Đã lâu lắm rồi tôi không đọc sách. “Đọc sách” theo cung cách tay cầm cuốn sách và đọc bất cứ lúc nào, đọc trên chiếc ghế gỗ cứ nhảy chồm chồm của toa xe lửa hạng ba từ Nam ra Bắc, từ Bắc vào Nam những ngày đất nước ta bước vào hòa bình hay khi chiến tranh vừa mới tạm lắng.
Cái hay của sách không chỉ ở nội dung của nó hay là ở nhu cầu của người đọc sách, đọc để giải trí hay nhằm tìm hiểu sâu một vấn đề. Chợt nhớ một câu viết để đời của triết gia người Anh Bertrand Russell trích từ bộ hồi ký dài đến 750 trang của ông, khi ông nhắc đến nhà báo người Úc Wilfred Burchett, người từng tận mắt chứng kiến sự tàn khốc của chiến tranh hạt nhân và đã sớm cảnh báo nguy cơ của bom nguyên tử đối với tự tồn vong của nhân loại. W. Burchett cũng là một trong những nhà báo, nhà văn đầu tiên cảnh báo dư luận thế giới khi đế quốc Mỹ nấp dưới bóng một danh nghĩa nào đó thực hiện mưu đồ can thiệp vào cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống bọn thực dân cướp nước.
Triết gia Anh viết: “Có một người, đó chính là nhà báo Wilfred Burchett, ông đã sớm cảnh báo công luận về bản chất của cuộc chiến tranh, hay chuẩn xác hơn về cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ”.
Khi trích dẫn câu trên của Bertrand Russell, kẻ viết mấy dòng tạp bút này chợt nghĩ ra, có lẽ cần nói rõ hơn một chút về con người kỳ lạ đa dạng đa tài ấy. Ông sinh ra trong một gia đình quý tộc, ông nội ông từng làm Thủ tướng Vương quốc Anh. Ông ra đời năm 1872, mất năm 1970 (gần 100 tuổi) và được coi là một nhà toán học, logic học, triết gia, chính khách, nhà văn lỗi lạc được Giải thưởng Nobel về Văn học. Những ngày chiến tranh chống Mỹ của nhân dân ta vào thời kỳ ác liệt nhất, ông là một trong những nhà trí thức đầu tiên trên toàn cầu lên án đế quốc Mỹ. Bertrand Russell chính là người Chủ tọa Tòa án quốc tế xem xét và tuyên án kết tội đế quốc Mỹ về tội ác tàn sát những người dân thường tại nước ta trong những năm khói lửa.
Trở lại với những dòng suy nghĩ miên man những đêm khó ngủ, căn bệnh không thuốc nào chữa trị khỏi của người cao tuổi. Cái hay của một cuốn sách không chỉ nằm trong nội dung, hình thức, hay nói cách khác từ giá trị căn cơ của nó mà còn tùy thuộc vào trình độ của người đọc sách. Một cuốn sách ta đọc từ hồi còn nhỏ, dang cặp sách đến trường thấy hay hoặc thấy chưa hay là do trình độ của người đọc còn non. Lớn lên, từng bước trưởng thành rồi ngả dần về già, ta tình cờ đọc lại cuốn sách từ thời niên thiếu mới phát hiện ra những cái hay, cái mới để từ đó thấm sâu giá trị của nó.
Gần đây khi đã hom hem về tuổi đời, tôi tình cờ bắt gặp một truyện ngắn trên một cuốn sách và định đọc qua cho đỡ buồn, mới ngộ ra đã lâu lắm rồi mình không đọc văn chương. Tôi có đọc sách của bạn hữu gửi cho, đọc lướt qua cho biết anh bạn nói gì trong đó, hoặc ngược lại đọc kỹ, đọc đi đọc lại mấy lần nhằm viết Lời giới thiệu theo yêu cầu của tác giả, của tòa soạn một tờ báo hoặc của nhà xuất bản trước khi in, nhưng thực chất đó vẫn chưa hẳn là tôi thưởng thức cuốn sách. Từ một góc nhìn nào đó, đây mới là một hoặc hai từ trong bốn từ Đọc - Đi - Nghĩ - Viết. Đọc. Đi sâu vào thực tế cuộc sống, rồi Nghĩ, để cuối cùng mới hạ bút, hay thuận tiện hơn, mới ngồi trước máy tính.
Trên đây là chuyện Đọc và Viết của người cầm bút. Còn về Văn hóa đọc, tôi cũng từng có đôi ba dịp luận bàn. Sách là bạn của Người. Bạn có bạn tốt, bạn xấu. Sách có sách hay sách dở, Sách bổ ích, sách độc hại. Ông cha ta từ bao đời trước chẳng dạy con cháu “Chọn bạn mà chơi” đó sao? Ngày nay phải chăng căn cơ của Văn hóa đọc là khuyên người đọc: “Chọn sách mà đọc”. Từ đó mới đặt ra câu chuyện Đọc để làm gì? Đâu có phải đọc sách chỉ nhằm giải trí, đọc cho đỡ buồn. Đọc để có thêm kiến thức phục vụ đất nước. Đọc vì cuộc sống của người dân. Và đó mới là cái chính của Văn hóa Đọc.
Theo congluan.vn
Ý kiến bạn đọc