Quản lý đất đai

Nhìn lại 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW: Bài 2: Thực trạng công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

09:24, 23/11/2021
Cả nước hiện đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định cụ thể về mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phân cấp của Luật Đất đai và các Nghị định của Chính phủ để áp dụng tại địa phương. Trong đó, quy định và phân định rõ trách nhiệm các sở, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

 

Cụ thể, về mức bồi thường chi phí di chuyển các địa phương quy định theo tiêu chí khác nhau như: Bồi thường chi phí di chuyển chia theo các cự ly quãng đường (7/63 tỉnh, thành); theo chi phí thực tế (6/63 tỉnh); theo loại nhà, diện tích xây dựng nhà bị thu hồi (8/63 tỉnh); theo đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh với mức từ 2.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (32/63 tỉnh); không quy định bồi thường chi phí di chuyển (10/63 tỉnh).

Về mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: Mức hỗ trợ chủ yếu ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo giá đất nông nghiệp trong bảng giá đất đối với từng loại đất nông nghiệp hoặc hỗ trợ chung cho tất cả các loại đất nông nghiệp (tính bằng 1 - 5 lần) hoặc theo từng địa bàn cấp xã, cấp huyện. Bên cạnh đó, một số tỉnh quy định mức hỗ trợ thấp hơn quy định như: Phú Yên quy định mức hỗ trợ bằng 0,5 lần đối đất rừng sản xuất là rừng trồng, Long An quy định mức hỗ trợ bằng 0,4 lần giá đất nông nghiệp.

Đối với hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở: Các địa phương quy định theo những tiêu chí khác nhau như theo thu nhập sau thuế; theo chính sách giải quyết việc làm đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định; hỗ trợ cụ thể bằng tiền theo nhân khẩu trong độ tuổi lao động hoặc cho cả hộ gia đình; hỗ trợ bằng việc bồi thường bằng quỹ đất có vị trí tương đương cho thuê đất sản xuất, kinh doanh hoặc ưu tiên vị trí thuận lợi khi giao đất tái định cư;... có 24 tỉnh không quy định mức hỗ trợ này.

Ảnh minh họa

Về mức hỗ trợ tái định cư, quy định mức hỗ trợ bằng tiền hoặc bằng giá trị suất đầu tư hạ tầng tại tái định cư tập trung (45/63 tỉnh); có hỗ trợ từ 5% đến 50% giá trị bồi thường về đất (7/63 tỉnh); hỗ trợ theo tỷ lệ phần trăm (%) giá trị suất tái định cư tối thiểu (6/63 tỉnh)... có 3 tỉnh không quy định khoản hỗ trợ này (Nghệ An, Đà Nẵng và Long An).

Về suất tái định cư tối thiểu, bao gồm các quy định: Suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở; suất tái định cư tối thiểu bằng nhà ở; suất tái định cư tối thiểu bằng tiền.

Có 53/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định suất tái định cư tối thiểu bằng đất ở, với diện tích khác nhau tùy theo điều kiện của từng địa phương... có 10 tỉnh không quy định nội dung này.

Có 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định suất tái định cư tối thiểu bằng nhà ở là căn hộ chung cư với diện tích tối thiểu khác nhau hoặc theo diện tích nhà ở tái định cư của dự án được phê duyệt ... có 36/63 tỉnh không quy định suất tái định cư tối thiểu bằng nhà ở.

Suất tái định cư tối thiểu bằng tiền được quy định ở các địa phương theo từng đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (mức từ 25 đến 300 triệu đồng) hoặc theo diện tích suất tái định cư tối thiểu nhân với giá đất ở cụ thể tại nơi tái định cư hoặc giá trị đầu tư tính bình quân cho mỗi suất tái định cư. 16 tỉnh không quy định suất tái định cư tối thiểu bằng tiền.

Về thực trạng thực hiện thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo Báo cáo kết quả Đề án hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đầy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư của Tổng cục Quản lý đất đai (năm 2018), tổng diện tích đất đã thu hồi thực hiện các dự án đầu tư là 2.188.577,22 ha(từ năm 2014 đến năm 2017), trong đó có:1.594.485,38 ha đất nông nghiệp, 591.787,73 ha đất phi nông nghiệp và 2.304,11 ha đất chưa sử dụng (tổng hợp được từ42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương)

Nhìn chung, diện tích đất thu hồi đã đáp ứng được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương. Việc tổ chức thực hiện thu hồi đất đã được UBND các cấp chỉ đạo sát sao, qua đó, diện tích đất thu hồi đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu “đất sạch” để thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án phục vụ cho mục đích công cộng.

Theo Báo cáo kết quả Đề án hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để đầy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư của Tổng cục Quản lý đất đai (năm 2018), từ năm 2014 đến năm 2017, thực hiện bồi thường bằng đất với diện tích 13.022,83 ha, trong đó: diện tích đất để bồi thường bằng đất ở là 250,50 ha, bằng đất nông nghiệp là 12.636,63 ha và bằng đất phi nông nghiệp là 135,71 ha. Bên cạnh đó, việc bồi thường tại các địa phương cho người có đất thu hồi chủ yếu được thực hiện theo hình thức chi trả bằng tiền, đến nay các tỉnh đã thực hiện chi trả bằng tiền với tổng số tiền là 46.896,48 tỷ đồng, trong đó: tiền bồi thường đất ở là 16.344,63 tỷ đồng, tiền bồi thường đất nông nghiệp là 25.282,70 tỷ đồng và tiền bồi thường đất phi nông nghiệp là 4.377,26 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện việc xác định giá đất để tính bồi thường, nhiều địa phương (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Đồng Nai, Vĩnh Long…) đã thuê tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất thực hiện nhằm nâng cao chất lượng định giá đất.

Đối với bồi thường tài sản gắn liền với đất cho chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất, các địa phương đã thực hiện bồi thường bằng tiền với tổng số tiền là 51.456,88 tỷ đồng, trong đó, tiền bồi thường nhà ở và công trình gắn liền với đất là 44.708,79 tỷ đồng. Thực hiện hỗ trợ số tiền là 43.075,63 tỷ đồng, trong đó, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất là 9.069,47 tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm là 33.666,42 tỷ đồng; hỗ trợ tái định cư là 820,24,83 tỷ đồng và hỗ trợ khác là 3.279,64 tỷ đồng.

Việc bố trí tái định cư tại các địa phương được thực hiện bằng việc giao đất ở hoặc nhà ở với tổng diện tích đất ở để bố trí tái định cư là 567,40 ha cho 25.770 hộ gia đình, cá nhân (bình quân 220,18 m2/hộ) và diện tích nhà để bố trí tái định cư là 29.745 m2 cho 347 hộ gia đình, cá nhân (tỉnh Quảng Ninh). Đối với các hộ gia đình, cá nhân tự lo chỗ ở thì được Nhà nước hỗ trợ tiền để tự tìm chỗ ở tái định cư với số tiền là 1.218 triệu đồng. Nhìn chung, các địa phương chủ yếu thực hiện tái định cư bằng đất ở, diện tích nhà tái định cư chủ yếu được thực hiện tại các thành phố hạn chế về quỹ đất ở.

Bài 1: Cơ chế, chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư những vấn đề đặt ra

Bài 3: Đâu là trường hợp "thật cần thiết" phải thu hồi đất?

Theo Báo TNMT