Tiêu điểm pháp luật

Sửa Luật BVMT: cần giải quyết ngay ô nhiễm môi trường không khí

10:28, 09/06/2020
Ngày 08 tháng 6 năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Tọa đàm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí về một số nội dung sửa đổi của Luật Bảo vệ Môi trường.

Ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường chủ trì Tọa đàm. Tòa đàm có sự góp mặt của Lãnh đạo các Đơn vị phụ trách một số nội dung soạn thảo Luật, các nhà khoa học và phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tọa đàm tập trung cung cấp thông tin vào 02 nội dung chuyên sâu về Quản lý chất lượng môi trường, quy chuẩn, tiêu chuẩn, kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và bảo tồn đa dạng sinh học.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề môi trường nóng, gây bức xúc xã hội, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Với quan điểm phải đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân, dự thảo Luật BVMT sửa đổi hướng đến việc giải quyết ngay những vấn đề đặt ra từ thực tiễn, bảo vệ các thành phần môi trường, trong đó, có chất lượng không khí.
            
Trong khi Luật BVMT 2014 chỉ có quy định chung chung về bảo vệ môi trường không khí, quản lý chất lượng môi trường không khí xung quanh và kiểm soát nguồn điểm phát thải khí thải thì tại dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã đưa vào các quy định mới để giải quyết các nguồn điểm, nguồn diện phát sinh khí thải cần được quản lý, xử lý thông qua việc quy định từng địa phương phải xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí, phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này.
2
Ông Lê Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) phát biểu tại Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm ông Lê Hoài Nam – Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, việc quy định trách nhiệm thực hiện các biện pháp khẩn cấp trong trường hợp ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên vùng, liên tỉnh là Thủ tướng Chính phủ và nội tỉnh là UBND cấp tỉnh là hoàn toàn hợp lý, bởi lẽ, trường hợp xảy ra trong nội tỉnh thì UBND đủ thẩm quyền để ra lệnh, điều động các nguồn lực (nhân lực, vật lực ....) tại chỗ của tỉnh để ứng phó, xử lý một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. Riêng đối với trường hợp ô nhiễm không khí liên vùng, liên tỉnh thì phải có sự chỉ đạo đồng bộ từ Thủ tướng Chính phủ tới các Bộ, ngành, UBND các tỉnh chịu ảnh hưởng để huy động nguồn lực từ Trung ương, các địa phương ứng phó, xử lý.
 
3
PGS. TS Nghiêm Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) phát biểu

Góp ý cho nội dung này, PGS. TS Nghiêm Trung Dũng - nguyên Viện trưởng Khoa học và Công nghệ Môi trường (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cho rằng, nếu xảy ra tình huống khẩn cấp về ô nhiễm không khí, có 2 trường hợp. Một là, khi xảy ra sự cố môi trường; hai là kết hợp các nguồn thải và các hình thái khí tượng cực đoan. Từ đó, có 2 nhóm biện pháp được đưa ra. Nhóm 1 là bảo vệ người dân (như di dời người dân, cảnh báo người dân không nên ra đường, cho học sinh nghỉ học..); nhóm 2 là kiểm soát nguồn thải gây ra sự cố ô nhiễm (như tìm cách khu biệt các nguồn thải, có những biện pháp giảm thiểu như giảm công suất, giảm cộng tính của nguồn gây ô nhiễm).

Một số hình ảnh tại Tọa đàm:
 
3d4577ccc2b33fed66a2
GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh phát biểu về công tác bảo tồn đa dạng sinh học
215991082677db298266
Toàn cảnh Tọa đàm

Trung tâm Truyền thông TN&MT