Tài nguyên nước

Lý giải nguyên nhân về đợt hạn mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô năm 2019 - 2020

08:42, 24/07/2020
Do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, nên trong mùa khô năm 2019-2020 khu vực Hạ lưu vực sông Mê Công (gồm lãnh thổ của Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam) có rất ít mưa, với tổng lượng mưa mùa khô giảm khoảng 30% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm trong đó khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam giảm tới 65%. Vì vậy, dòng chảy trên dòng chính mùa khô bị sụt giảm mạnh.

 

Mực nước các trạm thượng nguồn giảm mạnh

Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cho biết: Số liệu quan trắc mực nước các trạm thượng nguồn đều bị giảm mạnh, từ 0,5m đến 1,3m so với trung bình nhiều năm. Mực nước trung bình tháng mùa khô 2019-2020 tại trạm Tân Châu cũng bị giảm tới 0,5m. 

1

Mưa ít tại Hạ lưu sông Mê Công là nguyên nhân chính dẫn tới hạn mặn lịch sử tại ĐBSCL mùa khô 2019 - 2020

Lưu lượng trung bình các tháng tại các trạm trên dòng chính ở thượng nguồn cũng bị giảm từ 400 đến 2.300m3/s do lượng đóng góp từ dòng nhánh vùng trung lưu giảm do mưa ít và sử dụng nước gia tăng. Lưu lượng trung bình tháng mùa khô 2019-2020 tại hai trạm Tân Châu và Châu Đốc cũng bị giảm tới 3.300m3/s so với trung bình nhiều năm. Tương ứng, tổng lượng dòng chảy mùa khô vào Đồng bằng sông Cửu Long qua hai trạm Tân Châu và Châu Đốc giảm khoảng 37%.

Để đánh giá ảnh hưởng của thượng nguồn đến tình hình hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã xem xét một số yếu tố ảnh hưởng chính ở thượng nguồn.  

Về lượng mưa, do ảnh hưởng của El Ninô tổng lượng nước mưa mùa khô sụt giảm khoảng 21 tỷ m3 nước đóng góp cho hệ thống sông Mê Công khu vực Hạ lưu vực sông Mê Công so với trung bình nhiều năm, thậm chí thấp hơn mùa khô năm 2015-2016. 
“Đối với dòng chảy từ Trung Quốc, trong mùa lũ 2019, do lượng mưa của lưu vực sông Lan Thương cũng sụt giảm mực nước tại các hồ chứa của Trung Quốc ở Vân Nam vẫn tiếp tục tích nước trong giai đoạn đầu mùa khô. Từ số liệu quan trắc tại trạm Chiềng Sẻn cho thấy trong toàn bộ mùa khô, lưu lượng trung bình ngày được duy trì ở mức khoảng 1.000m3/s, thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm và thậm chí thấp hơn cả mùa khô 2015-2016. Do đó, tổng lượng dòng chảy mùa khô 2019-2020 tại trạm Chiềng Sẻn giảm 9 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm.” – Ủy ban sông Mê Công nhận định.

Về chế độ sử dụng nước, do mưa ít nên nhu cầu sử dụng nước của các quốc gia thượng nguồn tăng mạnh. Theo ước tính sơ bộ, tổng lượng nước sử dụng gia tăng thêm trong mùa khô 2019-2020 ở các quốc gia thượng nguồn tăng khoảng 3,6 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm, trong đó mức sử dụng nước của Thái Lan là cao nhất.
Theo Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, việc vận hành công trình, hiện nay ở hạ lưu vực sông Mê Công mới chỉ có hai công trình Xay-nha-bu-ly và Đôn Sa-hông đang vận hành. Do ở xa Việt Nam và phần lớn chạy theo chế độ đập dâng nên tác động đến dòng chảy mùa khô khu vực ĐBSCL của Việt Nam là không đáng kể.

Đối với các công trình trên dòng nhánh, với tổng dung tích hữu ích lớn và vừa trải qua một mùa lũ 2019 nhỏ và mưa ít trong mùa khô 2019-2020 nên các công trình này đã tập trung tích nước, vận hành phát điện cầm chừng nên lượng nước xả khá hạn chế. Ngoài ra, hầu hết các dòng nhánh hầu như đều hạn chế xả nước ra dòng chính bằng giải pháp công trình nhằm phục vụ chống hạn hạn, thiếu nước trong suốt mùa khô.  

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng cho rằng, việc điều tiết Biển Hồ, do trải qua một mùa lũ năm 2019 rất thấp, nên tổng lượng nước được tích vào Biển Hồ xuống thấp kỷ lục và vì vậy, dòng chảy ra từ Biển Hồ vào dòng chính Mê Công trong mùa khô 2019-2020 cũng bị suy giảm nghiêm trọng, ước tính giảm khoảng 1.5 tỷ m3 so với trung bình nhiều năm.

Mưa ít tại Hạ lưu sông Mê Công tác động lớn đến đợt hạn mặn lịch sử

Từ các phân tích và ước tính nêu trên, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã công bố báo cáo trong đó nêu rõ giữa các yếu tố kể trên. Theo đó, nguyên nhân do mưa ít trên phần Hạ lưu vực sông Mê Công là nguyên nhân chính (mức độ ảnh hưởng khoảng 63%). Yếu tố này cũng đã kéo theo nhiều hệ lụy ảnh hưởng đến các yếu tố khác làm cho tình hình hạn hán ở hạ du trầm trọng thêm như làm gia tăng sử dụng nước, gia tăng tích nước trong các hồ chứa…

Do mưa ít nên các quốc gia ven sông đều gia tăng mức độ sử dụng nước, chủ yếu trên các tiểu lưu vực và dòng nhánh. Hiện tượng này làm trầm trọng thêm tình hình hạn hán, thiếu nước ở hạ du. Nguồn nước chảy ra từ Biển Hồ vào mùa khô thường không lớn (chủ yếu chảy ra vào cuối mùa lũ) nên sụt giảm dòng chảy từ Biển Hồ có mức độ ảnh hưởng rất nhỏ. Dòng chảy từ Trung Quốc cũng đóng một vai trò khá nhỏ trong mùa khô do ở xa Đồng bằng sông Cửu Long. Phần còn lại là ảnh hưởng của các yếu tố khác liên quan đến chế độ vận hành điều tiết các công trình (thủy điện và thủy lợi) vùng Hạ lưu vực sông Mê Công, chủ yếu trên các dòng nhánh sông Mê Công. 

Tại Hội nghị “Tổng kết công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, mùa khô năm 2019 - 2020 và định hướng phát triển nông nghiệp bền vững vùng Đồng bằng sông Cửu Long” tổ chức mới đây tại tỉnh Long An, ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam nêu rõ: “Ảnh hưởng lớn từ hiện tượng ít mưa do biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính cho tình hình hạn mặn có tính lịch sử mùa khô 2019-2020. Trong 10 năm gần đây, các đợt hạn hán trên lưu vực sông Mê Công đều gắn với các chu kỳ mưa ít, đặc biệt trong mùa khô 2020. Mưa ít, nhiệt độ cao, lượng bốc hơi nhiều dẫn đến hệ quả là buộc phải gia tăng sử dụng nước để bù lại lượng nước thiếu do mưa, kéo theo việc các hồ chứa/ao hồ buộc phải tích nước… các yếu tố này góp phần làm trầm trọng thêm tình hình hạn hán ở hạ du”.

Các thông tin dự báo và phân tích tình hình hạn mặn của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam đã thường xuyên được chia sẻ cho các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các Bộ ngành có liên quan trong các Bản tin hàng tháng về tình hình hạn mặn trong suốt mùa khô 2019-2020 và được các địa phương và Bộ ngành đánh giá cao.

Nguồn Báo TNMT