Tiêu điểm pháp luật

Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường: Nhiều điểm quan trọng mang tính đột phá

11:23, 11/11/2020

Dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi) có rất nhiều điểm mới được các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và người dân đánh giá cao.

 

Sẽ công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường

Sau nhiều lần tiếp thu, chính lý, hoàn thiện Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 gồm: 16 chương, 174 điều. Dự thảo Luật lần này đã thiết kế một khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về BVMT có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế -xã hội; cải cách mạnh mẽ, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính. Dự thảo Luật có rất nhiều điểm mới được các đại biểu Quốc hội cũng như người dân đánh giá cao.
 

1 106
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh  Ảnh: Duy Thông

So với Luật BVMT 2014, Dự thảo Luật được bố cục lại, đưa các quy định về bảo vệ các thành phần môi trường lên đầu, thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách BVMT khác. Bên cạnh đó, đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của Dự án, từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.

Ngay sau khi lắng nghe ý kiến phân tích của các nhà khoa học, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã yêu cầu tổ soạn thảo tiếp thu, quy định theo hướng doanh nghiệp và cơ quan nhà nước tổ chức thẩm định phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM).

Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, đây là lần đầu tiên quy định việc công khai quyết định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo ĐTM, dành một điều quy định công khai thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.

Việc công bố, công khai quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của cơ quan thẩm định, công khai báo cáo ĐTM sau khi được phê duyệt kết quả thẩm định của chủ dự án, công khai hồ sơ đề nghị cấp giấy phép môi trường để lấy ý kiến của các bên liên quan cũng đã được quy định cụ thể trong dự thảo luật.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn TP.Hà Nội) nhận định, dự thảo Luật đã đề xuất phương án áp dụng đồng bộ, khoa học tiêu chí Môi trường để sàng lọc, quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư, vừa góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, vừa kiểm soát hiệu quả các rủi ro về môi trường.

Theo đó quy định, chỉ đối tượng có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao (Nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Quy định này nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, gồm: Giảm thủ tục hành chính (TTHC) cho nhiều nhà đầu tư, theo đó các dự án không thuộc Nhóm I sẽ không phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường nhằm tiết kiệm được thời gian và chi phí...

Cùng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Phương (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) đánh giá cao những điểm mới, điểm nổi bật trong Dự thảo Luật bảo vệ môi trường sửa đổi lần này. Đặc biệt, Dự thảo Luật đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Dự thảo cũng tiếp cận những vấn đề về bảo vệ môi trường trong bối cảnh thực tế hiện tại.

Nhiều điểm mới mang tính đột phá

Cho ý kiến về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), GS.TS Đặng Kim Chi (Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam) cho rằng, dự thảo Luật lần này đã có nhiều cập nhật theo hướng hiện đại, đặc biệt có những điểm mới mang tính đột phá.

Nói về phần quản lý chất thải, bà Chi cho rằng đã có những đổi mới và có tính tương đối cách mạng. Chưa bao giờ chúng ta thu phí theo khối lượng xả ra, luật này đưa ra vấn đề thu phí theo khối lượng rác - đây là một cái mới có tính tích cực. Do từ trước đến nay thường không phân loại rác tại nguồn, khi đưa yêu cầu phân loại rác tại nguồn là một bước tiến tích cực, nếu luật có hy vọng sẽ thu lại được những phần rác có thể phân loại tái chế, biến nó thành phân sinh học đóng góp cho nông nghiệp. Đã đến lúc chúng ta không chỉ dùng phân bón hóa học, giảm diện tích dùng cho chôn lấp.

"Các hộ gia đình sẽ phải trả tiền cho việc đổ chất thải, việc này khiến họ phải có ý thức hơn về khối lượng chất thải bỏ ra, lượng chất thải sẽ giảm đi" - bà Chi nói.

Còn theo PGS.TS Bùi Thị An - Viện trưởng Viện Tài nguyên Môi trường và Phát triển cộng đồng, ô nhiễm không khí và môi trường nước mặt đang là vấn đề bức xúc tại các lưu vực sông và đô thị lớn của Việt Nam. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ các thành phần môi trường, Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã quy định việc lập và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt, môi trường không khí nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ các thành phần môi trường, quy định về tiêu chí và phân loại khu vực ô nhiễm môi trường đất, quy định nội dung về xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất. "Đồng thời, quy định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí..." - bà An nói.