Mỗi năm Liên hợp quốc chọn một chủ đề hưởng ứng Ngày Nước thế giới nhằm truyền tải thông điệp về ý nghĩa của nước, giải pháp tập trung giải quyết các vấn đề nóng liên quan đến tài nguyên nước mang tính toàn cầu.
Ngày Nước thế giới năm 2021 có chủ đề là “Giá trị của nước”, nhằm nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng của tài nguyên nước; giá trị của nước về mặt kinh tế, văn hóa và xã hội; giải pháp hiệu quả để bảo vệ nguồn nước trước các áp lực do gia tăng dân số, phát triển công nghiệp, nông nghiệp và biến đổi khí hậu.
Về tài nguyên nước mặt, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước mặt khá phong phú cả về lượng mưa lẫn nguồn nước mặt trong các hệ thống sông, hồ. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940-1.960mm (tương đương tổng lượng nước khoảng 640 tỷ m3/năm), thuộc số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới.
Hiện nay Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hứng chịu thảm họa thiên tai lớn nhất ở Đông Á, Thái Bình Dương và rủi ro thiên tai đang gia tăng. Việc bảo đảm nguồn nước, cấp nước an toàn đang gặp nhiều thách thức lớn, cụ thể là: Nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài; Nguồn nước phân bố không đều theo không gian và thời gian; Tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến tài nguyên nước; Biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến tài nguyên nước của Việt Nam;…
Phát biểu tại Diễn đàn Quốc hội vào ngày 15/6/2020, đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Thị Xuân (đoàn Đắk Lắk) cho rằng: vấn đề an ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng nhất trong an ninh môi trường. An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia, quyền quyết định đến an ninh lương thực. Theo bà Xuân, các quốc gia trên thế giới luôn coi trọng việc bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không kém an ninh quốc gia và đều có những phương án ứng phó khẩn cấp khi nguồn nước gặp sự cố.
Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường hiện nay, vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, gay gắt, mang tính chiến lược và mang tính toàn cầu hơn lúc nào hết. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước. Đặc biệt biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường.
Hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa rừng ngày càng bị tàn phá, thu hẹp, sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng tăng nhanh, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý ô nhiễm chưa được coi trọng.
Có thể thấy rằng, tài nguyên nước ở nước ta là hữu hạn và đang đối mặt rất nhiều thách thức lớn và có nguy cơ đe dọa đến an ninh nguồn nước mà hệ quả của nó là đe dọa đến đời sống dân sinh, ổn định kinh tế - xã hội. Điều quan trọng nhất hiện nay là làm sao để thay đổi nhận thức của cộng đồng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân trong bảo vệ, chia sẻ nguồn nước và sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nước. Để đạt được điều này thì công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn có vai trò rất quan trọng. Đây chính là giải pháp hữu hiệu và nhanh nhất để thông tin đến cộng đồng dân cư nhằm nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân, toàn xã hội về giá trị và vai trò của tài nguyên nước. Từ đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cộng đồng dân cư để sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước, chống suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước; đặc biệt là tăng cường khả năng chủ động, thích ứng của người dân trong điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trước những diễn biến khó lường của thiên tai như hiện nay.
Để hưởng ứng Ngày Nước thế giới, hàng năm Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới trên phạm vi toàn quốc qua đó tạo được phong trào hưởng ứng sôi nổi tại các địa phương trên cả nước.
Năm 2021, Bên cạnh công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 thì việc tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày nước thế giới sẽ được thực hiện theo hướng đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, trên mạng xã hội đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, có sức lan tỏa cao. Trong đó Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Công văn số 1046/BTNMT-TĐKTTT ngày 08 tháng 3 năm 2021 hướng dẫn và đề nghị các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức các hoạt động hưởng ứng..
Ngày Nước Thế giới là ngày quốc tế tôn vinh tài nguyên nước, đặc biệt là tài nguyên nước ngọt. Ngày Nước thế giới đầu tiên được khởi xướng tại Hội nghị Liên hiệp quốc về Môi trường và Phát triển (UNCED) năm 1992 tại Rio, Brazil. Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã lấy 22/3/1993 là ngày Nước thế giới đầu tiên. Và từ đó, ngày Nước thế giới được kỷ niệm hàng năm trên toàn cầu.
Thực hiện: Trung tâm truyền thông tài nguyên và môi trường.