Quản lý đất đai

Đẩy mạnh phân cấp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất

07:54, 10/11/2021
Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tháo gỡ cơ chế trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhằm tạo thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
q

Quang cảnh phiên họp sáng 9/11. Ảnh: quochoi.vn

Đẩy mạnh phân cấp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2022; báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần tháo gỡ cơ chế trong lĩnh vực đất đai, đặc biệt là việc đẩy mạnh phân cấp trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhằm đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn ĐBQH Phú Thọ bày tỏ sự nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022. Để góp phần cụ thể hóa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, đại biểu đề nghị cần tháo gỡ cơ chế trong lĩnh vực đất đai, tạo điều kiện đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

2

Đại biểu Nguyễn Thành Nam, đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Cụ thể, về điều chỉnh quy hoạch đất lúa và các loại đất rừng, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, Thủ tướng Chính phủ đã phân khai chỉ tiêu sử dụng đất và ban hành Nghị quyết phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh trong đó xác định rõ diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng cuối kỳ quy hoạch và chỉ tiêu được phép chuyển mục đích các loại đất trên sang mục đích phi nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng khi triển khai thực hiện đến mỗi dự án, mỗi công trình cần chuyển 10 ha đất lúa, 20 ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng và 50 ha đất rừng sản xuất thì một lần nữa lại phải xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ. Thực tế việc làm này làm chậm tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

“Do vậy, trong điều kiện chưa đủ thời gian để điều chỉnh, bổ sung Luật Đất đai, Luật Lâm nghiệp và các luật có liên quan, đề nghị Quốc hội xem xét cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh áp dụng cơ chế đặc thù để chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng theo đúng quy định kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt mà không phải xin ý kiến các bộ, ngành để trình Thủ tướng Chính phủ lần thứ hai mà Trung ương dành thời gian để kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu về quy hoạch đất đai theo kế hoạch đã được duyệt” đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị.

Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị loại 1 ở mọi vị trí, mọi quy mô, đại biểu Nguyễn Thành Nam cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, của Chính phủ, các tỉnh đang tích cực thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập, tinh giản bộ máy hành chính, giải thể một số đơn vị sự nghiệp công lập, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, việc sắp xếp, xử lý tài sản công là đất đai, tài sản, thu hồi nợ theo quy định là việc làm bình thường và diễn ra thường xuyên.

Theo quy định của Luật Quy hoạch và các luật liên quan, việc điều chỉnh này với cấp đô thị loại 1 trở lên thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ. Trên thực tế, có nhiều dự án điều chỉnh ở quy mô rất nhỏ, nhất là thu hồi đất trụ sở một cơ quan hành chính nhưng cũng phải thực hiện đầy đủ các thủ tục để trình Thủ tướng phê duyệt. Như vậy là mất nhiều thời gian, không kịp thời đáp ứng nhu cầu các nhà đầu tư, vô tình làm lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Thành Nam đề nghị Quốc hội xem xét ủy quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh được phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị từ loại 1 trở xuống ở các vị trí đất thu hồi do sắp xếp sử dụng, quy hoạch giao thông và các vị trí độc lập không mang tính liên kết vùng.

1

Đại biểu Khương Thị Mai, đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quoihoi.vn

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Khương Thị Mai, đoàn ĐBQH Nam Định đề nghị Chính phủ trong khi chưa sửa đổi được Luật Đất đai, Luật Đầu tư công và các luật có liên quan thì đề nghị ban hành cơ chế đẩy mạnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân được quyết định một số nội dung, như chuyển mục đích sử dụng đất từ 10 ha trở lên đến dưới 500 ha thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và đề nghị ủy quyền cho Hội đồng nhân dân được ủy quyền cho Thường trực Hội đồng nhân dân quyết định một số vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp sớm đưa các dự án vào hoạt động.

Cùng bàn luận về nội dung trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn ĐBQH Bắc Kạn cho rằng, để tạo điều kiện cho một tỉnh, thậm chí là cả một vùng có thêm động lực phát triển kinh tế - xã hội nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra thì cần một hệ thống cơ chế, thể chế hoàn chỉnh, thống nhất và phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền địa phương, đặc biệt là về các lĩnh vực đất đai, lâm nghiệp, đầu tư. Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy, có những quy định còn gây trở ngại cho địa phương trong quá trình phát triển.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, Luật Lâm nghiệp quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ dưới 20 ha, rừng sản xuất dưới 50 ha và không chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, trừ dự án quan trọng quốc gia, dự án phục vụ quốc phòng, an ninh, dự án cấp thiết khác được Chính phủ phê duyệt. Tại Nghị định số 83 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156 Chính phủ phân công Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia, dự án cấp thiết khác quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp. Như vậy, việc quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, không phân biệt diện tích.

2

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: quochoi.vn

Đối với các tỉnh miền núi có diện tích rừng và đất rừng chiếm tỷ lệ lớn, quá trình thực hiện các dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của tỉnh, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông không tránh khỏi việc thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, trong đó có rừng tự nhiên, thời gian thực hiện thủ tục kéo dài qua nhiều bộ, ngành có liên quan tham mưu và trình Thủ tướng Chính phủ, nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ đầu tư vượt thời gian thực hiện dự án theo quy định của Luật Đầu tư công.

Để tạo điều kiện thuận lợi và chủ động cho địa phương, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho Hội đồng nhân dân các tỉnh. Cụ thể, đối với các công trình, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác, không phân biệt quy mô, diện tích. Đối với các công trình dự án khác giao Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên dưới 20 ha.

Theo Báo TNMT