Tin mới

Mối quan hệ giữa giáo dục môi trường và hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông mới

13:51, 10/05/2023

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lê Công Thành chia sẻ “Giáo dục môi trường và hướng nghiệp sẽ được coi là chìa khóa quan trọng để thực hiện truyền thông môi trường, giáo dục địa phương thông qua kết nối nhà trường, cộng động, doanh nghiệp với chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, tăng năng lực thích ứng của cộng đồng đối với biến đổi khí hậu của Việt Nam đến năm 2030”.

Theo chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia, và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”. Trong đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.

Giảm phát thải khí nhà kính đã trở thành yêu cầu bắt buộc thực hiện đối với mọi tổ chức, cá nhân sống và làm việc trên lãnh thổ Việt Nam và đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020. Theo ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) - Phó trưởng Ban Công tác đàm phán của Việt Nam về Biến đổi khí hậu tại Hội nghị COP27 “Điểm khác biệt giữa Việt Nam với quốc gia khác, khi việc ứng phó với biến đổi khí hậu thường dồn vào cho một số đối tượng, còn ở Việt Nam thì toàn bộ hệ thống chính trị, có nghĩa là ai cũng phải có trách nhiệm, cụ thể là với Luật Bảo vệ môi trường mới thì các doanh nghiệp thải khí nhà kính lớn, hiện tại chưa phải giảm ngay nhưng cũng phải đo đếm xem một năm phát thải bao nhiêu, từ đó có kế hoạch để để giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình mà Việt Nam tham gia Thỏa thuận Paris”, 

Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu chung nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương và rủi ro trước những tác động của biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường khả năng chống chịu, năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; thúc đẩy việc lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược, quy hoạch.

 “Phát triển bền vững” là chiến lược sống còn để bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, ngăn chặn ô nhiễm môi trường, bảo vệ sự sống của muôn loài, trong đó có con người. Phát triển bền vững (PTBV) không chỉ đáp ứng được các nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm lạm dụng tài nguyên thiên nhiên của các thế hệ tương lai. Chính vì vậy, giáo dục môi trường gắn với hướng nghiệp phát triển bền vững là giải pháp căn bản, lâu dài. “Giáo dục môi trường là một quá trình phát triển những tình huống dạy /học hiệu quả giúp người dạy và người học tham gia giải quyết những vấn đề môi trường liên quan, đồng thời tìm ra một lối sống có trách nhiệm và được thông tin đầy đủ” (Jonathan Wigley, 2000). 

Phát triển bền vững bao gồm 4 nội dung chính: tăng trưởng kinh tế; bảo đảm công bằng xã hội; bảo vệ môi trường và tôn trọng các quyền con người. Bốn yếu tố này đã triển khai trong Chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong hoạt động giáo dục trải nghiệm và hướng nghiệp gồm 4 nhóm chủ đề giáo dục hiểu về bản thân, hiểu về xã hội, hiểu về môi trường và hướng nghiệp. Dựa trên tiếp cận không tách biệt con người ra khỏi môi trường sống, Bà Phí Mai Chi, nhà thực nghiệm Quyền trẻ em, sáng lập Dự án Giáo dục Môi trường và Hướng nghiệp (ECC) đề xuất các nội dung giáo dục môi trường và hướng nghiệp theo khung hướng dẫn Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT như sau:

Hiểu về bản thân (Giáo dục hòa hợp với môi trường): giúp cho mỗi cá nhân hiểu nhu cầu tiêu dùng của bản thân, xây dựng và phát triển hiểu biết của mình về môi trường, tương tác với môi trường, từ đó mỗi cá nhân có thể sử dụng được kiến thức và kỹ năng đã có để sống hòa hợp với thiên nhiên, môi trường.

Hiểu về môi trường (Giáo dục về môi trường): giúp người học có kiến thức về bản chất, đặc trưng của môi trường, kiến thức thiết yếu về khoa học sự sống, khoa học môi trường. Nghiên cứu bối cảnh sống theo địa phương, vùng địa lý, hiểu các vấn đề môi trường trong mối quan hệ với các vấn đề xã hội, văn hóa, và kinh tế. Từ đó người học có thông tin đầy đủ và đưa ra được những quyết định hợp lý về cách ứng xử với môi trường..

Hiểu về xã hội (Giáo dục trong môi trường): Người học xem xét môi trường thiên nhiên hoặc nhân tạo là phương tiện, môi trường để giảng dạy và học tập, lao động, sản xuất. Hiểu biết cơ sở hạ tầng, giao tiếp xã hội tạo cơ hội cho người học sử dụng chính môi trường xung quanh làm nơi học tập, tìm hiểu và trải nghiệm thực tế và giải quyết các vấn đề về môi trường, việc làm ở hiện tại và trong tương lai

Họat động hướng nghiệp (Giáo dục vì môi trường): nhằm truyền hướng tới hình thành thái độ, cách ứng xử, ý thức trách nhiệm về môi trường; đồng thời cung cấp tri thức, kỹ năng, phương pháp cần thiết cho những quyết định hành động bảo vệ môi trường, định hướng việc làm phát triển bền vững. Người học có khả năng lựa chọn nghề nghiệp không làm tổn hại môi trường, chuẩn bị các kỹ năng đương đầu với những vấn đề và nguy cơ của địa phương trước biến đổi khí hậu.

Với hình thức tiếp cận Học tập tích hợp liên môn, học tập thông qua dự án, ứng dụng Stem trong hoạt động học và trải nghiệm, kết hợp khung phát triển tâm sinh lý xã hội của trẻ. Tour “HỌC TỪ THIÊN NHIÊN” là chương trình khởi động cho hè 2023  dành cho các bạn nhỏ, tuổi từ 8 - 14 tuổi tại Đồi Thảo mộc - Lương Sơn, Hòa Bình, cùng nhau trở về với tuổi thơ “Học mà Chơi - Chơi mà Học”, để thực hành các giá trị sống: Biết ơn, Tôn trọng, Trách nhiệm, Can đảm và Dấn thân.

Với các trải nghiệm: leo đồi ,khám phá hệ sinh thái đồi thảo mộc, học hỏi  quy tắc ứng xử với thiên nhiên, cùng nhau lập bản đồ thiên nhiên, khảo sát và thu thập thông tin về cỏ cây hoa lá, tìm hiểu cây làm tinh dầu, quy trình sản xuất và thực hành làm một sản phẩm tinh dầu, tìm hiểu về các giải pháp về môi trường của đồi thảo mộc, cách con người hòa hợp với thiên nhiên…

Các hoạt động giiúp các em  học sinh rèn luyện được tinh thần bền bỉ, thực hành giá trị biết ơn, tôn trọng, xây dựng mối quan hệ, lòng trắc ẩn và kết nối con người với thiên nhiên. Đồng thời thông qua các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu đời sống và hệ sinh thái tại Đồi thảo mộc, thực hành sản xuất các sản phẩm đặc thù của vùng, miền… các em học sinh được tìm hiểu về kinh tế địa phương, kết nối và góp phần củng cố kiến thức trong các tiết học trải nghiệm và hướng nghiệp tại nhà trường.

YOUTH ENVIRONMENT AND CAREER EXPLORATION CAMP (ECC) thuộc khuôn khổ Dự án giáo dục trải nghiệm và hướng nghiệp Ikigai Vietnam gồm các hoạt động Hè 2023: 

  • Camp Học từ thiên nhiên tại đồi thảo mộc Lương Sơn, Hòa Bình
  • Tour Chuyện sinh thái - Hòa hợp thiên nhiên tại 5th Season Wellness stay Sóc Sơn, Hà Nội  
  • Hội nghị thanh niên quốc tế 2023 - ECC tại Trung tâm Khám phá khoa học liên ngành, Quy Nhơn, Bình Định 

YOUTH ENVIRONMENT AND CAREER EXPLORATION CAMP (ECC) là hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp và môi trường  đa dạng sinh học với nền kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững do Trung tâm Truyền thông Tài nguyên và Môi trường hợp tác với Trung tâm Trẻ em và Phát triển đồng kiến tạo

Hướng tới tạo không gian để trẻ em và người chưa thành niên tăng cơ hội trải nghiệm xã hội để (1) Phát triển bản thân;(2) Hiểu biết xã hội; (3) Hòa hợp với thiên nhiên, nâng cao hiểu biết về môi trường, mối quan hệ giữa văn hóa tiêu dùng (3R), sản xuất và môi trường trong nền kinh tế chia sẻ. Có năng lực tự học – tự chủ, sáng tạo để tự hướng nghiệp phát triển bền vững, giảm thiểu tác động đến môi trường, biến ứng thị trường lao động ở tương lai

•Xây dựng sự tự tin bằng mô thức giá trị sống của Liên Hợp Quốc

•Thúc đẩy động lực bản thân qua học tập trải nghiệm ELC

•Tăng điểm số với năng lực Tự học - Tự chủ

                               Thực hiện: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc