Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhiều khả năng cao hơn và gay gắt hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (TBNN). Bên cạnh đó, đỉnh lũ năm 2020 trên sông Cửu Long ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt lớn so với TBNN, dẫn đến khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2020.
Ðể đảm bảo nguồn nước phục vụ cho các tháng mùa khô sắp tới đây, Tổng cục Thủy lợi khuyến cáo các địa phương theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, nguồn nước và các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn và ngành chức năng ở Trung ương để chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp và hiệu quả nhất.
Chính quyền các cấp cần xây dựng kế hoạch cụ thể để phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong cả mùa khô; vận động người dân chủ động có biện pháp phòng, chống phù hợp
Về nguồn nước, cần rà soát, kiểm kê nguồn nước, bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp để hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn. Tăng cường nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn, đào ao trữ nước, lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, thực hiện ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm… khi hạn hán xảy ra.
Tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình nguồn nước, xâm nhập mặn đến người dân để nâng cao ý thức và hành động của người dân trong việc tích trữ, sử dụng nước tưới tiết kiệm và hiệu quả, cũng như phối hợp với ngành chức năng để quản lý, vận hành, khai thác tốt các công trình thủy lợi.