Tài nguyên nước

Thống nhất thúc đẩy thực hiện Nghiên cứu chung về biến đổi thủy văn trong lưu vực Mê Công - Lan Thương

23:23, 18/09/2021
Phiên họp lần thứ 52 Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Phiên họp lần thứ 25 Đối tác Đối thoại của Ủy hội sông Mê Công quốc tế vừa được diễn ra theo hình thức trực tuyến trong hai ngày 16 và 17 tháng 9 năm 2021.

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp do bà Nguyễn Thị Thu Linh, Quyền Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Liên hợp của Việt Nam làm Trưởng đoàn. 
 

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Phiên họp do bà Nguyễn Thị Thu Linh (ngồi giữa), Quyền Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam làm Trưởng đoàn
 
Tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Liên hợp các quốc gia thành viên Ủy hội sông Mê Công quốc tế đã thống nhất thúc đẩy thực hiện Nghiên cứu chung giữa Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công - Lan Thương về biến đổi các điều kiện thủy văn trong lưu vực Mê Công - Lan Thương nhằm phân tích đánh giá về diễn biến dòng chảy, các tác động, từ đó đề xuất các giải pháp chiến lược thích ứng. 
 
Trong bối cảnh trong khu vực và quốc tế có nhiều quan ngại về việc các hoạt động phát triển trong lưu vực, đặc biệt là phát triển thủy điện sẽ gây ra rất nhiều tác động bất lợi, đặc biệt là làm thay đổi dòng chảy, dao động mực nước trên sông, làm ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân và môi trường sinh thái thì việc thúc đẩy thực hiện Nghiên cứu chung sẽ góp phần cung cấp những nhận định có tính khoa học, thực tiễn, làm cơ sở cho việc ra quyết định cho công tác sử dụng và quản lý tài nguyên nước trên toàn lưu vực sông Mê Công một cách công bằng và hợp lý. 
 
Phát biểu tại Phiên họp Đối thoại, các đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mê Công quốc tế là Trung Quốc và Mi-an-ma cũng đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên Ủy hội trong Nghiên cứu chung này. Dự kiến Nghiên cứu sẽ bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2022.
 

Phiên họp lần thứ 25 Đối tác Đối thoại của Ủy hội sông Mê Công quốc tế được diễn ra theo hình thức trực tuyến
 
Tại Phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Liên hợp cũng đánh giá cao sự hợp tác của các đối tác đối thoại của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc trong việc chia sẻ thông tin, số liệu thủy văn, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và chuyên gia, tạo lập các cơ chế, diễn đàn để trao đổi về các vấn đề liên quan đến sử dụng và quản lý tài nguyên nước trong lưu vực sông Mê Công - Lan Thương, thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế và Trung tâm Hợp tác Tài nguyên nước Mê Công – Lan Thương. 
 
Phát biểu tại Phiên họp, bà Nguyễn Thị Thu Linh, Quyền Chánh Văn phòng Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Liên hợp của Việt Nam, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam, cho biết: “Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao sự hợp tác chia sẻ thông tin, số liệu của Trung Quốc cho Ủy hội sông Mê Công quốc tế và các quốc gia hạ lưu, đặc biệt là chia sẻ số liệu thủy văn trong cả mùa khô và mùa lũ từ hai trạm thủy văn trên dòng chính sông Mê Công phía Trung Quốc đã giúp Ủy hội có số liệu đầy đủ hơn trong việc phân tích và dự báo tình hình lũ và hạn ở hạ lưu vực Mê Công. Điều này là rất giá trị cho công tác dự báo hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt trong những năm gần đây khi mà tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ngày càng trở nên khốc liệt, nhất là trong bối cảnh gia tăng sử dụng nước và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.
 
Theo số liệu quan trắc của Ủy hội sông Mê Công quốc tế, đến nay lượng dòng chảy mùa lũ khá thấp, có thời điểm mực nước ở các trạm dọc trên dòng chính sông Mê Công xuống thấp hơn mực nước thấp nhất được ghi nhận trong mấy chục năm gần đây. Một trong những nguyên nhân là do lượng mưa trong các tháng 6, 7, 8 đầu mùa lũ thấp hơn trung bình nhiều năm từ 37 – 57%. 
 
Cũng tại Phiên họp, đại diện đối tác Trung Quốc cũng đã chia sẻ thông tin cập nhật về tình hình khí tượng thủy văn khu vực sông Mê Công trên lãnh thổ Trung Quốc (còn gọi là sông Lan Thương). “Cũng như khu vực hạ lưu vực Mê Công, lượng mưa tại Trung Quốc trong những tháng đầu năm nay thấp hơn trung bình nhiều năm, là nguyên nhân dẫn tới dòng chảy thấp trên sông” - Đại diện đối tác Trung Quốc đánh giá. 
 
Tại Phiên họp, các quốc gia thành viên cũng đề nghị Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế tiếp tục theo dõi sát tình hình khí tượng, thủy văn các tháng mùa lũ còn lại của năm 2021 nhằm đưa ra các nhận định về thủy văn, dòng chảy cho mùa khô 2022 để các quốc gia có thể chủ động đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn, đặc biệt là đối với châu thổ sông Mê Công và Đồng bằng sông Cửu Long.
 
Phiên họp của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế được tổ chức định kỳ hai lần một năm nhằm đánh giá các kết quả hoạt động của Ủy hội theo kế hoạch công tác, chỉ đạo Ban Thư ký việc thực hiện tiếp theo, đồng thời thảo luận và đưa ra các kiến nghị lên Hội đồng Ủy hội phê chuẩn liên quan đến chiến lược, chính sách, kế hoạch về sử dụng, quản lý, và phát triển bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan của lưu vực sông Mê Công. Phiên họp Đối thoại với hai quốc gia thượng lưu Trung Quốc và Mi-an-ma được tổ chức định kỳ hàng năm nhằm trao đổi, thúc đẩy các hoạt động hợp tác giữa hai nước đối thoại với các quốc gia thành viên Ủy hội, tập trung vào các hoạt động chia sẻ thông tin số liệu, kinh nghiệm quản lý, thực hiện các nghiên cứu chung và các hoạt động tăng cường năng lực. 
 
Theo dự kiến, Phiên họp tiếp theo của Ủy ban Liên hợp Ủy hội sông Mê Công quốc tế sẽ được tổ chức vào tháng 4 và Phiên họp Đối thoại tiếp theo sẽ được tổ chức vào tháng 9 năm 2022.

Theo DWRM