Quản lý đất đai

Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn mới: Đảm bảo tính thống nhất đồng bộ

14:13, 21/10/2021
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV sẽ xem xét, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, trong đó có Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất  quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là Quy hoạch có vai trò rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch vùng và địa phương có liên quan đến sử dụng đất, tạo tính liên kết liên vùng; bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tôn trọng tự nhiên.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Đặng Xuân Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.

PV: Ông đánh giá như thế nào về Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất  quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thông qua kỳ này, nhất là về sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch có liên quan?

Ông Đặng Xuân Phong:

Tôi nhận thấy, Dự thảo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 được xây dựng căn cứ vào Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, nhu cầu sử dụng đất của ngành, lĩnh vực, địa phương có liên quan đến việc sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; được xây dựng dựa trên điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ trước; nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và của cấp tỉnh. Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép các quy hoạch có thể lập đồng thời, quy hoạch nào được lập, thẩm định xong trước thì được quyết định hoặc phê duyệt trước. Sau khi quy hoạch được quyết định hoặc phê duyệt, nếu có mâu thuẫn, quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn.

1

Ông Đặng Xuân Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 6 của Luật Quy hoạch, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay Quy hoạch tổng thể quốc gia chưa được phê duyệt. Vì vậy, theo tôi, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp quốc gia với các quy hoạch có liên quan, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn.

PV: Được biết, Quy hoạch sử dụng đất  quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một quy hoạch quan trọng được trình tại Kỳ họp Quốc hội này. Vậy ông có đề xuất giải pháp gì để thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong thời gian tới một cách hiệu quả?

Ông Đặng Xuân Phong:

Theo tôi, về chính sách, cần hoàn thiện pháp luật, chính sách đất đai điều tiết các nguồn thu từ đất để cân đối, phân phối hợp lý tạo nguồn lực phát triển đồng đều; Tăng cường cải cách thủ tục hành chính, tăng cường phân công, phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát; Hoàn thiện các quy định chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa nhưng không làm thay đổi tính chất thổ nhưỡng; Nghiên cứu xây dựng các tiêu chí, định mức, quy định về suất đầu tư để đảm bảo quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên đất đai. Về khoa học và công nghệ, cần đẩy nhanh chuyển đổi số, xây dựng, vận hành hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai, tăng khả tiếp cận thông tin. Ứng dụng công nghệ trong việc lập và theo dõi, giám sát thực hiện quy hoạch sử dụng.

Về nguồn lực, phải ưu tiên nguồn lực đầu tư công để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt trong 5 năm đầu kỳ dẫn dắt đầu tư tư nhân; tạo quỹ đất ở vùng phụ cận của các công trình, dự án để đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu từ đất đai, phát huy nguồn lực đất đai. Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách “xã hội hóa” đầu tư trong lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, bảo vệ môi trường,…

Một góc đô thị Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh

Về ứng phó với biển đổi khí hậu, phục hồi quỹ đất bị suy thoái, chúng ta cần khai hoang phục hóa diện tích đất chưa sử dụng, đất bãi bồi ven sông ven biển; phát triển đô thị xanh, công nghiệp theo mô hình tuần hoàn, ít phát thải, đảm bảo quỹ đất cho phát triển các khu xử lý, tái chế rác thải liên vùng, liên tỉnh. Quy hoạch điều chỉnh, di dời các khu dân cư, các cơ sở sản xuất ra khỏi các vùng, khu vực có nguy cơ thiên tai, tai biến địa chất, sạt lở, sụt lún.

Bên cạnh đó, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai; xử lý nghiêm các hoạt động gây ô nhiễm, làm hủy hoại đất, thoái hóa đất.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức về quy hoạch sử dụng đất; công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

PV: Vậy, nếu Quy hoạch được Quốc hội thông qua, các Bộ, ngành, địa phương cần làm gì để thực hiện tốt các chỉ tiêu, mục tiêu đã đề ra, thưa ông?

Ông Đặng Xuân Phong:

Nếu Quốc hội thông qua Quy hoạch, Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tổ chức công khai, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Bên cạnh đó, phải quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch; thường xuyên kiểm tra, thanh tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các chỉ tiêu sử dụng đất; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Bố trí các nguồn vốn để đảm bảo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá đất đai; quan trắc, giám sát tài nguyên đất; cải tạo, phục hồi đất của cả nước, các vùng kinh tế - xã hội; tổ chức, hướng dẫn xác định ranh giới, xây dựng bản đồ và tổ chức cắm mốc và công khai diện tích đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên cần bảo vệ nghiêm ngặt.

Các Bộ, ngành, địa phương cần tổ chức lập, trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025) cấp tỉnh đảm bảo nhu cầu sử dụng đất phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội thông qua; triển khai việc lập các quy hoạch có sử dụng đất để tạo hệ thống đồng bộ trong việc triển khai các chỉ tiêu sử dụng đất quốc gia phát huy nguồn lực đất đai.

Đặc biệt, định kỳ hàng năm, UBND cấp tỉnh báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo TNMT