Ngày 08 tháng 9 năm 2020, Bộ TN&MT đã ban hành Văn bản số 4869/BTNMT-BĐKH ngửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam và gửi Ban thư ký UNFCCC.
Dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam được gửi Ban Thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 9 năm 2015, trước khi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu được thông qua. Tại thời điểm này, INDC của Việt Nam cũng như của các quốc gia khác là các dự kiến đóng góp cho nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Sau khi Thỏa thuận Paris có hiệu lực, dự kiến Đóng góp do quốc gia tự quyết định đã trở thành Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và sẽ được rà soát, cập nhật 5 năm một lần.
Thực hiện quy định quốc tế và nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện rà soát, cập nhật NDC trên cơ sở điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngày 24 tháng 7 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua nội dung NDC cập nhật của Việt Nam cho Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Văn bản số 1982/VPCP-QHQT của Văn phòng Chính phủ (Nội dung và Báo cáo kỹ thuật NDC cập nhật gửi kèm theo). NDC cập nhật đã xác định những đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu do Việt Nam cam kết, phù hợp hơn với hiện trạng, dự báo phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đến 2030; bảo đảm phù hợp với các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược phòng chống thiên tai, cụ thể như sau:
Đóng góp về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính
Bằng nguồn lực trong nước, đến năm 2030 Việt Nam sẽ giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua hợp tác song phương, đa phương và thực hiện các cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris. Các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính giai đoạn 2021 - 2030 được xác định cho các lĩnh vực như sau:
Lĩnh vực năng lượng: thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất và sử dụng năng lượng trong các phân ngành công nghiệp năng lượng; sản xuất công nghiệp và xây dựng; giao thông vận tải; gia dụng, nông nghiệp và dịch vụ thương mại.
Lĩnh vực nông nghiệp: thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua ứng dụng các giải pháp quản lý, công nghệ trong trồng trọt, chăn nuôi; cải thiện khẩu phần ăn cho vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng; thay đổi phương thức sử dụng đất; công nghệ xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải trong sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi; phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Lĩnh vực sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp: thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải và hấp thụ khí nhà kính trong quản lý đất rừng, đất trồng trọt, đất đồng cỏ, đất ngập nước và các loại đất khác và phát triển các mô hình nông lâm kết hợp để nâng cao trữ lượng các-bon, bảo tồn đất.
Lĩnh vực quản lý chất thải: thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thông qua quản lý, phát triển và áp dụng công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải rắn đặc thù nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính.
Lĩnh vực các quá trình công nghiệp: thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp hoá chất và quản lý việc tiêu thụ các chất HFCs.
Đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu
NDC cập nhật đã xác định các nhiệm vụ chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm: nâng cao hiệu quả thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc tăng cường quản lý nhà nước và nguồn lực; tăng cường khả năng chống chịu và nâng cao năng lực thích ứng của cộng đồng, các thành phần kinh tế và hệ sinh thái; giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, sẵn sàng ứng phó với thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do biến đổi khí hậu. Các giải pháp thích ứng nhằm giảm thiểu thiệt hại do các tác động liên quan đến những thay đổi của khí hậu trong tương lai được xác định cụ thể cho từng lĩnh vực và cho từng khu vực.
NDC cập nhật đã bổ sung nội dung về “Hài hòa và đồng lợi ích”, phân tích tính hài hòa và đồng lợi ích giữa giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế - xã hội gắn với các mục tiêu phát triển bền vững, nhằm hỗ trợ xác định các hành động nhằm tối ưu hoá chi phí và lợi ích đối với việc thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu tại các ngành và địa phương.
Triển khai và giám sát thực hiện NDC cập nhật
Việc thực hiện NDC cập nhật của Việt Nam là trách nhiệm của nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng. Cơ quan đầu mối giúp Chính phủ là Bộ Tài nguyên và Môi trường; các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy định của pháp luật.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường trân trọng đề nghị các Bộ, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai các hoạt động cụ thể như sau:
a) Tổ chức triển khai thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ được giao; hướng dẫn việc lựa chọn, áp dụng biện pháp công nghệ, quản lý để giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với quy mô, ngành nghề sản xuất tại địa phương và phạm vi quản lý nhằm góp phần đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong NDC cập nhật. Đối với các Bộ, ngành, lĩnh vực có liên quan có thể xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện NDC cập nhật theo chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý.
b) Thực hiện lồng ghép các nội dung NDC cập nhật vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung NDC cập nhật.
c) Tổ chức giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện NDC cập nhật, định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường (qua Cục Biến đổi khí hậu) trước ngày 15 tháng 01 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ: Các nỗ lực giảm nhẹ được đánh giá theo kết quả thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tiềm năng; Các nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu được đánh giá theo quá trình triển khai và kết quả thực hiện thông qua các nhóm chỉ số về khả năng chống chịu của môi trường tự nhiên; đánh giá tính dễ bị tổn thương, giảm nhẹ rủi ro do biến đổi khí hậu; đánh giá hiệu quả các hoạt động thích ứng.
Tải nội dung văn bản tại đây.
Trung tâm Truyền thông TNMT