Quản lý đất đai

Đổi mới chính sách đất đai: Đề xuất 9 định hướng sửa đổi

15:48, 02/09/2021
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã có những chuyển biến tích cực, dần đi vào nền nếp; việc sử dụng đất ngày càng hiệu quả, góp phần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, trước sự phát triển kinh tế - xã hội, những tác động của biến đổi khí hậu, chính sách đất đai đang đứng trước yêu cầu thay đổi để đáp ứng nhu cầu phát triển mới.

 

Nhiều điểm cần đổi mới

Sau gần 7 năm thực thi Luật Đất đai 2013, công tác quản lý Nhà nước về đất đai đã đạt được những kết quả khả quan. Cụ thể, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng trong thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Khắc phục tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không đưa vào sử dụng, lãng phí. Chính sách thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã bảo đảm tốt hơn quyền lợi cho người có đất thu hồi...

Việc thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc nộp hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ và giúp đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai so với giai đoạn trước giảm 38%; số vụ việc thuộc thẩm quyền của cơ quan hành chính Nhà nước giảm 58%.

Tuy nhiên, theo Tờ trình của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị đưa Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 mới đây cho thấy, thực tiễn qua hơn 7 năm thi hành, bên cạnh những kết quả đạt được, Luật Đất đai năm 2013 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.

 

Cụ thể, nguồn lực về đất đai chưa được khai thác đúng mức, chưa thực sự phát huy để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việc thu giá trị tăng thêm từ đất chưa tương xứng với đầu tư của Nhà nước vào cơ sở hạ tầng.

Nhiều nơi sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; nhiều dự án chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng; có tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp; quy hoạch treo, tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn còn diễn ra. Vi phạm pháp luật về đất đai còn xảy ra nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Quá trình tập trung, tích tụ đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng. Xu thế thoái hóa, ô nhiễm đất, xâm nhập mặn diễn ra ở nhiều nơi, diễn biến phức tạp…

Đề xuất 9 định hướng sửa đổi

Tại buổi làm việc mới đây của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Lãnh đạo các Bộ, ngành với Bộ TN&MT về tiến độ, các bước chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, có 9 định hướng sửa đổi Luật Đất đai về Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; Giá đất; Tài chính đất đai; Quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai, đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; Quyền của người sử dụng đất và Chế độ sử dụng đất.

“Phải có giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền lợi của người sử dụng đất, nhất là đối với người được Nhà nước giao đất nông nghiệp, đối tượng dễ bị tổn thương. Đảm bảo đời sống việc làm cho người trong diện thu hồi đất”

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT, các Bộ, ngành chức năng tham mưu cho Chính phủ rà soát để kịp thời sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, có liên quan đến chồng chéo trong pháp luật về đất đai và xác định cả những vướng mắc, tồn tại, hạn chế trong tổ chức, thực thi để có phương án xử lý phù hợp. Đồng thời đề nghị không xác định "cứng" 9 nội dung như Bộ TN&MT đề xuất mà trong quá trình đánh giá thực tiễn có thể xuất hiện những nội dung khác cần bổ sung, tiếp thu, chỉnh sửa. "Đây là cơ hội rất lớn để sửa đổi Luật Đất đai, nên phải tạo ra những chuyển biến căn bản, căn cơ cho việc quản lý, sử dụng, khai thác tài nguyên đặc biệt quan trọng này" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Báo TNMT