Tài nguyên nước

LŨ MÊ CÔNG XUẤT HIỆN ĐỈNH LŨ MUỘN

10:35, 04/11/2020
Trong Bản tin về diễn biến tài nguyên nước tới Đồng bằng sông Cửu Long đầu tháng 11/2020, Văn phòng Thường trực Ủy bn sông Mê Công Việt Nam đã đánh giá lại diễn biến tài nguyên nước nửa cuối tháng 10/2020 và đi đến kết luận nêu trên. Tại trạm Kra-chê (Campuchia) là cửa ngõ của Châu thổ Mê Công, bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và đồng bằng ngập lũ của Campuchia, mực nước đã tăng nhanh chóng vượt mức trung bình nhiều năm (TBNN) và đạt đỉnh 18,8 m vào ngày 21/10/2020. Mực nước này cao hơn cùng kỳ năm 2019 khoảng 10 m, cao hơn mực nước TBNN khoảng 6m nhưng vẫn thấp hơn mức báo động lũ cấp 1 khoảng 3 m. “Đây là đỉnh lũ Mê Công năm 2020 tại trạm Kra-chê sau một thời gian duy trì mực nước ở mức rất thấp và không có đỉnh rõ rệt. Và đỉnh lũ này chậm hơn một tháng so với diễn biễn lũ bình thường hàng năm” - Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban cho biết.
Mực nước ở Kara-chê tăng chủ yếu do ảnh hưởng các các đợt bão liên tiếp từ số 6 đến số 9 gây ra. Sau đó, mực nước đã giảm dần nhưng đã tăng lại do ảnh hưởng của cơn bão số 9 mới đây gây mưa lớn ở vùng Trung-Nam Lào và một phần của vùng Đông bắc Thái Lan. Lượng mưa các vùng này cao hơn giá trị TBNN lần lượt là 27% và 18%, trong khi các vùng khác lượng mưa vẫn thấp hơn so với TBNN, và Châu thổ Mê Công ở mức tương đương TBNN so với TBNN. Đối với toàn vùng Hạ lưu vực sông Mê Công, tổng lượng mưa nửa cuối tháng 10/2020 chỉ đạt mức xấp xỉ TBNN.
 
Các cơn bão nêu trên đã gây mưa lớn trên lưu vực các sông nhánh Mê Công là Sê-bang-hiêng, Sê-bang-phai của Lào và sông Mun của Thái Lan. Tổng lượng dòng chảy tại Kra-chê nửa cuối tháng 10/2020 tăng mạnh, đạt khoảng 37 tỷ m3, lớn gần gấp đôi so với TBNN và khoảng 5 lần so với cùng kỳ năm 2019.  
 
Mặc dù ghi nhận được một tổng lượng nước lớn ở Kra-chê, nhưng diễn biến dòng chảy ở cửa ngõ vào Đồng bằng sông Mê Công của Việt Nam tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc vẫn ở mức TBNN. Mực nước lớn nhất nửa cuối tháng 10/2020 tại trạm Tân Châu đạt giá trị xấp xỉ TBNN là 2,88 m ngày 22/10 nhưng vẫn thấp hơn mức báo động lũ cấp 1 khoảng 0,8 m. Tổng lượng nước qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc hầu như không tăng và duy trì ở mức TBNN.

 Hiện tượng này cho thấy ảnh hưởng của các cơn bão từ số 6 đến số 9 tới vùng Đồng bằng sông Cửu Long là không lớn do lượng nước lũ từ Kra-chê đã chảy vào Biển hồ và chứa trong vùng ngập lũ của Campuchia. 
 
Bản tin cũng dự báo dòng chảy tháng 11/2020 qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc tới Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa đầu tháng 11/2020 sẽ duy trì khá ổn định và cao hơn 10% so với TBNN. Tương tự, mực nước lớn nhất tại trạm Tân Châu sẽ cao hơn TBNN khoảng 0,3 m nhưng vẫn thấp hơn mức báo động cấp I khoảng 0,8 m.