Nghị định được ban hành nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về đo đạc và bản đồ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, góp phần thực thi có hiệu quả Luật Đo đạc và bản đồ; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 04 năm 2020.
Về sự cần thiết ban hành, thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 173/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ (Nghị định số 173/2013/NĐ-CP). Nghị định này được ban hành dựa trên cơ sở Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn ngày 02 tháng 12 năm 1994 và Nghị định số 12/2002/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về hoạt động đo đạc và bản đồ.
Năm 2015, Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình khí tượng thủy văn được thay thế bởi Luật Khí tượng thủy văn, trên cơ sở đó Nghị định số 173/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 84/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2017 liên quan tới xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khí tượng thuỷ văn (Nghị định số 84/2017/NĐ-CP).
Trong thời gian qua, việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đo đạc và bản đồ theo Nghị định số 173/2013/NĐ-CP đã bộc lộ một số hạn chế như: các hành vi vi phạm hành chính chưa đủ bao quát hết các quy định của pháp luật về đo đạc và bản đồ; một số mức phạt tiền thấp, chưa đảm bảo tính răn đe; các biện pháp khắc phục hậu quả thiếu và chưa cụ thể gây khó khăn trong việc thực hiện; thẩm quyền xử phạt của một số cơ quan có thay đổi (lực lượng Công an nhân dân,...) gây khó khăn cho người có thẩm quyền trong việc thực hiện xử phạt,... Đặc biệt, tháng 6 năm 2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 5 thông qua Luật Đo đạc và bản đồ có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, theo đó các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành , do vậy, về cơ bản các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ tại Nghị định số 173/2013/NĐ-CP và Nghị định số 84/2017/NĐ-CP không còn phù hợp với Luật Đo đạc và bản đồ và các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành.
Để đảm bảo thi hành Luật Đo đạc và bản đồ và các văn bản dưới luật mới ban hành, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, việc xây dựng mới Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trong giai đoạn hiện nay.
Về mục đích ban hành, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về đo đạc và bản đồ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước, kịp thời ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ, góp phần thực thi có hiệu quả Luật Đo đạc và bản đồ; Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về đo đạc và bản đồ, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và hoàn thiện cơ sở pháp lý phục vụ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ.
Về các nội dung chủ yếu của Nghị định 18/2020/NĐ-CP gồm 4 Chương và 26 điều, cụ thể:
Chương I (từ Điều 1 đến Điều 4)
Chương II (từ Điều 5 đến Điều 13)
Chương III (từ Điều 14 đến Điều 23)
Chương IV (từ Điều 24 đến Điều 26)
Chi tiết nội dung Nghị định tải tại đây.Trung tâm Truyền thông TN&MT