Bộ trưởng Trần Hồng Hà hoan nghênh Cục Quản lý tài nguyên nước và các đơn vị có liên quan đã có sự phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch tài nguyên nước quốc gia. Đây là nhiệm vụ quan trọng để tạo dựng vị thế của Bộ TN&MT đối với sứ mệnh quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên quan trọng này của đất nước.
Với tầm quan trọng đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Quy hoạch phải thể hiện rõ tầm chiến lược lâu dài là cơ sở quan trọng cho các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương dựa trên cung ứng về chỉ tiêu số lượng, chất lượng tài nguyên nước mỗi khu vực.
|
Quang cảnh buổi họp trực tuyến |
Đồng thời, công tác xây dựng quy hoạch tài nguyên nước phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm tính liên kết tổng thể trên phạm vi từng vùng, từng lưu vực sông; phải liên kết với các ngành sử dụng nước khác nhau để phát triển bền vững, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị, trên cơ sở các ý kiến, Cục Quản lý tài nguyên nước tổng hợp dữ liệu của các đơn vị liên quan, thiết lập hệ thống đầu vào để xây dựng hiệu quả các quy hoạch. Đồng thời, Thứ trưởng cũng lưu ý đến các vấn đề trong xây dựng quy hoạch tài nguyên nước như: quan hệ giữa quy hoạch tài nguyên nước với các quy hoạch khác để thống nhất, hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các đối tượng; phân vùng quy hoạch bảo đảm quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực; thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
Sông Hồng - đoạn chảy qua TP. Hà Nội |
Trước đó, báo cáo với Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Lê Công Thành, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước cho biết, theo Quyết định số 1977/QĐ-BTNMT, lĩnh vực tài nguyên nước từ nay đến năm 2025 sẽ triển khai thực hiện lập 15 quy hoạch, giao cho 3 đơn vị thực hiện.
Trong đó, Cục Quản lý tài nguyên nước triển khai thực hiện lập 5 quy hoạch: Quy hoạch tài nguyên nước (quốc gia); Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước. Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông gồm: LVS Ba, Vu Gia - Thu Bồn và LVS Đồng Nai. Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia thực hiện lập 08 quy hoạch tổng hợp LVS gồm: Bằng Giang - Kỳ Cùng; Srêpôk; Sê San; Hồng - Thái Bình; Cửu Long; sông Mã; sông Cả; Kôn - Hà Thanh. Viện Khoa học tài nguyên nước triển khai thực hiện lập 2 quy hoạch tổng hợp LVS gồm: LVS Hương; Trà Khúc.
Riêng về lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1748/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán dự án “Lập quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tại Quyết định số 1234/QĐ-BTNMT.
Thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan và đặc biệt là Tổ chức cộng tác vì nước của Ôt-xtrây-li-a để thực hiện các nội dung cụ thể như sau: Đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước: đang thực hiện đánh giá hiện trạng khai thác, sử dụng nước theo 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, theo 13 lưu vực sông lớn và các lưu vực sông ven biển. Đánh giá hiện trạng và diễn biễn tài nguyên nước theo kỳ quy hoạch, hiện tại, Cục đã phối hợp với các đơn vị hoàn thành việc đánh giá hiện trạng tài nguyên nước trên theo 13 lưu vực sông lớn và các lưu vực sông ven biển.
Ngoài ra, Cục đang xây dựng mô hình dự báo tài nguyên nước theo kịch bản biến đổi khí hậu (theo dự thảo kịch bản biến đổi khí hậu do Viện Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu cung cấp) trên các lưu vực sông. Đánh giá nhu cầu sử dụng nước: trên cơ sở báo cáo của các địa phương, quy hoạch của các ngành, các địa phương, Cục đang phối hợp với các đơn vị dự báo nhu cầu sử dụng nước của các ngành trên các lưu vực sông.
Cùng với đó, Cục đã ký hợp đồng với Trung Tâm tư vấn, đào tạo và Dịch vụ tài nguyên và môi trường thuộc Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trưởng và đang triển khai các nội dung đánh giá môi trường song song với triển khai lập Quy hoạch; xác định các vấn đề về tài nguyên nước và các định hướng phát triển KT - XH trong các kỳ quy hoạch trên các lưu vực sông trên toàn quốc. Xác định quan điểm, mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Định hướng điều hòa, phân phối, khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra trên các lưu vực song toàn quốc; xác định yêu cầu chuyển nước giữa các lưu vực sông; xác định các công trình điều tiết, khai thác, sử dụng nguồn nước quy mô lớn; xác định thứ tự ưu tiên lập quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước trên các lưu vực sông.
Đối với Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước, ngày 18/2/2021, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Tờ trình số 08/TTr-BTNMT. Hiện, đang chờ ý kiến phản hồi của Văn phòng Chính phủ để hoàn thiện.
Liên quan đến lập các Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh đối với 6 lưu vực sông, hiện nay, đơn vị đang triển khai thực hiện lập quy hoạch cho 6 lưu vực sông, trong đó có 3 quy hoạch phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2021 (Bằng Giang - Kỳ Cùng, Sê San và Srêpôk) và 3 quy hoạch dự kiến trình trong năm 2022 (Hồng - Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai).
Cuối cùng, xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp Lưu vực sông đối với 7 lưu vực sông còn lại, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Lê Công Thành trong năm 2020, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Cục Quản lý tài nguyên nước, Viện Khoa học tài nguyên nước được giao xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch đã hoàn thiện hồ trình Bộ xem xét phê duyệt
Nguồn Báo TNMT