Tin mới

Hạt vi nhựa: “Di sản” khó đỡ của nhân loại

10:53, 18/05/2023

Thế giới đang chìm đắm dưới sức nặng của ô nhiễm nhựa, với hơn 430 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm. Hai phần ba là những sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn, sớm trở thành chất thải để lấp đầy đại dương và xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người. Ngày Môi trường Thế giới ( ngày 5 tháng 6) năm nay, vấn đề ô nhiễm nhựa sẽ được đặt lên hàng đầu.

Hạt vi nhựa là gì?

Vi nhựa là những hạt siêu nhỏ, có đường kính lên tới 5 milimét, có mặt trong các vật dụng hàng ngày như thuốc lá, quần áo và mỹ phẩm… Việc sử dụng liên tục những sản phẩm này đã làm tăng sự tích tụ của vi hạt nhựa trong môi trường, xâm nhập vào đại dương từ rác nhựa bị phân hủy hoặc chảy ra từ hệ thống ống nước của các cơ sở sản xuất và các nguồn khác.

Khi các sinh vật biển như chim, cá, động vật có vú và thực vật ăn phải vi nhựa sẽ gây độc hại và tác động cơ học tới chúng, dẫn đến các vấn đề như giảm lượng thức ăn, ngạt thở, thay đổi hành vi và biến đổi gen.

Ngoài việc xâm nhập vào chuỗi thức ăn thông qua hải sản, con người có thể hít phải vi nhựa từ không khí, ăn chúng từ nước và hấp thụ chúng qua da. Hạt vi nhựa đã được tìm thấy trong các cơ quan khác nhau của con người và thậm chí trong cả nhau thai của trẻ sơ sinh.

Báo cáo năm 2021 của UNEP cảnh báo rằng, các hóa chất trong hạt vi nhựa “có liên quan đến những tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là ở phụ nữ”. Chúng có thể gây ra những thay đổi về di truyền học của con người; sự phát triển của não bộ, tốc độ hô hấp và các vấn đề sức khỏe khác.

Theo Giám đốc Chi nhánh Biển và Nước ngọt tại UNEP, bà Leticia Carvalho cho biết: “Tác động của các hóa chất độc hại và hạt vi nhựa đối với sinh lý của cả con người và sinh vật biển vẫn còn mới và cần phải được tập trung nghiên cứu trong thập kỷ này”.

Hạt vi nhựa đến từ đâu?

Trong đầu lọc thuốc là, vi nhựa được gọi là sợi cellulose axetat chiếm phần lớn trong đầu lọc thuốc lá. Với sáu nghìn tỷ điếu thuốc lá  được tiêu thụ hàng năm, những sợi này sẽ hiển diện trên thế giới. Đầu mẩu thuốc lá là loại rác nhựa phổ biến nhất trên các bãi biển. Khi chúng bị phân hủy, thuốc lá giải phóng vi nhựa, kim loại nặng và nhiều hóa chất ảnh hưởng đến hệ sinh thái của biển.

Trong quần áo và dệt may, nhựa bao gồm: polyester, acrylic và nylon chiếm khoảng  60%  tổng số chất liệu quần áo. Do bị mài mòn, quần áo và hàng dệt may sẽ thải ra các hạt vi nhựa được gọi là vi sợi khi giặt hoặc mặc ra môi trường. Theo một  báo cáo năm 2020 của UNEP, khoảng 9% hạt vi nhựa hàng năm ra đại dương đến từ lĩnh vực dệt may.

Để giảm bớt những thiệt hại này, các chuyên gia khuyên bạn nên mặc lại quần áo thường xuyên hơn và giặt ít hơn. Khi mua trang phục mới, hãy lựa chọn các vật liệu tự nhiên có nguồn gốc bền vững, góp phần giảm hoặc loại bỏ nguy cơ rò rỉ hạt vi nhựa ra môi trường.

Elisa Tonda, Trưởng phòng Tiêu thụ và Sản xuất của UNEP cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách cần thực hiện các chính sách và quản trị mạnh mẽ hơn, cũng như tạo ra một môi trường chính sách khuyến khích việc thiết kế các loại vải và quần áo bền vững. Các thương hiệu nên tăng cường nỗ lực trong việc thiết kế quần áo bền vững và chịu trách nhiệm về sản phẩm của họ khi hết hạn sử dụng”.

Mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân là những mặt hàng chứa nhiều hạt vi nhựa, từ nước rửa tay và xà phòng cho đến kem đánh răng và chất khử mùi. Các hạt nhựa từ các sản phẩm này có thể được hấp thụ vào da;  son môi, dưỡng môi có thể nuốt trực tiếp vào cơ thể, số còn lại sẽ được thải ra cống rãnh, ao hồ, đại dương.

Một  nghiên cứu gần đây của Tổ chức Soup nhựa đã phát hiện ra rằng, 83% trong số 138 nhãn hiệu nước rửa tay có chứa hạt vi nhựa. Và UNEP đã phải khởi động dự án “Có gì trong phòng tắm của bạn? ”, giới thiệu những sản phẩm có sử dụng hạt nhựa đang gây hại cho sức khỏe người dùng và khuyến khích mọi người lựa chọn các sản phẩm thay thế thân thiện với sức khỏe và môi trường. UNEP cũng mong muốn chung tay cùng các Chính phủ, khuyến kích các doanh nghiệp và các nhà sản xuất, hạn chế và từng bước loại bỏ hạt vi nhựa trong sản phẩm của mình, ngay từ khâu thiết kế.

Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường

(Theo unep.org)


Ý kiến bạn đọc