76 năm xây dựng và phát triển
Ngày 3/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 41 - SL, đánh dấu sự kiện quan trọng cho việc hình thành của ngành Quản lý đất đai Việt Nam. Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển, trong mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ lịch sử ngành Quản lý đất đai đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về đất đai góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước.
Ngay thời kỳ đầu thành lập, với đội ngũ cán bộ còn ít, thực hiện chủ trương của Đảng, ngành đã tham mưu Đảng và Chính phủ ban hành và thực hiện hàng loạt quy định qua từng thời kỳ. Những quyết sách đúng đắn đã trở thành động lực quan trọng, hết sức to lớn trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tạo thành khối liên minh công nông vững chắc, là cơ sở cho quá trình phát triển của Cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc báo cáo tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa I thông qua Luật Cải cách ruộng đất (1953) |
Sau đó là thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và kháng chiến chống Mỹ xâm lược ở miền Nam, đấu tranh thống nhất đất nước (1954 - 1975). Với mục tiêu "Đấy mạnh cuộc Cách mạng Xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là đẩy mạnh cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công và cuộc cải tạo Xã hội chủ nghĩa (XHCN) đối với thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời, phải ra sức phát triến kinh tế quốc doanh" (ở miền Bắc). Các chính sách công hữu hóa đất đai giai đoạn này đã tạo điều kiện quy hoạch các vùng sản xuất chuyên canh lớn, đồng thời, tạo điều kiện xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng như: Thủy lợi, giao thông xây dựng đồng ruộng.
Sau ngày thống nhất đất nước (1975), cộng tác quản lý đất đai chủ yếu nhằm củng cố nền kinh tế XHCN và cải tạo XHCN ở miền Nam, tập trung tư liệu sản xuất, thực hiện hợp tác hóa gắn liền với thủy lợi hóa, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật... trong đó, thay đổi cơ bản là từng bước chuyển từ chế độ tư hữu đất đai sang hình thức sở hữu tập thể và sở hữu Nhà nước về đất đai.
Bước vào thời kỳ đổi mới, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI và các Đại hội tiếp theo về chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hựớng XHCN, ngành đã xác định nhiệm vụ quản lý và phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Gần đây nhất, Luật đất đai 2013 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành từ năm 2014 đến nay đã thể chế đầy đủ quan điểm, nội dung định hướng của Đảng về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để nước ta sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà trực tiếp là Ban cán sự đảng và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ngành Quản lý đất đai những năm qua đã tổ chức thực hiện toàn diện các nội dung quản lý Nhà nước về đất đai; thực hiện các nhiệm vụ được phân cấp, phân quyền; đặc biệt công tác tham mưu hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để xóa bỏ những rào cản, tháo gỡ vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về đất đai đạt được những kết quả nổi trội; công tác quản lý nhà nước về đất đai đã đạt được những kết quả khả quan.
Về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, Ngành đã tham mưu kịp thời ban hành các Nghị quyết của Trung ương về vấn đề quản lý đất đai. Nhìn chung, các quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng đã được thể chế thành các quy định cụ thể của Hiến pháp, Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và các luật khác có liên quan. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đặc biệt nhiều nghị định, thông tư được ban hành kịp thời có hiệu lực ngay khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành, đã cơ bản khắc phục được tình trạng Luật chờ văn bản hướng dẫn như trước đây, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Về công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tiếp tục được đổi mới về phương pháp, quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc lập quy hoạch sử dụng đất; xác định cụ thể chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp nhằm tạo ra sự linh hoạt, chủ động cho địa phương trong việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Quy hoạch sử dụng đất đã phân bổ nguồn lực đất đai đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, văn hóa - xã hội… phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ quốc phòng, an ninh, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác tiềm năng đất đai tại các vùng trung du, miền núi, ven biển. Trên cơ sở các chỉ tiêu phân bổ của quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất đã được lập, phê duyệt và triển khai thực hiện.
Về giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từng bước tiếp cận cơ chế thị trường, đã cơ bản đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển hạ tầng đồng bộ, giải quyết các vấn đề xã hội, tạo ra bình đẳng hơn giữa các chủ thể sử dụng đất: việc tham mưu ban hành các quy định của pháp luật để thu hẹp các trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, chủ yếu áp dụng hình thức Nhà nước cho thuê đất; quy định cụ thể các trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước hàng năm; từng bước sàng lọc được các nhà đầu tư kém năng lực, khắc phục tình trạng chậm đưa đất vào sử dụng. Việc giao đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất đã được chú trọng thực hiện hơn đối với đất ở, góp phần quan trọng tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Tham mưu ban hành các chính sách, cơ chế khuyến khích tích tụ đất đai thông qua cơ chế góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất.
|
Ngành Quản lý đất đai đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về đất đai góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước |
Về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng công khai, minh bạch hơn, tiếp cận cơ chế thị trường và theo hướng có lợi cho người có đất bị thu hồi quy định của pháp luật về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện, bảo đảm lợi ích hợp pháp và quyền có chỗ ở, ổn định đời sống, sản xuất và sinh kế đối với người có đất thu hồi; góp phần làm giảm các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai. Công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có chuyển biến rõ rệt, bước đầu khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan, sử dụng đất lãng phí, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cơ bản bảo đảm công khai, dân chủ, đúng pháp luật.
Về lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất được quan tâm, chỉ đạo. Hệ thống hồ sơ địa chính đã góp phần hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng, góp phần giảm đói nghèo (riêng hồ sơ đăng ký giao dịch bảo đảm đã giải quyết hàng triệu hồ sơ mỗi năm); là công cụ để Chính phủ và chính quyền các cấp kiểm soát tốt nhất tài nguyên đất; cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin phục vụ quá trình ra quyết định; làm cơ sở quan trọng để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai; hỗ trợ các cơ quan thanh tra, cơ quan tư pháp trong việc điều tra, phát hiện, xử lý tài sản, tạo thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản do phạm tội mà có (trước 2013 trung bình chỉ đạt khoảng 10% trên tổng số phải thu hồi, giai đoạn 2013-2020 đạt hơn 32%).
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất được đảm bảo và phát huy, được pháp luật đất đai quy định cụ thể hơn như: quy định điều kiện nhà đầu tư được nhận quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư; khuyến khích việc cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đầu tư; điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.
Cơ chế, chính sách phát triển thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất từng bước được hoàn thiện, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển. Vấn đề quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai, nội dung của quyền sở hữu và các quyền, nghĩa vụ về tài sản đã quy định rõ hơn; đồng thời làm rõ hơn cơ chế giao dịch quyền sử dụng đất phù hợp hơn với cơ chế thị trường.
Giá đất từng bước tiếp cận hơn với thị trường, việc tham mưu ban hành các quy định về giá đất, các phương pháp xác định giá đất, trình tự thủ tục xác định giá đất, đặc biệt là việc xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đã làm tăng đáng kể nguồn thu từ đất đai đặc biệt từ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (thị trường sơ cấp) tăng từ gần 53 nghìn tỷ năm 2014 lên 212 nghìn tỷ năm 2020.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đất đai, giải quyết tranh chấp, khiếu nại liên quan đến đất đai có nhiều chuyển biến tích cực; nhiều vụ việc tham nhũng, vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai đã được xử lý nghiêm minh; đơn thư khiếu nại về đất đai có xu hướng giảm, kết quả thanh tra đã góp phần không nhỏ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; chỉ ra được nhiều những tồn tại, bất cập, vi phạm của đối tượng thanh tra; đồng thời đã đưa ra các kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm và có hình thức xử lý theo quy định đối với tập thể, cá nhân để xảy ra các vi phạm, khuyết điểm, xử lý thu hồi tiền và tài sản sai phạm về ngân sách nhà nước; góp phần cho sự nghiệp phát triển kinh tế, nhất là trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Còn tồn tại, hạn chế, trong quá trình tổ chức thi hành Luật đất đai
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song, công tác quản lý Nhà nước về đất đai hiện còn khó khăn, tồn tại, hạn chế, nhất là trong quá trình tổ chức thi hành Luật đất đai, cụ thể: Về chính sách pháp luật đất đai, Luật Đất đai là Luật có phạm vi điều chỉnh rộng điều chỉnh quan hệ về sở hữu đất đai, sử dụng đất đai. Do đó, trong quá trình tổ chức thực hiện pháp luật các Luật có liên quan có xu hướng quy định điều chỉnh các vấn đề có liên quan đến đất đai dẫn đến tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
Về quy hoạch sử dụng đất, công tác dự báo nhu cầu sử dụng đất một số ngành, lĩnh vực, các dự án đầu tư chất lượng thấp, chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp. Chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đến công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên khi có các công trình dự án đầu tư còn bị động.
Về giao đất, cho thuê đất, việc giao đất có thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm khai thác nguồn lực đất đai thực hiện còn rất hạn chế. Tình trạng dự án Nhà nước đã giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa đất vào sử dụng tuy đã được khắc phục nhưng vẫn còn xảy ra gây lãng phí nguồn lực đất đai.
Việc phân cấp mạnh thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cho địa phương qua thực tế triển khai thực hiện đã nảy sinh tình trạng Trung ương không kiểm soát chặt chẽ được việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại các vị trí xung yếu, chiến lược về quốc phòng, an ninh và quyết định đối với việc sử dụng đất của các dự án có tầm quan trọng quốc gia. Việc thu hồi đất đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai rất khó khăn, nhất là các dự án đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng…
Về tài chính đất đai, việc xác định giá đất cụ thể còn có vướng mắc trong quy định của pháp luật cũng như triển khai trong thực tế. Việc phối hợp giữa cơ quan xác định giá đất cụ thể và cơ quan thẩm định giá đất chưa tốt, để kéo dài thời gian.
Về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm. Một số dự án lớn thực hiện kéo dài đã nhiều năm nhưng chưa hoàn thành, vừa ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vừa tác động không tốt đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Một số địa phương chưa xây dựng khu tái định cư trước khi quyết định thu hồi đất hoặc đã xây dựng nhưng vị trí không thuận lợi, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, không phù hợp với phong tục, tập quán của người có đất thu hồi.
Qua công tác kiểm tra và chỉ đạo trong thời gian vừa qua cho thấy công tác tổ chức thi hành pháp luật đất đai ở nhiều địa phương còn hạn chế, chưa quyết liệt mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể và theo phân cấp thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh. Số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai đã có xu hướng giảm so với trước đây nhưng vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai thuộc thẩm quyền của địa phương vẫn còn chậm, tình trạng công dân gửi đơn khiếu nại vượt cấp lên các cơ quan Trung ương vẫn còn nhiều.
Về tổ chức, bộ máy ngành quản lý đất đai, nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai rất nặng nề, phức tạp. Bộ máy tổ chức làm công tác quản lý Nhà nước về đất đai và điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều địa phương chưa tương xứng với yêu cầu tổ chức triển khai thi hành pháp luật trên thực tế; năng lực cán bộ, công chức, viên chức chưa đáp ứng yêu cầu, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu.
Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Đào Trung Chính, để khắc phục những hạn chế, khó khăn trên, trong giai đoạn tiếp theo, ngành Quản lý đất đai sẽ tiếp tục tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện các công cụ quản lý đất đai…
Ngành chủ trương tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đất đai và tổ chức thực hiện; Tăng cường phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về chính sách pháp luật đất đai; Kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện pháp luật đất đai đảm bảo tính hiệu lực, hiệu quả của các chính sách, pháp luật đã ban hành.
|
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cùng các lãnh đạo Tổng cục chụp ảnh lưu niệm với các nguyên lãnh đạo Bộ TN&MT, Tổng cục Quản lý đất đai (2020) |
Tăng cường công tác điều tra cơ bản, đánh giá toàn diện tài nguyên đất đai phục vụ công tác quản lý nhà nước, xây dựng chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước là một định hướng quan trọng của ngành.
Đặc biệt xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, phát triển bền vững từng bước ứng dụng công nghệ cao trong công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; lồng ghép với các nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo quốc phòng, an ninh; … được xem là cơ sở để xây dựng các phương án quy hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất để phát triển kinh tế - xã hội trên quan điểm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh đó, Ngành sẽ tiếp tục hoàn thiện các công cụ tài chính trong quản lý đất đai phục vụ thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ngăn chặn tình trạng lãng phí, sử dụng kém hiệu quả, đầu cơ trong quản lý sử dụng đất đai; thu hút các thành phần kinh tế đầu tư vào công trình gắn liền với đất. Xây dựng và phát triển hệ thống tổ chức định giá đất, từng bước xã hội hoá công tác định giá đất và hệ thống tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất ngoài công lập. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế định giá đất.
Thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai; các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất; thường xuyên kiểm tra nhằm phát hiện và chấn chỉnh các thiếu sót, sai phạm về chuyên môn trong việc thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về đất đai, chú trọng kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm.
Về lâu dài, ngành sẽ hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai. Tích hợp cơ sở dữ liệu đất đai và kết nối từ Trung ương đến địa phương; kết nối với cơ sở dữ liệu của các ngành; cung cấp dữ liệu đất đai cho các đối tượng có nhu cầu sử dụng.
Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tổ chức, bộ máy, tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính, tăng cường năng lực quản lý cho ngành Quản lý đất đai.
Theo Báo TNMT