Hội nghị nhằm làm rõ thực trạng an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay và trong 20-30 năm tới; những giải pháp quản lý, ứng phó và kiểm soát an ninh nguồn nước. Đồng thời, làm rõ hiện trạng quản lý an toàn các công trình hồ, đập hiện nay, những khó khăn, bất cập và giải pháp khắc phục để đảm bảo tuyệt đối an toàn công trình và hiệu quả đầu tư trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước.
8 thách thức lớn với an ninh nguồn nước
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, Việt Nam đã đạt được các thành tựu phát triển kinh tế-xã hội vượt bậc, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Cùng với kết quả đạt được, nước ta đang đứng trước các thách thức đặt ra với quản lý và an ninh nguồn nước. Trước hết là tình trạng mất cân đối nước cho sản xuất, sinh hoạt diễn ra khá thường xuyên theo không gian và thời gian.
|
Bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập |
Trong khi đó, tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đang đe dọa nguồn nước ngọt của các sông và hạn chế diện tích canh tác; việc quản trị nước còn một số hạn chế, sự điều tiết, điều hoà hiệu quả nguồn nước từ nơi thừa sang nơi thiếu hay việc tích trữ nước vào mùa mưa đề phòng hạn hán còn là vấn đề lớn cần giải quyết.
“Vấn đề ô nhiễm nguồn nước từ các hoạt động hoạt sản xuất, sinh hoạt do áp lực từ phát triển kinh tế nên gia tăng lượng xả thải vào các sông, suối ảnh hưởng đến việc cấp nước sinh hoạt và sản xuất cho người dân”, ông Dũng chỉ rõ.
Bên cạnh đó, nguồn nước phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế; tình trạng khai thác quá mức trên các dòng chính ở thượng nguồn từ nước ngoài làm ảnh hưởng tới lượng và chất lượng nước chảy vào nước ta.
Mặt khác, khả năng tiếp cận nguồn nước sạch an toàn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân, đặc biệt với địa bàn có điều kiện địa lý, điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Vấn đề mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng như: mâu thuẫn trong chuyển nước từ sông Vu Gia sang sông Thu Bồn cũng làm giảm lượng chảy về hạ lưu của sông Vu Gia…
Theo Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng, tình trạng suy giảm rừng đầu nguồn cũng ảnh hưởng đến khả năng giữ nước của các lưu vực sông…; hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thuỷ lợi chưa đáp ứng yêu cầu.
“Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn…”, ông Dũng nêu.
Trong bối cảnh đó, ông Dũng nhấn mạnh, an ninh nguồn nước là vấn đề của toàn thế giới, được nhiều quốc gia quan tâm, nỗ lực giải quyết với 4 trọng tâm chính là: đảm bảo các hệ sinh thái nước ngọt, hệ sinh thái biển và các hệ sinh thái liên quan được bảo vệ và củng cố; bảo đảm phát triển bền vững và ổn định chính trị; mọi người dân đều được tiếp cận đầy đủ nguồn nước sạch với chi phí hợp lý; các đối tượng dễ bị tổn thương sẽ được bảo vệ trước rủi ro từ những thảm họa liên quan đến nước.
Cấp thiết bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập
Ở Việt Nam, để đảm bảo an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thuỷ lợi, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khí tượng thuỷ văn, Luật phòng chống thiên tai…
Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng cho rằng, thực tế hiện nay đang đòi hỏi cần có giải pháp quản lý, sử dụng nước một cách tổng thể để bảo đảm phát triển bền vững; giải quyết các vấn đề về tích trữ nước, điều chuyển nước từ nơi thừa sang nơi thiếu, sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả; giải quyết tốt mối quan hệ quốc tế với các quốc gia thượng nguồn.
Theo thống kê, hiện có gần 7000 đập, hồ thuỷ lợi, thuỷ điện đã được xây dựng và vận hành. Tuy nhiên hiện nay các hồ, đập này đã lạc hậu; trong đó có tới hơn 1000 hồ, đập hư hỏng, xuống cấp; 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay, nguy cơ mất an toàn là rất lớn.
“Đây đang là một thách thức lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị trong quá trình phát triển, vừa phải bảo đảm cho khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế - xã hội; vừa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống người dân”, ông Dũng đánh giá.
Trước tình hình đó, vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập đang đặt ra cấp thiết, cần phải thay đổi tư duy trong quản lý và sử dụng nguồn nước một cách an toàn, hiệu quả là nội dung rất quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cả hiện tại và tương lai.