Tin mới

Bộ TN&MT đề xuất phương án sửa đổi trong Luật đất đai năm 2023 (phần 2)

08:21, 17/04/2023

Đối với hình thức giao đất, cho thuê đất cho đơn vị sự nghiệp công lập

Một số ý kiến đóng góp, đối với đơn vị sự nghiệp công lập được giao đất không thu tiền sử dụng đất mà không phân biệt tự chủ hay chưa tự chủ tài chính; đối với tổ chức sự nghiệp công lập được lựa chọn hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, để linh hoạt trong quá trình sử dụng đất. Tiếp thu ý kiến đóng góp, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án: Một là, sửa đổi Điều 114 theo hướng không phân biệt đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ hay chưa tự chủ tài chính; sửa đổi Điều 32, Điều 115 và Điều 116 của Dự thảo Luật theo hướng, quy định tổ chức sự nghiệp công lập được lựa chọn hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Đối với trường hợp trả tiền thuê đất hàng năm, thì có quyền như của tổ chức kinh tế thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm. Hai là, giữ như quy định tại dự thảo lấy ý kiến Nhân dân.

Bộ TN&MT lựa chọn phương án 1 và đã thiết kế trong dự thảo Luật theo phương án 1, nhằm tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp công lập khai thác linh hoạt tiềm năng đất đai, chủ hoạt động tăng nguồn thu, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Trường hợp cho thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm

Nhiều ý kiến đề nghị bổ sung, các dự án sử dụng đất thương mại dịch vụ có nhà nghỉ dưỡng và đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh, vào trường hợp Nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê. Cơ quan soạn thảo đề xuất hai phương án tại điểm c khoản 2 Điều 116:  Phương án 1, giữ nguyên 2 trường hợp cho thuê đất, trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, như quy định của dự thảo Luật xin ý kiến Nhân dân. Phương án 2, bổ sung trường hợp sử dụng đất thương mại dịch vụ có nhà nghỉ dưỡng và đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật du lịch; đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh vào trường hợp được Nhà nước cho thuê đất, thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê.

Cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 01 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 18-NQ/TW (Cơ bản thực hiện hình thức cho thuê đất trả tiền hàng năm...bảo đảm nguồn thu ổn định).

Đối với trườnghợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất, liên quan đến các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang

Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đề nghị bổ sung một số đối tượng thuộc lực lượng quốc phòng, an ninh được giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Tiếp thu ý kiến góp ý, tại khoản 4 Điều 120, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án như sau: Một là, giữ như quy định của dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Hai là, bổ sung các đối tượng: cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan tại ngũ, quân nhân chuyên nghiệp, công chức quốc phòng, công nhân và viên chức quốc phòng; sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân công an; người làm công tác cơ yếu và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu hưởng lương từ ngân sách mà chưa được giao đất ở, nhà ở; xây dựng nhà ở cho lực lượng vũ trang, người lao động tại các khu công nghiệp, nhà ở xã hội và nhà ở công vụ.

Cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 2, để đảm bảo thực hiện chính sách đến đầy đủ các đối tượng phục vụ trong lực lượng vũ trang nhân dân theo đề nghị của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.

Việc sử dụng đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội, thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất

Nhiều ý kiến đề nghị, bổ sung thêm các loại đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, để thực hiện dự đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn. Tiếp thu ý kiến đóng góp, tại khoản 1 Điều 123, cơ quan soạn thảo đã làm việc trực tiếp với Bộ Xây dựng để thống nhất đề xuất 2 phương án: Một là, giữ như quy định Dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Theo đó, đối với trường hợp sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, thì được thỏa thuận về quyền sử dụng đất ở hoặc đất ở và đất khác không phải là đất ở. Hai là, bổ sung thêm trường hợp đất phi nông nghiệp, không phải là đất ở, nhưng đã nộp tiền sử dụng đất, hoặc nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, cũng được thỏa thuận để thực hiện dự án phát triển kinh tế- xã hội.

Cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 1, để đảm bảo thống nhất với Điều 75 Luật Đầu tư và Luật Nhà ở.

Cấp Giấy chứng nhận đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

Nhiều ý kiến cho rằng, quy định tại khoản 2, Điều 134 quy định cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác là kéo thêm thời gian công nhận cho các trường hợp sử dụng đất sau ngày 01/7/2004. Cơ quan soạn thảo cho rằng, việc mở rộng thêm thời hạn sẽ giải quyết được các tồn tại hiện nay, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Tuy nhiên, việc mở thêm thời hạn để công nhận cho các trường hợp này có thể bị lợi dụng để hợp thức hóa các sai phạm trong việc sử dụng đất. Do đó, cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án: Một là, quy định thay đổi mốc thời gian sử dụng đất để xem xét cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đến trước ngày 01/7/2014. Hai là, quy định thay đổi mốc thời gian sử dụng đất để xem xét cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp đang sử dụng đất không có giấy tờ về quyền sử dụng đất đến trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 1, để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, tránh việc lợi dụng chính sách này để hợp thức hóa sai phạm.

Về việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn

Có ý kiến đề nghị luật hóa Điều 7 của Nghị quyết số 132/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 để tiếp tục giải quyết các vướng mắc tồn đọng liên quan đến việc xử lý đất quốc phòng, an ninh đối với dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện và đối với doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng đây là nội dung cụ thể trong Nghị quyết thí điểm, cần phải được tổng kết, đánh giá một cách đầy đủ phù hợp với thực tiễn mới đưa vào dự thảo Luật để thực hiện. Cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án:  Một là, tiếp thu ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu vào dự thảo Luật tại khoản 6 Điều 195 giải quyết về đất quốc phòng, đất an ninh sau khi Luật này có hiệu lực thi hành. Hai là, không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 1, để giải quyết các trường hợp còn tồn đọng vì trong thời gian ngắn, còn nhiều trường hợp chưa kịp thực hiện, trong khi đó Nghị quyết 132/2020/QH14 sẽ hết hiệu lực khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành (Nghị quyết có hiệu lực từ tháng 02 năm 2021 đến ngày 01 tháng 7 năm 2024 khi dự kiến Luật Đất đai có hiệu lực thi hành).

Quy định chuyển tiếp, điều khoản thi hành

Nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát, bổ sung một số quy định chuyển tiếp để giải quyết một số tồn đọng về quy hoạch sử dụng đất, thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giao đất, cho thuê đất, xác định giá đất… Cơ quan soạn thảo đề xuất 2 phương án: Một là, tiếp thu bổ sung vào dự thảo Mục 1 gồm 09 Điều, từ Điều 235 đến Điều 243, để xử lý chuyển tiếp đối với các trường hợp khi Luật này có hiệu lực thi hành, gồm: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; tài chính đất đai, giá đất; về thời hạn sử dụng đất; đất quốc phòng, đất an ninh kết hợp với lao động sản xuất, xây dựng kinh tế; xử lý quyền sử dụng đất của hộ gia đình có trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành... Hai là, giữ như trong Dự thảo Luật lấy ý kiến Nhân dân.

Cơ quan soạn thảo lựa chọn phương án 1 và đã thiết kế Dự thảo theo phương án 1 để có căn cứ xử lý các trường hợp đang thực hiện trong thời gian giao thoa giữa 2 Luật, tránh trường hợp có khoảng trống pháp lý, gây khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Một số bổ sung, kiến nghị mới từ cơ quan soạn thảo Luật                                

Nhiều ý kiến Nhân dân đề nghị, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với trường đào tạo người chuyên hoạt động tôn giáo vì thực chất đây là một loại công trình sự nghiệp phục vụ vào mục đích hoạt động tôn giáo, nhiều khi chỉ là một hạng mục trong khuôn viên của cơ sở tôn giáo[1]. Tuy nhiên, Nghị quyết số 18-NQ/TW đã nêu Nhà nước thực hiện giao đất không thu tiền sử dụng đối với đất sử dụng làm cơ sở thờ tự, trụ sở của các tổ chức tôn giáo; các tổ chức tôn giáo sử dụng vào mục đích khác phải trả tiền thuê đất.

Bổ sung quy định về quyền sử dụng đất của đối tượng người nước ngoài có quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam, vì Luật Nhà ở hiện hành và dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có quy định cho phép đối tượng này được sở hữu nhà ở tại Việt Nam nhưng Luật Đất đai không có quy định đối với trường hợp này.

Đề nghị bổ sung quy định về quyền thế chấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất tại tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức tài chính nước ngoài để huy động vốn.

Kiến nghị, đối với các Luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh (Luật Giá; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Đấu thầu; Luật Đấu giá tài sản; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Công chứng, Luật Các tổ chức tín dụng,…), kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo rà soát, thống nhất quy định với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ khi ban hành.

Đối với các Luật chưa trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát các quy định liên quan đến đất đai, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung báo cáo Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến Luật Đất đai.

Chính phủ chỉ đạo một số bộ, ngành rà soát lại các luật liên quan đất đai để bổ sung các quy định nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng tại Nghị quyết 18-NQ/TW (kiên quyết khắc phục tình trạng đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí; điều tiết chênh lệch địa tô; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xây dựng chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế, phù hợp với trình độ phát triển, điều kiện cụ thể và lộ trình thích hợp, quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang).

Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường

 

Ý kiến bạn đọc