Tin mới

Động lực mạnh mẽ của Việt Nam khi chuyển đổi năng lượng công bằng

09:53, 20/04/2023
Toàn cảnh buổi làm việc

Việc triển khai thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và các nước trong và ngoài G7 đến thời điểm hiện nay là chủ đề chính được bàn thảo tại buổi làm việc giữa Thứ trưởng Lê Công Thành với ông Chris Taylor và ông Tibor Stelbaczky.

Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ, nội dung chuyển đổi năng lượng công bằng chủ yếu là các biện pháp trong lĩnh vực năng lượng, chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch, nghiên cứu đề xuất đóng cửa các nhà máy điện than hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng nhà máy điện than. Trong quá trình thực hiện chuyển đổi cần có sự điều phối tổng thể từ Trung ương đến địa phương, cần huy động chuyên gia tài chính, đầu tư, năng lượng và sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp liên quan để cung cấp thông tin, làm việc với các đoàn công tác của Chính phủ và của các đối tác quốc tế. Các kế hoạch, dự án chuyển đổi cần gắn với kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội và phát triển năng lượng quốc gia để triển khai thực hiện. Do vậy, cơ quan đầu mối Ban Thư ký cần có chức năng, nhiệm vụ tổng hợp liên quan đến quản lý các nguồn vốn, đầu tư cho chuyển đổi năng lượng công bằng.

Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định động lực mạnh mẽ của Việt nam khi chuyển đổi năng lượng công bằng

Hiện nay, Bộ TN&MT đang phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để thành lập Ban Thư ký trong tháng 4 năm 2023 như chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Bộ TN&MT cũng đang tích cực xây dựng Đề án triển khai JETP để kịp trình trong tháng 6/2023. Việc xây dựng Đề án là để phân công cụ thể trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc triển hai thực hiện JETP, trong đó xây dựng Kế hoạch huy động nguồn lực, việc giám sát, đánh giá quá trình thực hiện JETP.

Cảm ơn những thông tin cập nhật từ Thứ trưởng, ông Chris Taylor, Đặc phái viên biến đổi khí hậu của Vương Quốc Anh trân trọng những nỗ lực của Bộ TN&MT trong thời gian qua. Phía Vương Quốc Anh hiểu được định hướng của Chính phủ Việt Nam để trao đổi lại với các đối tác. Theo đó, công cuộc ứng phó với BĐKH, chuyển dịch năng lượng công bằng đòi hỏi sự hợp tác của các cơ quan và sự đồng lòng, thống nhất của toàn hệ thống chính trị. Việc này không dễ dàng, song Vương quốc Anh tin tưởng vào quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam.

“Việc đi từ thỏa thuận đến thực hiện là một hành trình dài. Trong quá trình đó, chúng ta xây dựng kế hoạch chung có sự tham gia của các Bộ, ngành khác nhau. Vấn đề là làm sao để các bên phối hợp dưới góc độ tư duy logic. Chúng tôi luôn sẵn sàng làm việc với các Bộ, ngành để nắm được cấu trúc hệ thống và chị tiết thực hiện JETP”, ông Chris Taylor nói.

Ông Chris Taylor (bên trái) và Ông Tibor Stelbaczky (giữa) cho biết luôn đồng hành cùng Việt Nam thực hiện JETP

Ông Tibor Stelbaczky, Cố vấn chính về Ngoại giao Năng lượng của Liên minh Châu Âu khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện JETP. Châu Âu xem việc giảm phát thải khí nhà kính sẽ đánh dấu sự thành công trong thực hiện JETP của Việt Nam, và thực hiện JETP chính là góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu.

Ông Tibor Stelbaczky cho rằng, việc thành lập Ban thư ký và huy động nguồn lực là nhiệm vụ rất lớn. Triển khai JETP, Việt Nam có thể lựa chọn lĩnh vực thí điểm để từng bước mở rộng sự chuyển dịch năng lượng công bằng này.

Đồng tình với ý kiến này, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, có 3 lĩnh vực mà Việt Nam có thể lựa chọn các dự án thí điểm, đó là: công nghệ như sản xuất nhiên liệu xanh (hydro xanh, amoniac xanh), quản trị như quản trị lưới điện thông minh và các dự án có tính công bằng xã hội như chuyển đổi nghề, phát triển sinh kế mới.

“Một dự án có thể có cách tiếp cận đa chiều và đảm bảo được sư cân bằng giữa các yếu tố. Chúng ta sẽ có một danh sách dài các dự án có thể hợp tác cùng nhau, từ đó lựa chọn triển khai cụ thể” – ông Tibor Stelbaczky đề xuất./.

Theo Báo TNMT


Ý kiến bạn đọc