân có thể làm gì trước ô nhiễm nhựa?
Trong khi cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa cần cải cách hệ thống. Tuy nhiên, những lựa chọn sản phẩm của mỗi cá nhân cũng thể hiện trách nhiệm với môi trường. Bạn có thể nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Với các sản phẩm nhựa khác, chúng ta nên tái sử dụng nhiều lần, cho tới khi không còn sử dụng được nữa. Mang theo túi khi đi mua sắm, sử dụng ít bao bì cho những sản phẩm có thể gói ghém bằng lá cây truyền thống.
Mỗi công dân có thể lên tiếng ủng hộ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp,.. đã có sự cắt giảm bao bì nhựa, hoặc thay thế bao bì nhựa trong sản phẩm của họ, trên các cơ quan báo chí, các diễn đàn, hoặc các nền tảng truyền thông số.
Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường
Ý kiến bạn đọc