Truyền thông chính sách

Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất phương án sửa đổi trong Luật đất đai năm 2023 (phần 1)

16:31, 16/03/2023

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý của Nhân dân. Dự thảo đã điều chỉnh còn 16 chương, 246 điều, trong đó tăng 3 mục (Mục 1, Chương VII và Mục 1, 2 chương XVI), bổ sung mới 22 điều, bỏ 12 điều. Một số nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, đơn vị chủ trì soạn thảo đã đề xuất phương án giải quyết trình lên Chính phủ.

Quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất hàng năm

Cơ quan soạn thảo đưa ra 2 phương án: Một là, quyền thuê đất quy định trong hợp đồng thuê đất hàng năm được thể hiện tại Điều 35, Điều 38 và Điều 42 dự thảo lấy ý kiến Nhân dân. Cơ quan soạn thảo đã hoàn thiện quy định theo hướng quy định về điều kiện mua bán tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất, trả tiền thuê đất hàng năm, tại các Điều nêu trên. Đồng thời, đối với từng loại dự án phải phù hợp với pháp luật chuyên ngành như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…. Hai là, không quy định quyền thuê trong hợp đồng thuê đất hàng năm. Tuy nhiên, trong 2 phương án này, cơ quan soạn thảo đề xuất lựa chọn phương án 1 và đã thiết kế dự thảo theo phương án 01.

Thu hồi đất và trưng dụng đất

Cơ quan soạn thảo sửa đổi toàn bộ nội dung của Điều 75 để làm rõ các trường hợp thật cần thiết thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng. Theo đó, chỉ thu hồi đất đối với các loại công trình công cộng từng lĩnh vực, để xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp và một số trường hợp thật cần thiết khác. Đồng thời, quy định phân cấp, thẩm quyền thu hồi đất, để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cho Ủy ban nhân dân cấp huyện. Không phân biệt người sử dụng đất là tổ chức hay cá nhân, chỉ trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh. Quy định rõ việc thu hồi đất ở, chỉ được thực hiện sau khi hoàn thành bố trí, bàn giao nhà ở tái định cư cho người dân; không được cưỡng chế thu hồi đất nếu chưa bố trí tái định cư hoặc bố trí tạm cư cho người có đất bị thu hồi.

Liên quan đến thu hồi đất quốc phòng, an ninh;  tiếp thu ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, cơ quan soạn thảo đề xuất 02 phương án: Một là, giữ nguyên thẩm quyền thu hồi đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trừ trường hợp thu hồi đất quốc phòng, an ninh thì phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ. Hai là, Thủ tướng Chính phủ quyết định thu hồi đất quốc phòng, an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và văn bản chấp thuận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an.

Cơ quan soạn thảo đề xuất chọn phương án 2 để đảm bảo đồng bộ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ được quy định trong Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự và thẩm quyền quyết định, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh. Nếu lựa chọn phương án 02, đơn vị soạn thảo bổ sung thêm 1 khoản, tại Điều 195 như sau: “Trường hợp thu hồi đất quốc phòng,an ninh để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng thì không phải thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công. Không phải thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng công trình quốc phòng và khu quân sự theo quy định của (dự thảo) Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự.”

Đối với bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất

Đây là nội dung quan trọng nhận được nhiều ý kiến góp ý, cơ quan soạn thảo đã nghiên cứu, rà soát tiếp thu, bổ sung và luật hóa một số quy định trong các nghị định hiện hành, đã được thực tế chứng minh là phù hợp. Quy định chi tiết, cụ thể hơn, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất thu hồi, tạo sự đồng thuận, giảm khiếu nại, khiếu kiện; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương dễ áp dụng, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Một số ý kiến cho rằng, quy định đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm là chưa phù hợp, công bằng với đối tượng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp (nếu cho phép mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất). Do vậy, tại Điều 104 dự thảo Luật, cơ quan soạn thảo đề xuất 02 phương án: Một là, giữ nguyên như quy định pháp luật về đất đai hiện hành, hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm chỉ áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Hai là, mở rộng đối tượng được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho những hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp (không sản xuất nông nghiệp) và đã được bồi thường bằng tiền (giá trị của đất nông nghiệp).

Cơ quan soạn thảo đề xuất lựa chọn phương án 1, vì chính sách này đã thực hiện ổn định từ Luật Đất đai năm1993 đến nay và không có bất cập gì. Việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề chỉ dành riêng cho người trực tiếp sản xuất nông nghiệp, vì khi mất đất họ không còn tư liệu sản xuất để tạo nguồn thu nhập. Việc mở rộng đối tượng như phương án 2, sẽ làm tăng nguồn kinh phí phục vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; làm mất ý nghĩa tốt đẹp của chính sách này đối với người nông dân.

Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường


Ý kiến bạn đọc