Nhà báo Lê Xuân Trung phát biểu tại diễn đàn sáng 2/4 |
Theo Nhà báo Lê Xuân Trung, báo chí không chỉ đưa tin về các sự kiện Chuyển đổi Xanh của các doanh nghiệp, nhà máy mà Báo chí còn phải đồng hành, theo dõi, thúc đẩy và giám sát quá trình thực hiện các nhà máy có tính biểu tượng “chuyển đổi xanh” để làm sao càng nhiều nhà máy chuyển đổi xanh được thực hiện ở Việt Nam, đồng nghĩa với việc Việt Nam càng thể hiện mạnh mẽ quyết tâm thực hiện cam kết COP26 và lộ trình hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại COP26 càng gần lại nhằm góp phần thực hiện mục tiêu lâu dài, đó là: Phát triển xanh của đất nước và đóng góp trách nhiệm cứu lấy hành tinh của chúng ta.
Diễn giải thêm về mối quan hệ Chuyển đổi xanh thường đi đôi với khái niệm Chuyển đổi số, Nhà báo Xuân Trung cho biết: Nếu Chuyển đổi số được hiểu là chúng ta di chuyển hoạt động lên môi trường số để phát huy tối đa thế mạnh của công nghệ vào đời sống thực của chúng ta… thì Chuyển đổi xanh sẽ được hình dung bằng việc chúng ta thay đổi hoạt động và lối sống theo hướng thuận thiên (thuận tự nhiên) để cải thiện chất lượng môi trường sống thực của chúng ta.
Theo Nhà báo Xuân Trung: Môi trường thực và môi trường số được cấu thành bởi các nhóm yếu tố: Môi trường tự nhiên (là những gì có sẵn trong thiên nhiên: núi rừng, sông biển, đất đai, chim thú…); Môi trường nhân tạo (là những gì do con người tạo ra: nhà cửa, cầu đường, bến cảng, xe cộ…); Môi trường số (là những gì kết nối con người với không gian mạng: Internet, cáp quang, máy tính, điện thoại, thế giới ảo…); Môi trường xã hội (là những gì gắn kết con người với nhau: cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư…).
Vì vậy, sự kết hợp giữa môi trường thực và môi trường số được hiểu thông qua quy trình: Môi trường thực (bao gồm Môi trường tự nhiên, nhân tạo và xã hội) sẽ được thông qua quá trình Chuyển đổi số (bằng cách Số hóa dữ liệu tạo ra phiên bản số của dữ liệu thực và Kết nối dữ liệu số với nhau) để tạo thành Môi trường thực - số (là Môi trường kép từ sự kết nối giữa phiên bản thực và phiên bản số trên thế giới số).
Xuất phát từ bản chất của môi trường thực, môi trường số và bản chất của Chuyển đổi số gắn với Chuyển đổi Xanh, Nhà báo Xuân Trung cho rằng, Báo chí đóng vai trò vào Chuyển đổi Xanh cần phải đồng thời thực hiện được 3 mục tiêu: Chuyển đổi xanh; chuyển đổi số và chuyển đổi tư duy. Trong đó, Nhà báo cần chuyển đổi tư duy theo hướng thúc đẩy, giám sát chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhanh và hiệu quả hơn.
“Chuyển đổi tư duy là công cuộc tìm kiếm, phát hiện, theo đuổi, giám sát các đề tài về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để thúc đẩy các quá trình này diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn vì cộng đồng và lợi ích chung của số đông công chúng mà trường hợp báo Tuổi Trẻ tham dự vào quá trình đưa Nhà máy Lego sớm được khởi công tại Việt Nam là một ví dụ. Bên cạnh đó, chuyển đổi tư duy cũng là nội dung mà chúng tôi đã đề xuất và theo đuổi cũng từ diễn đài này lần thứ VI diễn ra tại Bình Thuận năm 2022. Vì vậy, tôi cho rằng báo chí sẽ tiếp tục cần tích cực tìm kiếm các mô hình tái chế, tái sử dụng để nhân rộng và lan tỏa tính tính cực của các mô hình này trong xã hội” – Nhà báo Xuân Trung nhấn mạnh.
Nhà báo Lê Xuân Trung nhấn mạnh vai trò của Nhà báo trong phát triển xanh |
Đồng thời, ông cũng đưa ra một số nhóm hoạt động, hành động cụ thể để gợi ý cho báo chí trong việc cụ thể hóa chuyển đổi tư duy như: Tổ chức sự kiện, diễn đàn, cuộc thi, chiến dịch truyền thông rộng rãi về chuyển đổi xanh; Tham gia Câu lạc bộ báo chí phát triển xanh để cùng hợp sức thực hiện các chương trình có ý nghĩa, phục vụ lợi ích cộng đồng và giải quyết những vấn đề cần có tiếng nói chung để phát huy thế mạnh của báo chí; Cùng trao đổi, tìm hiểu kiến thức, kỹ năng chuyên ngành về kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn...
Cùng tập huấn, chia sẻ kỹ năng, kinh nghiệm tổ chức, thực hiện các tuyến nội dung về chuyển đổi xanh đáp ứng với nhu cầu độc giả của từng cơ quan báo chí; Tổ chức các chuyến đi thực tế để hiểu rõ hơn những mô hình, dự án thành công - thất bại về chuyển đổi xanh, phát triển xanh...
Theo Báo TNMT
Ý kiến bạn đọc